Thời sự Thứ Tư 10 tháng 01 năm 2024


Spread the love

Võ Thái Hà tổng hợp


Tân thủ tướng Pháp Gabriel Attal ráo riết thành lập chính phủ

Thanh Phương /RFI

10/01/2024

Một ngày sau khi được bổ nhiệm làm tân thủ tướng, hôm nay, 10/01/2024, ông Gabriel Attal bắt tay vào việc thành lập chính phủ mới, với hy vọng tạo một xung lực mới cho nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. 

Tân thủ tướng Pháp Gabriel Attal sau buổi lễ nhậm chức tại Paris ngày 09/01/2024.

Tân thủ tướng Pháp Gabriel Attal sau buổi lễ nhậm chức tại Paris ngày 09/01/2024. AP – Emmanuel Dunand 

Nhưng khó khăn đối với vị thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Cộng Hòa Pháp đó là nội các mới phải gọn nhẹ, với số bộ trưởng nam nữ ngang bằng nhau, đồng thời bảo đảm được sự cân bằng trong phe đa số cầm quyền.

Trước mắt, hôm nay, phủ thủ tướng thông báo bổ nhiệm ông Emmanuel Moulin làm chánh văn phòng của ông Gabriel Attal. Ông Moulin là một nhân vật thân cận với bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire và của tổng thư ký điện Elysée Alexis Kohler.

Các cuộc thương lượng, mặc cả đã bắt đầu ngay từ hôm qua để chọn lựa các thành viên chính phủ mới. Theo hãng tin AFP, trong số các bộ trưởng chính phủ tiền nhiệm, bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên chiếc ghế này. Trong khi đó, có tin đồn là bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire có thể không muốn làm việc dưới quyền của ông Attal, trước đây là quốc vụ khanh trong bộ Kinh Tế. Cũng có khả năng là trong thành phần tân nội các sẽ không còn phát ngôn viên chính phủ Olivier Véran cũng như bộ trưởng Giao Thông Clément Baune, vốn đã chỉ trích nặng nề việc thông qua luật nhập cư mới, một thái độ khiến tổng thống Macron rất bực bội.

Nhiều bộ trưởng thuộc cánh tả trong chính phủ tiền nhiệm cũng đã bất đồng với xu hướng ngày càng nghiêng về cánh hữu của phe đa số cầm quyền, cho nên có khả năng là những nhân vật này sẽ không được giữ lại. Tân thủ tướng Attal đặc biệt phải tìm người thay thế ông làm bộ trưởng Giáo Dục, chiếc ghế mà ông chỉ nắm giữ trong 5 tháng.

Theo lời chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher, từ đây đến cuối tuần, tân nội các sẽ được lập xong. Do chưa có chính phủ mới, cuộc họp Hội đồng bộ trưởng hàng tuần, trên nguyên tắc diễn ra sáng nay, được dời lại vô thời hạn.


Indonesia sẵn sàng làm việc với các nước để đúc kết COC

09/01/2024

Indonesia sẵn sàng làm việc với các nước để đúc kết COC

Ngoại trưởng Indonesia Indonesian Retno Marsudi phát biểu taiji họp báo nhân hội nghị các ngoại trưởng ASEAN ở Jakarta hôm 14/7/2023 (minh họa) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAP 

Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi vào ngày 9/1 lên tiếng cho rằng đất nước bà sẵn sàng làm việc với các quốc gia Đông Nam Á khác để đúc kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) bị trì hoãn lâu nay.

Reuters loan tin dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Retno Marsudi như vừa nêu tại cuộc họp báo chung với người tương nhiệm Philippines Enrique Manalo ở Manila, trước chuyến công du của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến ba nước Brunei, Việt Nam và Philippines.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc trong nhiều năm qua cố gắng tạo ra khuôn khổ để đàm phán một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông, sau khi các bên có Tuyên bố Ứng xử của Các bên tại Biển Đông (DOC) ra đời từ năm 2002.

Diễn tiến cho Bộ Quy tắc Ứng xử COC khá chậm chạp dù có cam kết từ các bên về việc đẩy mạnh tiến trình đàm phán.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc mà Bắc Kinh tự vạch ra ở vùng biển có tuyến hàng hải quan trọng và giàu tài nguyên thiên nhiên hải sản, dầu khí này.

Đường đứt khúc, thường được gọi là đường lưỡi bò, kéo xa cách bờ biển miền nam Hoa Lục đến 1.500 km, phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc tế (PCA) ở La Haye vào tháng 7 năm 2016 tuyên đường đó không có giá trị cả về pháp lý và lịch sử; tuy nhiên Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.


Gần 50 nước lên án Bắc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga

Thu Hằng /RFI – 10/01/2024

Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và 47 nước, trong thông cáo chung công bố ngày 09/10/2024, đã lên án « mạnh mẽ » Bắc Triều Tiên giao tên lửa cho Nga, làm gia tăng đau khổ cho người dân Ukraina ». 

A view shows parts of an unidentified missile, which Ukrainian authorities believe to be made in North Korea and was used in a strike in Kharkiv earlier this week, amid Russia's attack on Ukraine, in

Một số mảnh tên lửa mà giới chức Ukraina cho rằng do Bắc Triều Tiên chế tạo, đã được Nga sử dụng để tấn công Khakiv, Ukraina hồi đầu tháng Giêng 2024. REUTERS – STRINGER 

Theo AFP, gần 50 nước ra thông cáo sau khi Hoa Kỳ khẳng định nhiều tên lửa mà Bình Nhưỡng giao cho Matxcơva đã được quân đội Nga sử dụng tấn công Ukraina, trong đó có nhiều công trình dân sự và nhà dân. Thông cáo chung kêu gọi Nga và Bắc Triều Tiên « ngừng ngay mọi hoạt động » vi phạm « trắng trợn » các biện pháp trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên, đồng thời khẳng định « theo dõi sát sao xem Nga cấp cho Bắc Triều Tiên những gì để đổi lại số vũ khí đó ».

Cùng ngày, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jack Sullivan điện đàm với đồng nhiệm Hàn Quốc Chang Ho Jin. Hai bên lên án « mạnh mẽ » việc Bắc Triều Tiên giao trên lửa cho Nga. Còn người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby tái khẳng định « sau những lần sử dụng tên lửa Bắc Triều Tiên ngày 30/12/2023 và 02/01/2024, Nga đã sử dụng nhiều loại vũ khí này hơn nhắm vào Ukraina », trong đó có một tên lửa rơi xuống Kharkiv. Mỹ sẽ nêu vấn đề này tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ngày 10/01.

Về phía Nga, ngày 09/01, khi được hỏi về việc sử dụng tên lửa Bắc Triều Tiên tấn công Ukraina, người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov « không bình luận » và chuyển hướng sang các vụ tấn công nhắm vào « nhiều khu vực dân sinh và trung tâm thành phố Belgorod » sát biên giới với Ukraina.


Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan

Thanh Phương /RFI – 10/01/2024

Theo thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm nay, 10/01/2024, trong các cuộc họp hai ngày 8 và 9/01 tại Washington, các quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc đã tuyên bố với các đồng nhiệm Mỹ rằng Bắc Kinh “ sẽ không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp, bất cứ nhân nhượng nào” về Đài Loan và yêu cầu Hoa Kỳ “ngừng cung cấp vũ khí” cho hòn đảo. 

Ảnh do Bộ Quốc Phòng Mỹ cung cấp: Phiên họp cấp cao quân sự Mỹ-Trung Quốc tại Washington, ngày 09/01/2024.

Ảnh do Bộ Quốc Phòng Mỹ cung cấp: Phiên họp cấp cao quân sự Mỹ-Trung Quốc tại Washington, ngày 09/01/2024. AP – Alexander Kubitza 

Các cuộc họp quân sự cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ năm 2021 đã được tổ chức tiếp theo sau thỏa thuận giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái.

Những tuyên bố nói trên của các quan chức quân sự cao cấp Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh vào thứ bảy 13/01, cử tri Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc Hội mới, trong các cuộc bầu cử mà chủ đề bao trùm là quan hệ giữa hòn đảo với Hoa Lục. Trong những ngày cuối, các ứng cử viên ráo riết thu phục những ứng cử viên còn do dự 

Từ Đài Bắc, thông tín viên Adrien Simorre tường trình:

Xe của các ứng cử viên tổng thống và Quốc Hội ngày 13/01 tới chạy liên tục trên đường phố tại các thành phố lớn của Đài Loan, phát ra những khẩu hiệu như. “ Bầu cho chúng tôi, chính là bỏ phiếu để bảo vệ Đài Loan!”

Một ứng cử viên Quốc Hội thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền khẳng định: “Chúng tôi muốn bảo vệ hòa bình bằng mọi giá, chúng tôi không hề muốn khiêu khích Trung Quốc! Nhưng để tránh chiến tranh, chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng đó, chính vì vậy mà chúng tôi đã kéo dài thời gian thi hành quân dịch và đã mua thêm nhiều vũ khí phòng thủ từ Hoa Kỳ.”

Đối đầu với đảng cầm quyền, Quốc Dân Đảng đề nghị công nhận về mặt lý thuyết rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc. Hôm qua, ứng cử viên của đảng này, ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu Ih), đã diễu hành trên đường phố Đài Bắc, cố gắng tập hợp mọi lực lượng đối lập.

Ông tuyên bố: “Tôi muốn lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với các đảng đối lập để bảo vệ Đài Loan và bảo vệ các thế hệ tương lai.”

Cũng như rất nhiều người dân Đài Loan, người phụ nữ này vẫn chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. Bà nói: “ Ai đắc cử cũng được, điều duy nhất mà chúng tôi muốn đó là duy trì hòa bình cho Đài Loan”. 

Theo kết quả các cuộc thăm dò cuối cùng vào đầu tháng này, ứng cử viên của đảng cầm quyền vẫn dẫn trước mấy điểm, trong khi đó thì bầu cử Quốc Hội được dự báo là sẽ rất sát sao.”

Theo hãng tin AFP, trong các cuộc họp tại Washington, các quan chức quân sự cao cấp của Trung Quốc còn yêu cầu Hoa Kỳ giảm bớt sự hiện diện quân sự, cũng như những hành động “khiêu khích” ở Biển Đông. Tại vùng biển tranh chấp này hôm thứ năm tuần qua Trung Quốc đã tiến hành các cuộc thao dượt quân sự đúng vào lúc quân đội Philippines cũng đang tập huấn với quân đội Hoa Kỳ. 

Về phần mình, Washington nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của tự do hàng hải” trước những hành động sách nhiễu “liên tục” của Trung Quốc nhắm vào những tàu của Philippines “hoạt động hợp pháp” tại Biển Đông. 


Tòa Bạch Ốc thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng hỗ trợ công nghệ cho Ukraine 

10/01/2024 – VOA News 

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc hôm 8/1 gặp các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp quốc phòng để thảo luận về cách cung cấp cho Ukraine các thiết bị tiên tiến của Mỹ,

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc hôm 8/1 gặp các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp quốc phòng để thảo luận về cách cung cấp cho Ukraine các thiết bị tiên tiến của Mỹ, 

Các quan chức Tòa Bạch Ốc hôm 8/1 gặp các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp quốc phòng để thảo luận về cách cung cấp cho Ukraine các thiết bị tiên tiến của Mỹ như hệ thống máy bay không người lái hoặc thiết bị rà phá bom mìn và hỗ trợ nỗ lực tự vệ trước Nga, theo các phụ tá của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, đã triệu tập cuộc họp kéo dài 5 giờ giữa các chuyên gia trong ngành và các quan chức chính phủ về khả năng công nghệ mới cho phép Ukraine phát hiện và chống lại các hệ thống máy bay không người lái của Nga và rà phá các khu vực rộng lớn ở Ukraine trong lúc số tiền hơn 100 tỉ đô la viện trợ bổ sung của Tổng thống Joe Biden, bao gồm hỗ trợ cho Ukraine, đang bị trì hoãn tại Quốc hội.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 8/1 kêu gọi các nước thuộc Liên hiệp châu Âu cung cấp thêm hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine. Ông chỉ trích các nước thành viên EU không cung cấp đủ vũ khí cho Kyiv và kêu gọi họ làm nhiều hơn nữa.

Mặc dù Đức tụt hậu trong việc hỗ trợ Ukraine khi bắt đầu chiến tranh, nhưng nước này hiện là một trong những nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính hàng đầu. Cuối năm ngoái, nước này đã đồng ý tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2024 lên 8,8 tỷ đô la.

Ông Scholz nói trong một cuộc họp báo ở Berlin: “Dù sự đóng góp của Đức rất quan trọng nhưng nó sẽ không đủ để đảm bảo an ninh của Ukraine về lâu dài”.

Các đơn vị phòng không Nga đã bắn hạ 10 quả đạn pháo khi tiếp cận thành phố Belgorod gần biên giới Ukraine hôm 8/1. Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết ba người dân bị thương trong vụ pháo kích.

Belgorod đã bị Ukraine tấn công trong những tuần gần đây. Một cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái vào cuối tháng trước đã giết chết 25 thường dân, trong đó có 5 trẻ em.

Trước đó, Nga đã nối lại chiến lược ném bom mùa đông, tấn công một số khu vực trên khắp Ukraine hôm 8/1 bằng phi đạn hành trình và siêu thanh lớn nhất, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của họ đã sử dụng các phi đạn tầm xa phóng từ trên không và trên biển có độ chính xác cao, bao gồm cả phi đạn siêu thanh Kinzhal, để tấn công cái mà họ gọi là “các cơ sở của tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraine”.

Các quan chức và nhà phân tích phương Tây đã cảnh báo rằng Nga đang dự trữ phi đạn hành trình để nhắm mục tiêu chủ yếu vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine trong mùa đông này, trái ngược với việc nhắm và cơ sở hạ tầng của nước này vào mùa đông năm ngoái. Nhưng cho đến nay, các cuộc tấn công của Nga thường xuyên nhắm vào các khu dân cư.

Phi đạn, máy bay không người lái bị bắn hạ

Lực lượng không quân Ukraine cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 18 phi đạn hành trình và 8 máy bay không người lái Shahed do Nga phóng.

Lực lượng không quân Ukraine nói mục tiêu của phi đạn bao gồm “các cơ sở hạ tầng quan trọng” cũng như các khu công nghiệp dân sự và quân sự. Lực lượng này cũng lưu ý rằng không phải tất cả các phi đạn không bị đánh chặn đều đến được mục tiêu.

Ông Oleksiy Kuleba, phó văn phòng tổng thống Ukraine, nói phi đạn Nga đã tấn công một trung tâm mua sắm và các tòa nhà cao tầng ở Kryvyi Rih, thành phố trung nam, quê hương của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ông Kuleba cho biết một người đã thiệt mạng.

Tại khu vực phía Tây Khmelnytskyi, các quan chức nói, một cuộc tấn công bằng phi đạn của Nga đã giết chết ít nhất 2 người.

Ông Oleg Synegubov, thống đốc khu vực Kharkov ở miền đông Ukraine, cho biết một người đã thiệt mạng ở thành phố Zmiiv.

Ông Zelenskyy hôm 7/1 bày tỏ sự tin tưởng rằng Nga có thể bị đánh bại và cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy rằng châu Âu nên phát triển hoạt động sản xuất vũ khí chung với Ukraine và xây dựng kho vũ khí đủ để phòng thủ.

“Hai năm của cuộc chiến này đã chứng minh rằng châu Âu cần có đủ kho vũ khí của riêng mình để bảo vệ tự do. Khả năng riêng của châu Âu để đảm bảo phòng thủ. Tiềm năng riêng của mình sẽ cho phép toàn bộ châu Âu, hoặc bất kỳ phần nào của châu Âu, đứng vững và tự bảo vệ mình trước bất kỳ tình huống toàn cầu nào,” ông nói.

Ông Zelenskyy đưa ra bình luận thông qua liên kết video tại hội nghị quốc phòng ở Stockholm, trong khi Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom bày tỏ cam kết của nước ông trong việc hỗ trợ Kyiv.

Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ Ukraine hôm 7/1 khi Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa có chuyến thăm không báo trước, trở thành vị khách nước ngoài chính thức đầu tiên đến thủ đô Ukraine vào năm 2024.

Bà Kamikawa đã lên án các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái của Nga nhắm vào dân thường, đồng thời nói thêm rằng đất nước của bà sẽ cung cấp thêm 37 triệu đô la cho quỹ ủy thác của NATO để giúp mua các hệ thống phát hiện máy bay không người lái.


Đài Loan cảnh báo khẩn cấp qua điện thoại khi Trung Quốc phóng vệ tinh

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/dgdr55765.jpg

Một vụ phóng vệ tinh của Trung Quốc hôm thứ Ba (9/1) đã khiến Đài Loan phải kích hoạt hệ thống cảnh báo khẩn cấp qua điện thoại, theo CNA đưa tin. Sự kiện này xảy ra chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan và trong thời điểm tình hình an ninh tại quốc đảo đang được đặt ở mức cao.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh đã phóng thành công “Vệ tinh Thám hiểm Einstein sử dụng rocket Long March-2C tại Trung tâm Phóng Vệ tinh Tây Xương”.

“Vệ tinh đã bay vào quỹ đạo như dự định”, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin và cho biết thêm rằng vụ phóng đã “hoàn toàn thành công”.

Tân Hoa Xã cho biết vệ tinh Thám hiểm Einstein sẽ được sử dụng để quan trắc thiên văn, đặc biệt là “hiện tượng ánh sáng chớp nhanh bí hiểm trong vũ trụ giống như pháo hoa chập chờn”.

Trong thời gian Trung Quốc phóng vệ tinh, thì tại Đài Loan, điện thoại của người dân trên khắp quốc đảo dân chủ này đã nhận được cảnh báo khẩn cấp bằng âm thanh.

“Trung Quốc đã phóng vệ tinh bay qua bầu trời miền nam. Công chúng, xin hãy chú ý an toàn”, cảnh báo khẩn cấp của Đài Loan phát đi tiếng nói bằng tiếng Trung.

Tuy nhiên, phần tiếng Anh của cảnh báo nêu trên đã gọi đó là “cảnh báo phòng không”, cảnh báo về “tên lửa bay qua bầu trời Đài Loan”.

Cảnh báo qua điện thoại nêu trên được phát đi vào thời điểm Ngoại trưởng Đài Loan Joseph Wu đang tổ chức một buổi họp báo với báo giới nước ngoài tại Đài Bắc trước thềm của bầu cử tổng thống Đài Loan vào thứ Bảy (13/1).

Ông Joseph Wu khẳng định với các phóng viên rằng đó là vệ tinh và giải thích cảnh báo đã được phát đi vì khả năng có “mảnh vỡ”.

“Khi một quả rocket ngang nhiên bay trên bầu trời của chúng tôi, một vài ống thép hoặc mảnh vỡ của nó sẽ rơi xuống khu vực này”, ông Joseph Wu nói với báo giới.

“Đó là lý do tại sao trung tâm cảnh báo quốc gia của chúng tôi sẽ phát đi loại báo động này. Điều này đã từng được tiến hành trước đây”, Ngoại trưởng Đài Loan nói thêm.

Trung Quốc trước nay vẫn coi Đài Loan là lãnh thổ ngoài khơi xa của họ và nhất định phải thống nhất về với đại lục kể cả phải dùng vũ lực nếu cần. Trong khi đó, từ năm 1949, Đài Loan là một quốc gia độc lập chưa bao giờ nằm dưới sự cai trị của chế độ cộng sản tại Bắc Kinh. Giới chức Đài Loan nhiều lần tuyên bố rằng chỉ có người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của họ.

Trung Quốc trong vài năm gần đây đã tăng cường gây sức ép lên Đài Loan cả về ngoại giao và quân sự. Bắc Kinh hiện đã đang duy trì áp lực quân sự gần như hàng ngày quanh Đài Loan, điều động các chiến đấu cơ, tàu hải quân và máy bay không người lái (drone) xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.

Vụ xâm nhập mới nhất xảy ra hôm thứ Hai (8/1) khi bốn khinh khí cầu Trung Quốc đã bay qua đảo Đài Loan, đồng thời, 10 máy bay quân sự và bốn tàu hải quân Trung Quốc cũng đã xuất hiện quanh quốc đảo dân chủ, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Hải Đăng


Cơ quan gián điệp Hàn Quốc: Hamas dùng vũ khí Triều Tiên đánh Israel 

10/01/2024 – VOA News 

Rốc-két F-7 của Triều Tiên được trưng bày tại Tzrifin, Israel, ngày 28/12/2023.

Rốc-két F-7 của Triều Tiên được trưng bày tại Tzrifin, Israel, ngày 28/12/2023. 

Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm 8/1 xác nhận rằng nhóm chiến binh Hamas người Palestine đã sử dụng vũ khí do Triều Tiên sản xuất trong cuộc xung đột với Israel, giữa những báo cáo về các bức ảnh mới cho thấy vũ khí có khắc ký tự Triều Tiên được thu hồi trong cuộc xung đột.

Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) đưa ra xác nhận này đáp bản tin của VOA công bố hôm 5/1 cho thấy những bức ảnh mới về súng phóng rốc-két F-7 của Triều Tiên có khắc chữ Triều Tiên được Hamas sử dụng, thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc loan tin hôm 8/1.

NIS nói “đánh giá của họ giống như bản tin của VOA” và rằng họ đang “thu thập và tích lũy” thông tin về số lượng và thời điểm vũ khí của Triều Tiên được chuyển giao cho Hamas.

NIS nói: “Nhưng hiện tại rất khó để cung cấp bằng chứng như vậy do cần phải bảo vệ các nguồn thông tin và xem xét các mối quan hệ ngoại giao.”

Những hình ảnh vừa kể được Ban tiếng Hàn của VOA thu thập được thông qua một nguồn ngoại giao hôm 4/1.

Nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cấm Triều Tiên xuất khẩu vũ khí.

Lực lượng Phòng vệ Israel IDF cho biết họ đã thu hồi vũ khí của Triều Tiên ở Gaza và trên đất Israel kể từ cuộc tấn công bất ngờ mà Hamas phát động vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái.

Trung tá Idan Sharon-Kettler, phó chỉ huy đơn vị thu thập thiết bị của kẻ thù, nói với đài VOA hôm 28/12 tại Tzrifin, Israel, rằng hàng chục nghìn vũ khí của Triều Tiên đã được thu hồi.

Ông cho biết số vũ khí thu hồi được cho thấy Hamas đã lấy động cơ rốc-két của Triều Tiên từ những chiếc F-7 và lắp ráp chúng để chế tạo súng chống tăng RPG, giúp loại vũ khí này có khả năng “xuyên vỏ thép dày” và gây sát thương lớn hơn.

NIS nói trong cuộc họp ủy ban tình báo quốc hội vào tháng 11/2023 rằng họ đã nhận được thông tin về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ra lệnh cho các quan chức của mình vạch ra kế hoạch hỗ trợ Palestine, Yonhap cho biết trong cùng một bản tin về việc NIS xác nhận Hamas sử dụng vũ khí của Triều Tiên được công bố hôm 8/1.

Triều Tiên phủ nhận vũ khí của nước này đã được Hamas sử dụng.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc Kim Song cho biết tại cuộc họp của Liên hiệp quốc vào tháng 10/2023 về cuộc khủng hoảng Israel-Hamas rằng “một số nước phương Tây đang sử dụng chiến dịch bôi nhọ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để liên kết cuộc khủng hoảng Trung Đông với chúng tôi.”

Ông nói tiếp: “Một số truyền thông đại chúng thuộc chính quyền Hoa Kỳ đang lan truyền những tin đồn vô căn cứ và sai sự thật rằng vũ khí của Triều Tiên dường như được sử dụng để tấn công Israel”.

Triều Tiên nói thông qua truyền thông nhà nước là Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) vào tháng 12 năm ngoái rằng Mỹ “chịu trách nhiệm” hỗ trợ Israel và “đã biến Dải Gaza thành một địa ngục thực sự”.

Việc NIS xác nhận vũ khí Triều Tiên được Hamas sử dụng được đưa ra trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết Nga đã phóng phi đạn đạn đạo của Triều Tiên vào Ukraine.

Triều Tiên đã cung cấp cho Nga các phi đạn đạn đạo mà Moscow đã sử dụng để tấn công Ukraine vào ngày 30/12/2023 và ngày 2/1/2024, ông John Kirby, điều phối viên về truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết hôm 4/1.

Ông Kirby nói: “Đây là sự leo thang đáng kể và đáng lo ngại trong việc hỗ trợ của Triều Tiên dành cho Nga”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi dự đoán rằng Nga sẽ sử dụng thêm phi đạn của Triều Tiên để nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine và giết hại thường dân Ukraine vô tội”.

Vào tháng 10 năm ngoái, Tòa Bạch Ốc đã công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy hơn 1.000 công-tơ-nơ chứa đầy vũ khí mà họ cho rằng Triều Tiên đã vận chuyển tới Nga.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc dự kiến tổ chức một cuộc họp vào ngày 10/1 để thảo luận về phi đạn của Triều Tiên trong cuộc tấn công vào Ukraine.


Nga ra lệnh bắt giữ công dân Mỹ với cáo buộc tàng trữ ma túy

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/gddfs.jpg

(Ảnh minh họa: CC7/shutterstock) 

Tòa án quận Ostanskinskyi ở thủ đô Moscow (Nga) ngày 9/1 đã ra lệnh bắt giam công dân Mỹ, Robert Romanov Woodland trong thời gian 2 tháng với cáo buộc tàng trữ, vận chuyển, sản xuất trái phép ma túy, mức án cho tội danh này có thể lên đến 20 năm tù, theo hãng tin Reuters.

Thông báo nêu rõ Woodland sẽ bị giam giữ đến ngày 5/3 tới. Woodland bị bắt ngày 5/1. Thông tin trên tài khoản mạng xã hội cho thấy ông này là giáo viên dạy tiếng Anh, đang sinh sống ở ngoại ô Moscow.

Thông tin xuất hiện trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang nỗ lực đàm phán để Nga trả tự do cho hai công dân là phóng viên Evan Gershkovich của báo The Wall Street Journal và cựu lính thủy đánh bộ Paul Whelan. Cả hai đều bị bắt với cáo buộc làm gián điệp cho Chính phủ Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó nói Moscow kỳ vọng đạt thỏa thuận trao đổi tù nhân với Washington, nhưng Mỹ cần lắng nghe các điều kiện của nước này.

Được biết, nhà báo của tờ Wall Street Journal Evan Gershkovich đã bị bắt tại Nga hồi cuối tháng 3/2023 và đang phải đối mặt với cáo buộc phạm tội gián điệp. Theo Cơ quan An ninh Quốc gia Nga (FSB), công dân Mỹ 31 tuổi này khi đó đang cố gắng thu thập “thông tin được cho là bí mật nhà nước về các hoạt động của một trong những doanh nghiệp của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga”. Nếu bị kết án, nhà báo Gershkovich có thể phải chịu án tù giam lên đến 20 năm.

Phan Anh


Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ báo lỗ năm thứ 2 liên tiếp

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/01/shutterstock_1222189327.jpg

(Ảnh minh họa: Gdefilip/Shutterstock) 

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) dự kiến báo lỗ 3 tỷ Franc Thụy Sĩ (3,5 tỷ USD) trong năm 2023 do chính sách tăng lãi suất, theo hãng tin Reuters.

Việc SNB làm ăn thua lỗ đồng nghĩa với việc Chính phủ và các bang Thụy Sĩ sẽ không nhận được khoản chia sẻ lợi nhuận hằng năm từ SNB trong năm thứ 2 liên tiếp.

Giống như các ngân hàng trung ương khác trên thế giới, SNB đã tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Điều này dẫn đến việc SNB phải trả lãi cho các ngân hàng gửi tiền tại ngân hàng trung ương, thay vì như trước đây khi các ngân hàng phải trả lãi cho số tiền gửi tại SNB do lãi suất âm. Khoản dự trữ vàng của ngân hàng ghi nhận lợi nhuận được định giá 1,7 tỷ Franc.

Năm 2022, SNB từng ghi nhận mức lỗ kỷ lục 132,5 tỷ Franc. Ngân hàng dự kiến sẽ công bố con số chính thức cho năm 2023 vào ngày 4/3 tới đây.

Hôm 1/12/2023, Thụy Sĩ thông báo rằng tính trong năm 2023, nước này đã đóng băng các tài sản của Nga trị giá khoảng khoảng 7,7 tỷ Franc Thụy Sĩ (8,81 tỷ USD) theo các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Ban thư ký Nhà nước về các vấn đề kinh tế (SECO) của Thụy Sĩ cho biết khoản tiền trên tăng nhẹ so với con số 7,5 tỷ Franc Thụy Sĩ mà chính phủ nước này đã phong tỏa của các cá nhân và thể chế ở Nga vào năm ngoái.

Tuy nhiên, SECO lưu ý đây chỉ là ước tính mới nhất và có thể thay đổi do có khả năng có thêm các cá nhân mới hoặc bị loại khỏi danh sách trừng phạt. Theo dự kiến, con số chính xác sẽ được công bố vào quý II/2024 sau khi các ngân hàng Thụy Sĩ báo cáo chính phủ.

Phan Anh


Thượng đỉnh Philippines-Indonesia

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos và người đồng cấp Indonesia Joko Widodo sẽ gặp nhau tại Manila vào thứ Tư để thảo luận các bước tăng cường quan hệ hai nước. Họ có nhiều điểm chung: cùng nhau hai nước này tạo thành một quần đảo bao quanh Đông Nam Á; là hai quốc gia đông dân nhất trong khu vực; và đều là các nền dân chủ.

Họ cũng có kẻ thù chung. Các chiến binh thánh chiến Hồi giáo từng gây ra rắc rối lớn ở cả hai nước. Mặc dù không còn là mối đe dọa nghiêm trọng, thỉnh thoảng chúng vẫn xuất hiện trở lại. Mới gần đây, các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo đã đặt bom làm chết bốn tín đồ Thiên Chúa giáo ở Philippines vào ngày 3 tháng 12. Một mối đe doạ chung khác là Trung Quốc, nước đang thèm muốn một số khu vực ở Biển Đông, nơi mà theo luật pháp quốc tế, Philippines và Indonesia đều có độc quyền khai thác dầu, khí đốt và đánh cá. Jokowi có thể học hỏi chiến lược của ông Marcos trong cuộc xung đột không vũ trang trên biển; trong khi Marcos có thể học hỏi chiến lược trấn áp các chiến binh thánh chiến của ông Jokowi.


Pháp có thủ tướng 8x

Dự kiến sẽ sớm có một cuộc cải tổ trong chính phủ Pháp, sau khi tổng thống bất ngờ đề cử một tân thủ tướng có độ tuổi trẻ đến mức đáng kinh ngạc. Gabriel Attal, cựu bộ trưởng giáo dục 34 tuổi, được Emmanuel Macron bổ nhiệm làm thủ tướng từ ngày 9/1. Là một trong những người trẻ sớm được tuyển vào phong trào trung dung của Macron, ông Attal là thủ tướng trẻ nhất ở nước Pháp hiện đại, được tổng thống trẻ nhất đề cử.

Ông Macron phải hy vọng rằng ông Attal – người được cả cánh tả lẫn cánh hữu chấp thuận – có thể giúp đưa nhiệm kỳ hai đầy rắc rối của ông trở lại đường ray. Ông Attal đã cam kết “cống hiến từng giây” và sẽ sớm công bố chương trình cải cách của mình. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông cũng là một nỗ lực nhằm củng cố cơ hội cho đảng trung dung của ông Macron trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6. Các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Tập hợp Quốc gia do Jordan Bardella, 28 tuổi, lãnh đạo, mà Marine Le Pen là thành viên, đang dẫn đầu. Chiến dịch tranh cử năm nay có thể trở thành một cuộc đọ sức giữa hai nhà lãnh đạo trẻ, đánh dấu sự trẻ hóa cũng như phân cực của nền chính trị Pháp.


Haley và DeSantis tranh luận

Sẽ chỉ có hai ứng viên Cộng hòa xuất hiện tại các cuộc tranh luận tổng thống sơ bộ của đảng này vào thứ Tư. Thống đốc bang Florida, Ron DeSantis, và cựu thống đốc bang Nam Carolina, Nikki Haley, có thể đều đang hy vọng ra đấu trực tiếp với Donald Trump để giành đề cử của đảng Cộng hòa. Nhưng cả hai người vẫn đang cạnh tranh nhau cho vị trí thứ hai cách xa đằng sau Trump, chỉ vài ngày trước cuộc họp kín ở Iowa. Trong khuôn khổ cử tri Cộng hoà, ông Trump đang dẫn đầu ở Iowa và trên toàn quốc. Tuy vậy, cả hai á quân của ông đều hy vọng sẽ có được một màn trình diễn mạnh mẽ để tạo động lực cho các chiến dịch của họ.

Ông Trump đã bỏ qua tất cả các cuộc tranh luận và cử tri cũng chưa trừng phạt ông vì cách tiếp cận an toàn này. Thay vào đó, cựu tổng thống sẽ tham gia tiếp xúc cử tri ở Iowa với Fox News. Chắc chắn ông Trump sẽ tạo ra những dòng tít làm sao nhãng cuộc tranh luận của hai đối thủ. Tại một buổi tiếp xúc hồi tháng 12, ông hứa sẽ không trở thành nhà độc tài “trừ ngày đầu tiên.”


Liệu phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine trong bao lâu?

Các nhà ngoại giao từ Ukraine và các nước NATO sẽ gặp nhau vào thứ Tư để thảo luận về cách phản ứng trước các đòn tấn công không ngừng nghỉ bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các thành phố của Ukraine. Nhưng lời hứa hỗ trợ Ukraine “cho đến khi nào còn cần” của phương Tây (được nhắc lại tại hội đồng NATO-Ukraine gần đây nhất vào tháng 11) đang bắt đầu nghe có vẻ trống rỗng.

Trong tháng 12, Mỹ đã công bố gói viện trợ quân sự cuối cùng cho Ukraine cho đến khi Quốc hội cấp thêm tiền. Nhưng đảng Cộng hòa đang ngăn chặn yêu cầu của tổng thống Joe Biden về khoản hỗ trợ dân sự và quân sự trị giá 61 tỷ USD cho Ukraine, vốn nằm trong gói đề xuất bao trùm cả viện trợ cho Israel và Đài Loan. Đảng Cộng hòa đang yêu cầu cải cách nhằm hạn chế tình trạng di cư qua biên giới phía nam nước Mỹ để đổi lấy viện trợ cho Ukraine. Trong khi đó, Hungary đã chặn gói viện trợ 4 năm của EU dành cho Ukraine trị giá 50 tỷ euro (55 tỷ USD).

Tuần này, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu vì hỗ trợ không đầy đủ cho Ukraine. Tình hình nghiêm trọng đến mức ngay cả nước Đức vốn cẩn trọng chuyện tiền nong cũng nhận thấy mức viện trợ quân sự là quá thấp.


TT Mỹ Biden không hề biết bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin bị ung thư

Phan Minh /RFI – 10/01/2024

Nhà Trắng, hôm qua 09/01/2024, thông báo rằng từ 1 tháng qua, tổng thống Joe Biden không hề biết việc bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin được chẩn đoán bị ung thư tiền liệt tuyến từ đầu tháng 12. Bộ trưởng Austin đã lên tiếng nhận trách nhiệm, song sự kiện này khiến chính quyền Hoa Kỳ rơi vào hoàn cảnh tương đối « khó xử »

U.S. Secretary of Defense Lloyd Austin looks on during a joint press conference with Israeli Defense Minister Yoav Gallant at Israel's Ministry of Defense in Tel Aviv, Israel December 18, 2023.

Ảnh tư liệu : Bộ trưởng Quốc Phóng Mỹ Lloyd Austin tại cuộc họp báo với đồng nhiệm Israel, Yoav Gallant tại Tel Aviv, Israel, ngày 18/12/2023. REUTERS – VIOLETA SANTOS MOURA 

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết cụ thể :

Lloyd Austin bị ung thư tiền liệt tuyến và tổng thống Biden biết được tin này vào hôm qua, cùng ngày với toàn thế giới. Tuy nhiên, ông Austin được chẩn đoán bị ung thư từ đầu tháng 12, nghĩa là 1 tháng qua, không ai trong Nhà Trắng biết rằng vị bộ trưởng tham gia vào việc ra những quyết định chiến lược và quân sự, và đặc biệt, nếu cần, quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, lại đang bị ung thư.

Đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, Lloyd Austin cho biết trong một thông cáo rằng ông nhận toàn bộ trách nhiệm về sự thiếu minh bạch vốn không phù hợp với truyền thống của Mỹ. Từ 1 tháng qua, đã có một chẩn đoán được giữ bí mật cho đến hôm qua, lần nhập viện đầu tiên với ca phẫu thuật gây mê vào ngày 22/12, sau đó là lần nhập viện thứ hai vào đầu tháng 1 để điều trị nhiễm trùng trong khoa chăm sóc đặc biệt, những thông tin mà Nhà Trắng mới biết từ thứ Năm tuần trước. Cấp phó của Lloyd Austin, Catherine Hicks, người được chuyển giao các công việc của bộ trưởng, đang đi nghỉ ở Puerto Rico và không hề biết thủ trưởng đang nằm trên giường bệnh.

Nhà Trắng cho biết tập trung vào sự hồi phục của ông Austin, đang làm việc từ bệnh viện. Chính quyền cho biết muốn rút ra bài học từ sự kiện này. Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia ngượng ngùng thừa nhận, đó không phải là « một tình thế hay ho nhất ».


XEM THÊM

Đức: TT Scholz gây áp lực lên các đồng minh EU với yêu cầu ‘biểu đồ viện trợ Kiev’

Thủ tướng yêu cầu các đối tác ‘tăng cường nỗ lực’ trong bối cảnh thất vọng về gánh nặng tài chính lớn hơn của Đức

Joe Barnes, PHÓNG VIÊN BRUSSELS Ngày 9 tháng 1 năm 2024 • 4:54 chiều

Olaf Scholz, thủ tướng Đức, phát biểu trong cuộc gặp với Luc Frieden, thủ tướng Luxembourg, tại phủ thủ tướng ở Berlin, Đức, vào thứ Hai, ngày 8 tháng 1 năm 2024
NHÀ CUNG CẤP: Krisztian Bocsi/Bloomberg

Olaf Scholz đã ra lệnh cho các quan chức châu Âu lập danh sách các chuyến hàng vũ khí theo kế hoạch của mỗi quốc gia tới Ukraine để gây áp lực lên các đồng minh trong việc thực hiện việc giao hàng.

Thủ tướng Đức cảnh báo các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu rằng đóng góp quân sự của họ cho cuộc chiến của Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga là “quá nhỏ”.

Động thái này sẽ gây áp lực lên Pháp, Ý và Tây Ban Nha để cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine với tư cách là dòng vũ khí và viện trợ của phương Tây chậm lại.

Châu Âu đang chịu áp lực đáng kể từ Hoa Kỳ, quốc gia từng là nhà tài trợ lớn nhất của một quốc gia, trong việc đảm nhận vai trò hỗ trợ Ukraine trong khi các kế hoạch viện trợ của chính Joe Biden bị chặn của đảng Cộng hòa trong Quốc hội.

Bất chấp sự phản đối sớm về việc trang bị vũ khí cho Ukraine, Berlin đã trở thành quốc gia ủng hộ quốc tế lớn thứ hai cho Volodymyr Zelensky sau Washington.

https://cf-particle-html.eip.telegraph.co.uk/e570cf2c-d77d-480d-8932-4b69b2af0b85.html?direct=true&id=e570cf2c-d77d-480d-8932-4b69b2af0b85

Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã hứa sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Ukraine lên 8 tỷ euro (6,87 tỷ bảng Anh) vào năm 2024.

Nhưng ông Scholz đã cảnh báo: “Chỉ điều này thôi sẽ không đủ để đảm bảo an ninh của Ukraine về lâu dài.

“Do đó, tôi kêu gọi các đồng minh của chúng tôi trong Liên minh châu Âu cũng tăng cường nỗ lực hỗ trợ Ukraine.

“Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine theo kế hoạch cho đến nay của đa số các nước thành viên EU thực tế là quá nhỏ.”

Thất vọng trước sự hỗ trợ ngày càng giảm của Châu Âu dành cho Kyiv, ông Scholz đã ra lệnh cho các quan chức Châu Âu lập danh sách các chuyến giao vũ khí đã hứa trong tương lai vì “chúng tôi không biết về chúng”.

Hồ sơ này có thể sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo EU như một bằng chứng cho thấy họ đã không giảm bớt gánh nặng khi gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels vào ngày 1 tháng 2 để thảo luận về khoản viện trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro mà khối này đã lên kế hoạch cho Kyiv.

‘Những bài phát biểu quan trọng hơn sự ủng hộ lớn’

Động thái này có thể sẽ gây áp lực đáng kể lên Paris, Rome và Madrid – các nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư của EU – những quốc gia được coi là hoạt động kém hiệu quả trong hỗ trợ song phương cho Ukraine.

Đức ngày càng thất vọng vì hành động của họ không phù hợp với lời hứa hỗ trợ Kyiv “khi cần thiết”, trong khi Berlin thường xuyên bị chỉ trích vì làm quá ít.

Các nguồn tin ngoại giao trước đó đã phàn nàn rằng Emmanuel Macron, Tổng thống Pháp “ưu tiên phát biểu lớn hơn là ủng hộ lớn”, điều này nếu được chấp nhận có nghĩa là “chúng tôi chấp nhận Kyiv và châu Âu thua trong cuộc chiến này”.

Sự bực tức đã dẫn đến việc Đức đang tìm cách giảm số tiền mà nước này cấp cho quỹ trị giá 20 tỷ bảng Anh của EU để mua vũ khí cho Ukraine, một tài liệu bị rò rỉ theo The Telegraph tiết lộ vào tháng trước.

“Không phải giấy tờ” bí mật của Berlin lập luận rằng các khoản đóng góp song phương của họ nên được xem xét dựa trên số tiền mà họ dự kiến ​​​​sẽ trả vào nồi tiền mặt.

Nếu không có sự đóng góp của Đức – khoảng 1/4 toàn bộ ngân sách chiến tranh – có những lo ngại rằng cơ sở Hòa bình Châu Âu, nơi đã cung cấp cho Kiev 4,5 tỷ euro vũ khí và đào tạo hơn 30.000 tân binh, sẽ tan rã.

Do kế hoạch này, đóng góp song phương của Pháp, Ý và Tây Ban Nha là cực kỳ thấp, vì nó cho phép họ đòi lại phần cứng được gửi đến Kyiv.

Theo một hệ thống theo dõi do Viện Kiel duy trì, Paris chỉ quyên góp 544 triệu euro viện trợ quân sự kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện.

Tương tự, Rome chỉ hứa 691 triệu euro và Madrid 348 triệu euro, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Đức tính toán.

Để so sánh, Đức đã hứa và chuyển tổng cộng 17 tỷ euro, và mặc dù còn nhiều nghi vấn về cam kết trong tương lai của Anh nhưng cho đến nay, nước này đã gửi 6,5 tỷ euro.

Nguồn tài trợ cho viện trợ của Anh sẽ cạn kiệt vào tháng 4, với rất ít thông tin từ Chính phủ về kế hoạch trong 12 tháng tới.

Các nguồn tin của Whitehall đã chỉ ra rằng nguồn tài trợ có thể sẽ phù hợp với cam kết 2,3 tỷ bảng Anh năm ngoái khi thông báo.

Trong một cuộc tranh luận tại quốc hội hôm thứ Hai, Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps cho biết những người chỉ trích sẽ “không thất vọng” trước các kế hoạch của Chính phủ.

Ông nói thêm: “Nó không có nguy cơ cạn kiệt dưới bất kỳ hình thức, hình dạng nào”.

Hamish de Bretton-Gordon, cựu sĩ quan chỉ huy Trung đoàn xe tăng Hoàng gia số 1, cảnh báo: “Anh và NATO phải hoàn toàn dựa vào sự hỗ trợ cho Kyiv trước khi nước này yêu cầu lực lượng Anh triển khai trên bộ ở Ukraine để đẩy lùi quân Nga”.

Từ Bản tin của Biên tập viên Hoa Kỳ

Từ Telegraph


Comments are closed.