Thời sự Thứ Hai 05/02/2024: *Mỹ cam kết « tiếp tục » tấn công dân quân thân Iran. *Mỹ – Nhật tập trận, Trung Quốc là kẻ thù giả. *hỏa thuận viện trợ cho Ukraina bị chặn ở Hạ Viện. *Israel đã tấn công hơn 50 mục tiêu Hezbollah ở Syria. *Sự cáo chung của mạng xã hội. *Thêm 6 F-16 của Hòa Lan cho Ukraine..


Spread the love

Võ Thái Hà tổng hợp


Mỹ cam kết « tiếp tục » tấn công các lực lượng vũ trang thân Iran

Thanh Hà /RFI – 05/02/2024

Sau hai ngày dồn dập oanh kích cơ sở của các nhóm vũ trang thân Iran trên lãnh thổ Irak và Syria, và cả tại Yemen chiều qua, 04/02/2024, cố vấn An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng Jake Sullivan tuyên bố Washington « tiếp tục đáp trả khi các lực lượng của Mỹ bị tấn công ». Các đợt oanh kích tiến hành từ hôm Thứ Sáu 02/02/2024 mới là « điểm khởi đầu »

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 10/11/2022.

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 10/11/2022. AFP – MANDEL NGAN 

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại trong ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự đáp trả các toán lính thân Iran tại Irak và Syria, quân đội Mỹ đã nhắm tới 85 mục tiêu, khoảng 40 người tử vong theo các thông cáo từ phía Baghdad và Damas. Một ngày sau đó, cùng phối hợp với Luân Đôn, Washington đã nhắm tiếp vào 36 mục tiêu khác thuộc 13 địa điểm khác nhau, nhưng lần này là trên lãnh thổ Yemen. Trong đó bao gồm cả các kho đạn dược của quân nổi dậy Houthi, được Iran yểm trợ.

Nga yêu cầu Hội Đồng Bảo An « họp khẩn »

Iran hôm 04/02/2024 đã « mạnh mẽ lên án » các đợt tấn công do Anh-Mỹ tiến hành tại Yemen. Về phía Matxcơva, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn tại Hội Đồng Bảo An vào chiều nay (05/02/2024). Nhưng theo ghi nhận của thông tín viên Loubna Anaki từ New York, cuộc họp lần này không mang nhiều kết quả :

« Nga quan niệm các loạt oanh kích của Mỹ là, xin trích, ‘một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh’. Đây là lập trường từ phía đại diện của Matxcơva tại Liên Hiệp Quốc sẽ bảo vệ chiều nay trước Hội Đồng Bản An. Cuộc họp diễn ra vào lúc Washington trong hai ngày cuối tuần đã tiến hành một loạt các cuộc oanh kích trên lãnh thổ Irak, Syria và cả tại Yemen.

Tại Irak và Syria, Hoa Kỳ đã nhắm vào các nhóm vũ trang thân Iran và hành vi này nhằm đáp trả vụ cách này 10 ngày, ba lĩnh Mỹ đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng drone. Còn tại Yemen, một lần nữa, phe nổi dậy Houthi đã bị nhắm tới. Tổng cộng hơn 120 mục tiêu tại ba quốc gia này đã bị oanh kích trong chưa đầy 48 giờ.

Mỹ cùng lúc khẳng định không muốn căng thẳng leo thang trong khu vực và nhất là không muốn khơi mào chiến tranh với Iran. Tuy nhiên, vì phải chịu áp lực của công luận từ vụ ba quân nhân Mỹ tử vong, ông Joe Biden đánh giá bắt buộc phải hành động, để ‘bảo vệ các lực lượng Hoa Kỳ và giao thương hàng hải quốc tế ở Hồng Hải’, từ trong nguyên văn. Tổng thống Biden không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tiến hành những chiến dịch khác trong khu vực. Mỹ và Nga cùng có quyền phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cuộc họp hôm nay ít có khả năng đưa ra những biện pháp cụ thể (về hồ sơ này). »


Mỹ – Nhật diễn tập quân sự, Trung Quốc lần đầu tiên bị xem là kẻ thù giả định

Minh Anh /RFI

05/02/2024

Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản ngày 04/02/2024 cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ đã có cuộc diễn tập quân sự chung tại sở chỉ huy và lần đầu tiên, Trung Quốc được xem là kẻ thù giả định, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng Bắc Kinh xâm lược Đài Loan trong tương lai. 

Ảnh tư liệu : Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và tàu chở trực thăng Nhật Bản JS Hyuga tập trận "Keen Sword" cùng với 16 tàu chiến khác của Hải Quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 08/11/2018 trên biển Philippines.

Ảnh tư liệu : Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và tàu chở trực thăng Nhật Bản JS Hyuga tập trận “Keen Sword” cùng với 16 tàu chiến khác của Hải Quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày 08/11/2018 trên biển Philippines. REUTERS/U.S. Navy/Kaila V. Peters 

Theo trang mạng Japan Times, đợt diễn tập mô phỏng trên máy tính, có tên gọi là « Keen Edge », đã được bắt đầu từ ngày 01/02 và dự kiến sẽ kéo dài đến thứ Năm 08/02. Kịch bản đặt ra là tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan. Một cái tên tạm thời trước đây đã được sử dụng khi đề cập đến kẻ thù.

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản dường như đã xếp kịch bản này thuộc diện bí mật được chỉ định đặc biệt căn cứ theo luật bí mật của nước này. Động thái này phản ảnh cảm giác cấp bách ngày một lớn vào lúc Tokyo ngày càng lo lắng về khả năng Trung Quốc có những hành động đối với Đài Loan trong vài năm tới trong lúc tình hình địa chính trị gia tăng căng thẳng.

Kết quả đợt diễn tập lần này sẽ được phản ảnh trong các kế hoạch cuối cùng, được soạn thảo vào cuối năm nay. Quân đội hai nước dự kiến tổ chức một cuộc tập trận thực mang tên « Keen Sword » vào khoảng năm 2025 để đánh giá tính hiệu quả của cuộc diễn tập « Keen Edge ».

Nhật Bản và Hoa Kỳ bắt đầu tiến hành tập trận chung vào năm 1986. Các cuộc tập trận « Keen Edge »« Keen Sword » được tổ chức hai năm một lần. Để tránh gặp phải những phản ứng dữ dội trong trường hợp kế hoạch bị rò rỉ, Nhật Bản và Hoa Kỳ trước đây sử dụng các bản đồ hơi khác so với địa hình thực tế của các nước. Chiến dịch quân sự năm nay cũng sử dụng các phiên bản không thay đổi.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ William Burns hồi tháng 02/2023 cảnh báo chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội nước này sẵn sàng xâm chiếm Đài Loan vào năm 2027.

Dù vậy, tướng Yoshihide Yoshida, tổng tham mưu trưởng bộ Quốc Phòng Nhật Bản, trong cuộc họp báo ngày 25/01 cho biết đợt diễn tập « không nhắm vào một quốc gia hay khu vực cụ thể nào ».


Hoa Kỳ : Thỏa thuận dự luật viện trợ cho Ukraina thông qua tại Thượng Viện vẫn bị chặn ở Hạ Viện

Anh Vũ /RFI – 05/02/2024

Các thượng nghị sĩ Mỹ ngày 04/02/2024 vừa đạt thỏa thuận về dự luật 118 tỷ đô la dự trù chi phí cho các biện pháp an ninh biên giới và viện trợ cho Ukraina. Ngay sau đó, chủ tịch Hạ Viện tuyên bố bác bỏ. 

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tại điện Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/11/2023.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Mike Johnson tại điện Capitol ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 14/11/2023. AP – J. Scott Applewhite 

Chủ nhật 04/02, Thượng Viện Mỹ thông báo hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đạt thỏa thuận để chi 118,3 tỷ đô la, trong đó có gói viện trợ cho Ukraina trị giá 60 tỷ, 14 tỷ cho Israel và phần còn lại dùng để chi cho các biện pháp cải cách chính sách nhập cư, thắt chặt an ninh ở biên giới Mỹ. Thỏa thuận đã được tổng thống Mỹ nhanh chóng chấp thuận và đề nghị Hạ Viện sớm thông qua để ông có thể ký ban hành luật.

Để đạt được mong muốn của ông Joe Biden, dự luật ngân sách này trước tiên phải được thông qua tại Thượng Viện (do phe Dân Chủ kiểm soát), sau đó đưa qua Hạ Viện, và chính tại đây sự việc trở nên không đơn giản.

Chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, một nhân vật trung thành với Donald Trump đã ngay lập tức dội gáo nước lạnh vào hy vọng của tổng thống Biden. Trên mạng X, lãnh đạo Hạ Viện phản ứng : « Dự luật này còn tồi tệ hơn cả những gì chúng ta mong đợi và còn rất xa mới chấm dứt được tai họa ở biên giới do tổng thống gây ra » và ông khẳng định văn kiện đã « chết ngay khi tới » Hạ Viện.

Tổng thống Joe Biden chỉ còn cách kêu gọi các nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ thỏa thuận giữa hai đảng. Ông tuyên bố : « Nếu các vị nghĩ, giống như tôi, rằng chúng ta phải bảo đảm an ninh biên giới ngay bây giờ, thì không làm gì không phải là giải pháp. »

Chiếm phần lớn của dự luật tài chính này là gói viện trợ cho Ukraina, từ nhiều tháng nay vẫn bị mắc kẹt trước những yêu cầu khẩn khoản của tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky.

Cuộc chiến tranh tại Ukraina đã kéo dài gần 2 năm vẫn không thấy lối thoát. Từ đầu cuộc xung đột, Quốc Hội Mỹ đã quyết định giải ngân 110 tỷ đô la cho Ukraina. Tại Hoa Kỳ, nhiều người, đặc biệt phe Cộng Hòa ngày càng thấy những chi phí này quá tốn kém cho nước Mỹ.  Vấn đề viện trợ cho Ukraina càng trở thành chủ đề chính trị nóng khi mà năm nay là năm bầu cử tổng thống Mỹ.

Matxcơva vẫn trông chờ cuộc chiến tranh hao mòn của họ làm suy giảm sự hậu thuẫn của phương Tây cho Kiev cuối cùng sẽ giúp Nga giành chiến thắng.


Mỹ dự định thực hiện thêm các cuộc tấn công vào các nhóm được Iran hậu thuẫn 

05/02/2024 

Reuters 

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan. 

Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng hôm 4/2 cho biết rằng Hoa Kỳ có ý định tiến hành thêm các cuộc tấn công tiếp theo vào các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Trung Đông, sau khi tấn công các phe nhóm liên kết với Tehran ở Iraq, Syria và Yemen trong hai ngày qua.

Hoa Kỳ và Anh đã tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Houthi vốn có liên hệ với Iran ở Yemen vào cuối ngày 3/2, một ngày sau khi quân đội Hoa Kỳ tấn công các nhóm được Tehran hậu thuẫn ở Iraq và Syria để trả đũa cuộc tấn công chết chóc vào quân đội Mỹ ở Jordan.

Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với chương trình “Meet the Press” của NBC hôm 4/2: “Chúng tôi dự định thực hiện thêm các cuộc tấn công và hành động thêm để tiếp tục gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ đáp trả khi lực lượng của chúng tôi bị tấn công, khi người dân của chúng tôi thiệt mạng”.

Các cuộc tấn công này là diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột lan sang Trung Đông kể từ ngày 7 tháng 10, khi nhóm chiến binh Palestine Hamas được Iran hậu thuẫn tấn công Israel từ Dải Gaza, gây ra chiến tranh.

Các nhóm được Tehran hậu thuẫn tuyên bố ủng hộ người Palestine đã tham gia vào cuộc xung đột khắp khu vực: Hezbollah đã bắn vào các mục tiêu của Israel ở biên giới Lebanon-Israel; dân quân Iraq đã bắn vào lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria, và người Houthi đã bắn vào tàu thuyền ở Biển Đỏ và vào chính Israel.

Iran cho đến nay vẫn tránh bất kỳ vai trò trực tiếp nào trong cuộc xung đột, ngay cả khi nước này ủng hộ các nhóm đó. Lầu Năm Góc cho biết họ không muốn chiến tranh với Iran và cũng không tin rằng Tehran muốn chiến tranh.

Ông Sullivan từ chối trả lời khi được hỏi liệu Hoa Kỳ có thể tấn công các địa điểm bên trong Iran hay không, điều mà quân đội Hoa Kỳ đã rất cẩn trọng để tránh.

Trả lời chương trình “Face the Nation” của CBS trước đó, ông nói rằng cuộc tấn công hôm 2/2 là “sự khởi đầu chứ không phải sự kết thúc trong phản ứng của chúng tôi và sẽ có nhiều bước đi nữa – một số có thể thấy được, một số có thể không nhìn thấy được”.

Ông nói: “Tôi sẽ không mô tả nó như một chiến dịch quân sự có kết thúc mở”.

Các cuộc tấn công hôm 3/2 ở Yemen đã tấn công vào các cơ sở lưu trữ vũ khí, hệ thống tên lửa, bệ phóng và các khả năng khác mà phe Houthi đã sử dụng để tấn công các tuyến vận chuyển hàng hóa trên Biển Đỏ, Lầu Năm Góc cho biết, đồng thời cho biết thêm họ nhắm mục tiêu vào 13 địa điểm.


Israel nói đã tấn công hơn 50 mục tiêu Hezbollah ở Syria kể từ ngày 7/10/2023 

05/02/2024 

Reuters 

Một đợt pháo kích của Israel vào miền nam Lebanon hôm 17/11.

Một đợt pháo kích của Israel vào miền nam Lebanon hôm 17/11. 

Quân đội Israel hôm 3/2 cho biết rằng kể từ khi chiến tranh ở Gaza bùng nổ vào ngày 7 tháng 10, họ đã tấn công hơn 50 mục tiêu ở Syria có liên quan đến phong trào Hezbollah của Lebanon được Iran hậu thuẫn.

Thông tin này, được đưa ra trong một cuộc họp của người phát ngôn quân sự, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, vốn chủ yếu thảo luận về nỗ lực đánh trả các cuộc tấn công của Hezbollah được tiến hành để thể hiện tinh thần đoàn kết với Hamas, cho thấy sự khác biệt so với thái độ dè dặt thường thấy của Israel đối với các hoạt động ở Syria.

Ông Hagari nói: “Hezbollah ở bất cứ đâu, chúng tôi sẽ ở đó. Chúng tôi sẽ hành động ở mọi nơi cần thiết ở Trung Đông”.

Ông Hagari cho biết, lực lượng Israel đã tấn công 3.400 mục tiêu Hezbollah ở Lebanon, bao gồm 120 tiền đồn giám sát biên giới, 40 kho tên lửa và vũ khí khác cũng như hơn 40 trung tâm chỉ huy. Ông cho rằng số kẻ địch chết là hơn 200.

Ông Hagari cho biết, Israel đã triển khai ba sư đoàn quân đội dọc theo biên giới Lebanon để đề phòng Hezbollah tham gia sau khi Hamas của Palestine tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới gây chết chóc vào ngày 7 tháng 10, dẫn tới cuộc chiến ở Dải Gaza.

Với hàng chục nghìn cư dân phía bắc đã sơ tán, Israel đã đe dọa leo thang giao tranh ở Lebanon trừ khi Hezbollah rút lui khỏi biên giới, và đã mưu tìm sự giúp đỡ của phương Tây trong việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao ở Beirut.


Sự cáo chung của mạng xã hội

EconomistCù Tuấn, biên dịch

02/02/2024

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/1-2hrfrt.jpeg

Tóm tắt: Khi Facebook bước sang tuổi 20, các ứng dụng xã hội đang dần chuyển đổi.

Facebook có thể sẽ tròn 20 tuổi vào ngày 4 tháng 2 năm 2024, nhưng ngày nay nó vẫn là một thỏi nam châm thu hút nhiều tranh cãi và tiền bạc cũng như khi nó còn mới hình thành, giống một thiếu niên thô lỗ, thích phá vỡ mọi thứ.

Vào ngày 31 tháng 1 năm 2024, Mark Zuckerberg, người sáng lập mạng xã hội này, đã bị các thượng nghị sĩ Mỹ lên án về việc phát tán nội dung độc hại. Ngày hôm sau, khi chúng tôi công bố bài viết này, Zuckerberg đã sẵn sàng công bố một loạt kết quả đáng kinh ngạc khác cho Meta, công ty mẹ của Facebook, hiện được định giá một ngàn tỷ USD. Tuy nhiên, ngay cả khi phương tiện truyền thông xã hội này chắc chắn thu hút được lượng lớn sự chú ý từ những người nghiện cũng như những người chỉ trích, chúng đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc nhưng ít được chú ý.

Điều kỳ diệu của các mạng xã hội trực tuyến là kết hợp các tương tác cá nhân với truyền thông đại chúng. Bây giờ hỗn hợp này lại được tách ra. Các cập nhật trạng thái từ bạn bè đã nhường chỗ cho những video đến từ những người lạ hoắc giống như một chương trình TV hiếu động. Việc đăng bài công khai đang ngày càng chuyển sang các nhóm kín, giống như nhóm email ngày xưa. Điều mà Zuckerberg gọi là “quảng trường thành phố” kỹ thuật số đang được xây dựng lại và đặt ra nhiều vấn đề.

Điều này quan trọng vì mạng xã hội là cách mọi người trải nghiệm Internet. Bản thân Facebook có hơn ba tỷ người dùng. Các ứng dụng xã hội chiếm gần một nửa thời gian sử dụng màn hình thiết bị di động, do đó tiêu tốn hơn 1/4 số giờ thức của mọi người. Thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều hơn 40% so với năm 2020 vì thế giới đã chuyển sang trực tuyến. Ngoài tính thú vị, mạng xã hội còn là chỗ tôi luyện cho các cuộc tranh luận trực tuyến và là bệ phóng cho các chiến dịch chính trị. Trong một năm mà một nửa thế giới đi bầu cử, các chính trị gia từ Donald Trump đến Narendra Modi sẽ rất bận rộn trên mạng.

Đặc điểm nổi bật của phương tiện truyền thông xã hội mới là chúng không còn mang tính xã hội nữa. Lấy cảm hứng từ TikTok, các ứng dụng như Facebook ngày càng tinh chỉnh để đưa một loạt các clip được trí tuệ nhân tạo lựa chọn theo hành vi xem của người dùng, chứ không phải đăng bài theo các kết nối xã hội của họ. Trong khi đó, mọi người ngày càng đăng ít bài hơn. Tỷ lệ người Mỹ nói rằng họ thích đưa cuộc sống của mình lên ứng dụng trực tuyến đã giảm từ 40% xuống 28% kể từ năm 2020. Các cuộc tranh luận trực tuyến đang dần chuyển sang các nền tảng đóng, chẳng hạn như WhatsApp và Telegram.

Đèn đã tắt ở quảng trường thị trấn. Phương tiện truyền thông xã hội luôn không rõ ràng vì mỗi nguồn cấp dữ liệu đều khác nhau. Nhưng TikTok, một hiện tượng ứng dụng video do Trung Quốc sở hữu, lại là một chiếc hộp đen đối với các nhà nghiên cứu. Twitter, được đổi tên thành X, đã công khai một số mã nguồn nhưng thắt chặt quyền truy cập vào dữ liệu về những dòng tweet nào được xem. Các nhóm nhắn tin riêng tư thường được mã hóa hoàn toàn.

Một số hệ quả của việc mã hóa này đang được hoan nghênh. Các nhà vận động chính trị nói rằng, họ phải giảm bớt thông điệp của mình để thu phục các nhóm tư nhân. Một bài đăng khiêu khích thu hút “lượt thích” của các em học sinh trong mạng Twitter/X có thể khiến nhóm WhatsApp của phụ huynh học sinh kỳ thị và xa lánh. Các bài đăng trên ứng dụng nhắn tin được sắp xếp theo trình tự thời gian, không phải theo thuật toán tối đa hóa mức độ tương tác, làm giảm hiệu ứng chọn tin giật gân của nền tảng. Đặc biệt, các nhóm kín có thể tốt hơn cho sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, những người đang cảm thấy tổn thương khi cuộc sống riêng tư của họ bị mổ xẻ trước công chúng.

Trong nửa sôi động còn lại của mạng xã hội, các thuật toán dựa trên hành vi sẽ mang đến cho bạn những bài đăng từ bên ngoài cộng đồng của bạn. Mạng xã hội vẫn có thể hoạt động như những “buồng kích âm” của vật liệu tự gia cố. Nhưng một nguồn cấp dữ liệu lấy nội dung từ mọi nơi hiếm khi có khả năng truyền bá những ý tưởng hay nhất một cách xa nhất.

Tuy nhiên, thế giới truyền thông xã hội mới này cũng có những vấn đề riêng. Các ứng dụng nhắn tin phần lớn chưa được kiểm duyệt. Đối với các nhóm nhỏ, điều này là tốt: Các nền tảng không nên có nhiều tin nhắn trực tiếp của cảnh sát, giống như các công ty điện thoại không nên giám sát các cuộc gọi. Trong các chế độ độc tài, các cuộc trò chuyện được mã hóa sẽ cứu được nhiều mạng sống. Nhưng các nhóm khổng lồ gồm 200.000 người của Telegram giống như những chương trình phát sóng không được kiểm soát hơn là những cuộc trò chuyện thực sự. Các chính trị gia ở Ấn Độ đã sử dụng WhatsApp để truyền bá những lời hứa dối trá mà chắc chắn sẽ bị xóa khỏi một mạng xã hội mở như Facebook.

Khi mọi người chuyển sang sinh hoạt trong các nhóm kín, các mạng mở bị bỏ lại sẽ ít hữu ích hơn do lượng đăng bài công khai ngày càng giảm. Trong đại dịch Covid-19, các nhà khoa học và bác sĩ đã tham gia vào một cuộc tranh luận trực tuyến chứa đựng những hiểu biết thực sự cũng như các thông tin sai lệch. Thông tin tình báo nguồn mở đã lan truyền khi Nga xâm chiếm Ukraine. Ngày nay những cuộc trò chuyện đó đang biến mất hoặc chuyển sang các kênh đóng, làm chậm quá trình truyền bá ý tưởng. Trong khi đó, những người vẫn tham gia vào mạng công cộng lại là nam giới, với tỷ lệ không cân đối và thường tự mô tả mình là cực tả hoặc cực hữu: Nói chung là nhàm chán.

Hơn nữa, các thuật toán mạng mở do hành vi của người dùng điều khiển dường như được ưu tiên để phát tán những video hấp dẫn nhất. Để nội dung nào đó có thể lan truyền trên mạng xã hội, mọi người phải chọn chia sẻ nội dung đó. Giờ đây, họ xác nhận sự phổ biến chỉ bằng cách xem, vì thuật toán sẽ thưởng cho nội dung thu hút nhiều lượt tương tác nhất. Việc quản lý có chủ ý đã được thay thế bằng một hệ thống truy cập thẳng vào ID. Những người ưa khiêu khích như ông Trump hay ông Nayib Bukele, người được yêu thích trong cuộc bầu cử tuần này ở El Salvador, cũng như những kẻ buôn bán thông tin sai lệch đều được hưởng lợi. Các nền tảng cho biết, họ đã giỏi hơn trong việc loại bỏ hàng giả. Taylor Swift, nạn nhân cao cấp mới nhất của các video giả mạo, có thể không đồng ý.

Điều cấp bách hơn cả sự gia tăng của tin giả là tình trạng thiếu tin thật. Ông Zuckerberg từng nói, ông muốn Facebook giống như một tờ báo được cá nhân hóa. Nhưng vì mạng này hướng đến giải trí nên tin tức chỉ chiếm 3% số lượng người xem trên đó. Trên mạng xã hội này, chỉ có 19% người lớn chia sẻ tin tức hàng tuần, giảm từ 26% vào năm 2018. Các chức năng như BuzzFeed News, vốn dựa vào việc phân phối tin trên mạng xã hội, đã bị xóa bỏ. Đó là cái nhìn của Facebook (và của chúng tôi). Nhưng đó là vấn đề của mọi người khi gần một nửa số thanh niên nói rằng, giống như các nền tảng quyết định tin tức không còn thú vị nữa thì mạng xã hội là nguồn tin tức chính của họ.

WhatsApp và WhatsDown

Một số người cho rằng, những khiếm khuyết của các mạng xã hội có thể được khắc phục bằng cách quản trị tốt hơn, mã hóa thông minh hoặc một mô hình kinh doanh khác. Những điều như vậy có thể có ích. Nhưng những vấn đề mà thế hệ ứng dụng mới đặt ra cho thấy, những sai sót của mạng xã hội cũng là kết quả của sự đánh đổi trong giao tiếp của con người.

Khi các nền tảng quay trở lại với các nhóm nói chuyện kín, chắc chắn chúng sẽ có ít sự giám sát hơn. Khi mọi người thoát khỏi không gian chung, họ có thể phải đối mặt với những nội dung cực đoan hơn. Khi người dùng đón nhận những hình thức giải trí vô hại, họ sẽ thấy ít tin tức hơn. Khi mạng xã hội lụi tàn, các nhà khai thác nền tảng và người dùng nên dành ít thời gian hơn cho những cuộc chiến cũ và dành nhiều thời gian hơn để vật lộn với những tính năng mới.


XEM THÊM

Tình hình ở Ukraine ngày 02.05.2024 (#712)

Trong tuần qua, Nga đã pháo kích hơn 1.500 lần vào các khu vực khác nhau của Ukraine. Hơn 570 khu định cư của Ukraine bị kẻ thù tấn công. Do các cuộc tấn công của Nga, 12 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương. – Ihor Klymenko, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine

Trong 24 giờ qua, quân đội Nga đã pháo kích vào các vùng Chernihiv, Sumy, Zaporizhzhia, Dnipropetrovsk, Kharkiv, Luhansk, Donetsk, Mykolaiv và Kherson. Ít nhất một công dân thiệt mạng và 5 người khác bị thương. – Thông tin từ Chính quyền quân sự khu vực

Trong ngày qua, 78 cuộc đụng độ đã diễn ra ở tiền tuyến. Quân đội Nga cũng tiếp tục nỗ lực bất thành nhằm bao vây Avdiivka. Đặc biệt, trong ngày qua, quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi 44 đợt tấn công của địch trên trục Avdiivka. – Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine

Tổng thiệt hại trong trận chiến của quân xâm lược Nga tại Ukraine từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 05 tháng 2 năm 2024 (xấp xỉ): 389560 quân; 6348 xe tăng; 11822 xe bọc thép; 9349 hệ thống pháo binh; 979 MLRS; 664 hệ thống tác chiến phòng không; 332 máy bay; 324 máy bay trực thăng; 12412 xe ô tô quân dụng và bình nhiên liệu; 24 thuyền quân sự; 1 tàu ngầm; 7173 máy bay không người lái chiến thuật; 1486 thiết bị quân sự đặc biệt; Tên lửa hành trình 1848 – Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine


+6 máy bay F-16 của Hoà Lan cho Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoà Lan @DefensieMin thông báo sẵn sàng giao thêm 6 máy bay chiến đấu F-16 cho U.

Tổng số chiếc F-16 sẽ được chuyển giao là 24 chiếc. Chúng tôi rất biết ơn các đối tác Hà Lan vì sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của họ. Ukraine đánh giá cao sự hỗ trợ của bạn trong cuộc chiến chống lại cái ác của Nga. @Defensie


Comments are closed.