Tin tức thế giới ngày Chủ nhật 07 tháng 11 năm 2021
Võ Thái Hà tổng hợp
Covid-19: Hoa Kỳ “náo nức” mở cửa đón du khách từ 33 nước
Ảnh minh họa: Sau 18 tháng đóng cửa vì Covid-19, từ thứ Hai, 08/11/2021, Hoa Kỳ mở cửa cho những du khách đã tiêm đủ hai liều đến từ 33 nước. Anatolii STEPANOV AFP/File
Sau 18 tháng đóng cửa vì đại dịch Covid-19, từ thứ Hai, 08/11/2021, Hoa Kỳ mở cửa cho những du khách đã tiêm đủ hai liều đến từ 33 nước. Các hãng hàng không chuẩn bị « dàn trận » để tiếp đón dòng du khách ồ ạt đổ vào Mỹ.
Air France, British Airways, United Airlines… những hãng hàng không chuyên nối tuyến xuyên Đại Tây Dương và xuyên Thái Bình Dương, để đối phó với dòng du khách được dự báo là « đông đảo », cho biết đã dự trù tăng thêm số chuyến bay, sử dụng các máy bay cỡ lớn và đồng thời lên tiếng trấn an là có đủ nhân sự.
Thông báo dỡ bỏ những hạn chế nhập cảnh của Nhà Trắng đã có những hiệu ứng tức thì. Những gia đình bị chia cách, những doanh nhân không được gặp khách hàng, hay đơn giản chỉ là những du khách tham quan, sau nhiều tháng bị « cấm cửa » đã ồ ạt đặt vé.
Số lượt tìm vé trên hãng British Airways để đến nghỉ lễ Noel tại các thành phố lớn của Mỹ tăng đột biến đến 900%. Trong chiều ngược lại, theo hãng American Airlines, số vé được đặt để đi sang Anh tăng vọt 66%, châu Âu là 40% và 74% đi Brazil.
Tuy nhiên, theo AFP, lưu thông xuyên Thái Bình Dương, tuy được nối lại nhưng nhịp độ chậm hơn. Singapore Airlines dự báo các tuyến nối đảo quốc với Bắc Mỹ, chủ yếu là với hai thành phố Seattle và Vancouver, chỉ ở mức 77% so với trước khi đại dịch.
Dù vậy, giới chuyên gia cũng nhận thấy có vài điểm đáng lưu ý trên phương diện nhân sự. Tại Mỹ, trong suốt mùa đại dịch, nhiều hãng hàng không, vì đã đưa ra các kế hoạch để nhân viên « tình nguyện » nghỉ việc, giờ đây bị buộc phải hủy nhiều chuyến bay do thiếu nhân sự.
Một câu hỏi khác cũng được các hãng hàng không quan tâm nhiều tâm nhiều nhất : Khi nào thì lượt hành khách doanh nhân, những cỗ máy in tiền cho các hãng hàng không, mới có thể trở lại nhịp độ bình thường như trước thời đại dịch Covid-19 ?
Nhóm điều tra LHQ về Miến Điện: Có bằng chứng về tội ác của tập đoàn quân sự
Ảnh minh họa: Cảnh sát giương súng tiến vào Đại Học Công Nghệ Mandalay, Miến Điện, ngày 07/03/2021. via REUTERS – OBTAINED BY REUTERS
Người đứng đầu cơ quan điều tra Liên Hiệp Quốc về các tội ác nghiêm trọng nhất tại Miến Điện ngày 05/11/2021 khẳng định: Các bằng chứng sơ bộ thu thập được kể từ khi quân đội đảo chánh để lên nắm quyền vào ngày 1 tháng 2 cho thấy cả một cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống nhằm vào thường dân có thể bị “quy kết thành tội ác chống nhân loại”.
Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với báo chí tại Liên Hiệp Quốc, ông Nicholas Koumjian xác nhận rằng Cơ Chế Điều Tra Độc Lập về Miến Điện do ông đứng đầu, đã nhận được hơn 200.000 thông tin kể từ ngày quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính, và đã thu thập được hơn 1,5 triệu bằng chứng. Các dữ liệu này đang được phân tích “để một ngày nào đó những người chịu trách nhiệm nặng nhất về các tội ác quốc tế nghiêm trọng ở Miến Điện sẽ phải giải trình”.
Theo ông Koumjian, để đi đến nhận xét là các tội ác đối với thường dân được thực hiện trên diện rộng và mang tính hệ thống, các nhà điều tra đã xuất phát từ việc trong thời gian khoảng sáu tuần ngay sau cuộc dảo chánh, các vụ đàn áp đã gia tăng đáng kể nhắm vào những người biểu tình, với những biện pháp dữ dội hơn. Đàn áp xảy ra đồng thời ở những nơi khác nhau cho thấy đó là việc thực hiện một chính sách chung.
Ông Koumjian nói tiếp: “Và chúng tôi cũng thấy rằng một số nhóm cụ thể đã trở thành mục tiêu đàn áp, cụ thể là bị bắt giữ và giam cầm mà không tuân theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào”. Trong số các đối tượng này, có nhà báo, nhân viên y tế và các đối thủ chính trị” của tập đoàn quân sự.
Cơ Quan Điều Tra của Liên Hiệp Quốc được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève thành lập vào tháng 9 năm 2018 với nhiệm vụ thu thập, củng cố, lưu trữ và phân tích bằng chứng về các tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất và những vụ vi phạm luật pháp quốc tế xảy ra ở Miến Điện kể từ ngày 01/01/2011.
Theo ghi nhận của AP, cuộc đảo chánh ngày 01/02/2021 diễn ra sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 2020, với sự kiện đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo, điều đã bị quân đội bác bỏ là gian lận.
Kể từ cuộc đảo chánh, Miến Điện đã chìm trong bất ổn, với các cuộc biểu tình thoạt đầu ôn hòa chống lại các tướng lĩnh cầm quyền, sau đó biến thành những vụ bạo loạn nhỏ ở nhiều khu vực thành thị sau khi lực lượng an ninh sử dụng vũ lực tàn khốc.
Gần đây hơn đã xuất hiện những cuộc giao tranh nghiêm trọng ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở khu vực biên giới. với sự tham gia của lực lượng dân quân các dân tộc thiểu số chống lại quân đội chính phủ.
Tòa án Mỹ chặn quy định bắt buộc người lao động tiêm chủng
Bình Phương
Nước Mỹ dư thừa vaccine vì có 30% dân số không chịu chích ngừa trong khi nhiều nước khác không có vaccine để tiêm cho những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Ảnh minh họa: tiêm chủng cho binh lính Mỹ. Ảnh U.S. Air Force photo by Joshua J. Seybert.
Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực số 5 (The 5th Circuit Court of Appeals) hôm thứ Bảy 6 Tháng 11 đã tạm dừng yêu cầu thực hiện quy định của chính quyền Biden đòi hỏi người lao động phải tiêm chủng ngừa Covid-19.
Như tin đã đưa, Cơ quan Sức khỏe và An toàn Lao động Hoa Kỳ (OSHA) cách đây hai ngày đã đưa ra quy định về an toàn tại nơi làm việc, bắt buộc công nhân các công ty có từ 100 lao động trở lên phải tiêm chủng ngừa Covid-19 trước ngày 4 Tháng Giêng 2022, hoặc phải xét nghiệm coronavirus hàng tuần và mang khẩu trang ở nơi làm việc. Sau ngày đó, mỗi trường hợp vi phạm sẽ bị phạt $14,000.
Theo hãng tin AP, đã có ít nhất 27 tiểu bang đã đệ đơn kiện quy định này lên các tòa án khu vực vì cho rằng chính quyền liên bang đã vượt quá quyền hạn. Một số đơn kiện được nộp lên các tòa khu vực có quan điểm bảo thủ bởi các thẩm phán do cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa bổ nhiệm.
Hôm nay Tòa Phúc thẩm liên bang khu vực số 5 đã cho phép đình chỉ khẩn cấp quy định nói trên của OSHA theo đơn kiện của tiểu bang Louisiana.
Tổng Chưởng lý tiểu bang Louisiana Jeff Landry cho biết quyết định của tòa đã ngăn Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ “tiếp tục hành động quá mức trái pháp luật của ông ấy”. “Tổng thống sẽ không áp đặt các thủ tục y tế đối với người dân Mỹ nếu không có sự kiểm tra và cân bằng của hiến pháp,” ông Landry, đảng Cộng hòa, tuyên bố.
Đáp lại, luật sư Seema Nanda, Cố vấn pháp lý của Bộ Lao động, cho biết Bộ “tự tin vào thẩm quyền hợp pháp của mình để ban hành tiêu chuẩn tạm thời khẩn cấp về tiêm chủng và xét nghiệm.” Bà Nanda nói rằng, OSHA có thẩm quyền “hành động nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp khi cơ quan này nhận thấy người lao động đang gặp nguy hiểm tại nơi làm việc và cần có tiêu chuẩn mới để bảo vệ họ.”
Quyết định của các tòa phúc thẩm liên bang khu vực thường chỉ áp dụng cho một số tiểu bang; trong trường hợp Tòa Phúc thẩm số 5 thì đó là các tiểu bang Mississippi, Louisiana và Texas, nhưng ông Landry nói rằng ngôn ngữ mà các thẩm phán sử dụng đã làm cho quyết định có phạm vi toàn quốc.
Chính quyền Biden đã khuyến khích tiêm chủng rộng rãi như là cách thức nhanh nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 750.000 người Mỹ – nhiều nhất thế giới. Chính quyền liên bang cũng tự tin rằng quy định về an toàn nơi làm việc sẽ vượt qua được các thách thức pháp lý, một phần vì các quy tắc an toàn của liên bang thì có hiệu lực cao hơn luật của tiểu bang.
Tòa Phúc thẩm số 5 có trụ sở tại New Orleans, cho biết Tòa quyết định trì hoãn thi hành yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine của chính quyền liên bang vì “các vấn đề nghiêm trọng về luật pháp và hiến pháp” do các nguyên đơn nêu ra. Chính phủ phải đưa ra câu trả lời khẩn cấp cho kiến nghị về lệnh cấm vĩnh viễn vào thứ Hai 8 Tháng Mười Một, sau đó các nguyên đơn phải đưa ra câu trả lời của mình vào thứ Ba.
Lawrence Gostin, một chuyên gia về y tế công cộng tại Trường Luật của Đại học Georgetown, nhận xét, thật đáng lo ngại khi một tòa phúc thẩm liên bang quyết định dừng hoặc trì hoãn các quy tắc an toàn của chính phủ liên bang giữa một cuộc khủng hoảng về sức khỏe. Ông cho rằng không ai có quyền đi vào nơi làm việc mà “không mang khẩu trang, không tiêm chủng và không xét nghiệm.” “Các thẩm phán không được người dân bầu lên và không có kinh nghiệm khoa học thì không nên bình luận về những chuyên gia sức khỏe và an toàn lao động của OSHA”.
Thiếu chip, một số xe BMW sẽ không có màn hình cảm ứng
Một số mẫu xe mới của BMW sẽ không xuất hiện màn hình cảm ứng. Ảnh: Cnet.
Cuộc khủng hoảng linh kiện trên toàn cầu vẫn chưa ngừng tác động tới ngành công nghiệp xe hơi. Mới nhất là một số mẫu xe mới của BMW sẽ không xuất hiện màn hình cảm ứng.
Sự thiếu hụt chip toàn cầu khiến một số BMW mới mất chức năng màn hình cảm ứng. Theo một bài đăng trên diễn đàn Bimmerfest gần đây, với nỗ lực tiết kiệm silicon và yêu cầu BMW duy trì mức sản xuất hiện tại, các mẫu xe sau sẽ được giao cho khách hàng sẽ không có màn hình cảm ứng, gồm: BMW 3 Series, BMW 4 Series (nhưng không phải xe điện i4 EV), BMW X5, BMW X6, BMW X7, BMW Z4. Theo Cnet.
Đại diện BMW cho biết, biện pháp này là hệ quả của các vấn đề về chuỗi cung ứng trong toàn ngành, thứ đang tác động tới việc sản xuất xe hơi toàn thế giới và gây ra những giới hạn trong việc cung cấp một số tính năng hay tùy chọn.
Theo Bimmerfest, khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi này sẽ được dán sticker có mã riêng ở cửa kính, được liệt vào hạng mục “thiếu màn hình cảm ứng” và được giảm $500 vì sự bất tiện này.
Bên cạnh màn hình cảm ứng, mọi thứ thuộc hệ thống iDrive vẫn hoạt động như bình thường, gồm tính năng kết nối Apple CarPlay và Android Auto. Khách hàng sẽ phải thao tác iDrive qua hệ thống điều khiển bằng giọng nói hoặc qua nút điều chỉnh ở bảng điều khiển trung tâm. Ngoài ra, xe trang bị gói hỗ trợ đậu xe sẽ không có tính năng hỗ trợ lùi của BMW. Công nghệ này giúp ghi nhớ quãng đường mới nhất của hành trình (khoảng vài trăm mét) và đánh lái tự động giúp lùi xe, trong khi tài xế kiểm soát thắng và ga.
Hiện không rõ các mẫu xe BMW chịu ảnh hưởng từ việc thiếu thiết bị trong bao lâu, và có thêm sản phẩm nào của hãng chịu chung số phận hay không. Tuy nhiên, không chỉ BMW, nhiều hãng xe hơi khác cũng bị tác động bởi tình trạng thiếu chip, từ việc bán xe thiếu thiết bị cho đến việc tạm ngừng sản xuất chờ linh kiện.
Du lịch châu Á mở cửa trở lại; khách sộp Trung Quốc vẫn chưa được xuất ngoại
Du khách Trung Quốc tham quan Chùa Shwedagon ở Yangon vào năm 2017.
Việc châu Á dần dần nới lỏng các hạn chế du lịch quốc tế đang giúp các nhà khai thác du lịch bị ảnh hưởng nặng nề của khu vực cảm thấy nhẹ nhõm hơn, ngoại trừ một điều: Trung Quốc, nước có lượng du khách xuất ngoại lớn nhất thế giới, vẫn đang giữ tần suất bay quốc tế chỉ ở mức 2% của thời điểm trước đại dịch, và vẫn chưa nới lỏng các hạn chế đi lại chặt chẽ khi họ kiên định với chính sách “không COVID-19”.
Tình trạng này đã gây ra khoản thất thu hàng năm là 255 tỷ USD trên thị trường du lịch toàn cầu đối với các nhà khai thác như Laguna Phuket của Thái Lan, nơi đang nỗ lực bù đắp cho sự thiếu hụt đó.
Đại dịch đã làm Thái Lan thất thu khoảng 50 tỷ USD từ du lịch trong một năm và người Trung Quốc là những người chi tiêu trên mức trung bình dựa, theo dữ liệu của ngành du lịch.
Thái Lan hy vọng sẽ đón được 180.000 khách du lịch nước ngoài trong năm nay sau khi đã mở các địa điểm khác ngoài Phuket cho du khách vào ngày 1/11. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với khoảng 40 triệu du khách mà nước này đón hồi năm 2019.
Nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ vẫn duy trì các biện pháp nghiêm ngặt như cách ly tới 3 tuần đối với những người trở về nước cho đến ít nhất là quý 2 năm sau và sau đó có thể mở cửa dần dần trên cơ sở xem xét từng quốc gia.
Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys ước tính phải đến năm 2025, hoạt động du lịch xuất ngoại của Trung Quốc mới có thể khôi phục lại mức trước đại dịch. Điều đó cũng sẽ buộc các hãng hàng không phải đánh giá lại các tuyến bay của họ vì dữ liệu cho thấy 38% khách du lịch Trung Quốc đã đi các hãng hàng không nước ngoài vào năm 2019.
Mặc dù Singapore, Thái Lan và Bali của Indonesia đang dần mở cửa cho du khách quốc tế, Thai Airways và Garuda Indonesia đang thu hẹp đáng kể đội bay của họ như một phần của kế hoạch tái cơ cấu trong bối cảnh vắng bóng du khách Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên tập trận pháo binh: Seoul trong tầm ngắm
Bức ảnh do Bắc Triều Tiên cung cấp cho thấy tướng Pak Jong Chon, ủy viên Đoàn Chủ Tịch Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên (T), đang giám sát cuộc thi bắn pháo của quân đội ngày 06/11/2021, tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bắc Triều Tiên, Triều Tiên. AP
Quân đội Bắc Triều Tiên ngày 06/11/2021, đã tổ chức một cuộc “thi đua pháo binh” rầm rộ. Cuộc tập trận pháo binh diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và Hàn Quốc có cuộc tập trận chung trên không từ hôm thứ Hai 02/11, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng.
Báo chí Hàn Quốc dẫn lại thông tin của hãng tin Nhà Nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay, 08/11, theo đó “cuộc thi bắn pháo” để nâng cao “khả năng tác chiến cơ động của lực lượng pháo binh”. Phần lớn lực lượng pháo binh của Bắc Triều Tiên được triển khai dọc theo biên giới với Hàn Quốc và sẵn sàng nổ súng vào thủ đô của miền Nam, nơi sinh sống của khoảng 10 triệu dân, nằm cách biên giới khoảng 40 km (25 dặm). Các phương tiện pháo binh tham gia vào cuộc tập trận hôm qua có thể đã lấy đích ngắm giả định là thủ đô Seoul.
Lãnh đạo tối cao Bắc Triều Tiên Kim Jong Un không chủ trì cuộc tập trận. Lãnh đạo cao cấp nhất tham dự là tướng Pak Jong Chon, ủy viên của Đoàn Chủ tịch Bộ Chính Trị, cơ quan tương đương với Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap ghi nhận ông Kim Jong Un hiếm khi không chủ trì một cuộc thi tập trận pháo binh như vậy. Theo Reuters, tướng Pak được coi là một ngôi sao đang lên trong quân đội Bắc Triều Tiên, và là người đóng vai trò quan trọng trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng. Tướng Pak Jong Chon mới được bổ nhiệm vào vị trí nói trên hồi tháng 9. Tướng Rim Kwang Il, tổng tham mưu trưởng quân đội, cũng tham dự tập trận.
Yonhap cũng cho biết là Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành cuộc tập trận phòng không chung kéo dài 5 ngày từ hôm thứ Hai 02/11, với sự tham gia của khoảng 200 phi cơ chiến đấu. Bắc Triều Tiên đã lên án quốc tế không công bằng, khi chỉ lên án các cuộc tập trận của Bình Nhưỡng là “khiêu khích”.
(AFP) – Covid-19 : Nhật Bản nới lỏng kiểm soát nhập cảnh.
Biện pháp nới lỏng các quy định nhập cảnh liên quan chủ yếu đến du học sinh, thực tập sinh và doanh nhân nước ngoài, nhưng chưa áp dụng cho khách du lịch. Theo thông báo của Tokyo ngày 05/11/2021, kể từ thứ Hai 08/11 giai đoạn cách ly của người nhập cảnh vào Nhật sẽ chỉ còn 3 ngày, so với 10 ngày như trước đây. Truyền thông Nhật cho biết, hiện 380.000 người có visa nhập cảnh đang chờ đợi để được đến Nhật Bản.
(AFP) – Mỹ treo thưởng 5 triệu đô la bắt em trai trùm ma túy El Chapo.
Thông báo được bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra ngày 05/11/2021. Người em của trùm ma túy khét tiếng người Mêhicô mà bộ Ngoại Giao Mỹ muốn nhắm tới là Aureliano Guzman Loera. Người này bị cáo buộc tham gia vào đường dây buôn lậu ma túy quốc tế cùng với 3 anh em nhà Nevarez, nhất là chất gây nghiện fentany, mỗi năm gây ra cái chết cho hàng chục ngàn người Mỹ dùng thuốc quá liều. Những ai cung cấp thông tin cho phép bắt được 1 trong 3 anh em tùm ma túy Naverez cũng sẽ được thưởng 5 triệu đô la.
(AFP) – Mỹ : Ít nhất 8 người chết, nhiều người bị thương tại Festival âm nhạc Astroword, bang Texas.
Vụ việc xảy ra vào đêm thứ Sáu 05/11/2021, khi có khoảng 50.000 người có mặt tại chỗ. Cảnh sát Houston đã thông báo mở điều tra để xác định nguyên nhân thảm kịch, nhất là qua các đoạn video quay buổi diễn. Nhiều video cho thấy cảnh trong khi nhân viên cứu hộ đang sơ cứu những người bất tỉnh, buổi biểu diễn vẫn tiếp tục. Trong cả ngày hôm qua, có hơn 300 người bị thương tại fesival. Lễ hội âm nhạc Astroword do ca sĩ nhạc rap Travis Scott, người Texas, tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018.
Anh mở nhà máy lọc đất hiếm làm nam châm cho xe chạy điện để không phụ thuộc TQ
Nguồn hình ảnh, Ullstein Bild/Getty Images / Chụp lại hình ảnh,
Đất hiếm có các nguyên tố cần thiết cho công nghệ cao
Nhu cầu bảo vệ môi trường và chiến lược tạo nguồn cung ứng không phụ thuộc TQ khiến chính phủ Anh cho mở nhà máy lọc đất hiếm làm nam châm cho xe hơi chạy điện từ 2024.
Một bản nghiên cứu tính khả thi của dự án khai thác, tinh luyện đất hiếm nhằm tạo ra nguyên liệu công nghệ cao cho xe hơi chạy điện và các công trình khai thác điện gió, được công bố tuần này ở Anh, theo Reuters (04/11/2021).
Nguồn tin này cho hay chính phủ Anh muốn mở lại các nguồn cung ứng đất hiếm (mua từ Angola) để chế tạo những bộ phận cần thiết cho công nghệ sạch.
Cụ thể, sau hội nghị COP26 tại Scotland về chống biến đổi khí hậu, Anh Quốc sẽ bắt tay vào việc đầu tư cho các ngành công nghệ mới, gồm nam châm vĩnh cửu (permanent magnet).
Đất hiếm (rare earth) được cho là “vàng của thế kỷ 21”, gồm 14 chất khác nhau, từ holmium, europium, promethium đến neodymium…có tính năng khiến chúng được dùng vào công nghệ điện, từ trường và điện tử.
Neodymium là chất cần thiết để tạo nam châm vĩnh cửu.
Ngành chế biến đất hiếm từng có ở Anh nhưng bị đóng cửa trong thập niên 1990, khi nguồn cung ứng từ Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Nhưng nay, nước Anh nói tới việc không để ngành xe hơi chạy điện của tương lai phụ thuộc vào Trung Quốc.
Sẽ xuất xưởng xe hơi chạy điện tại Anh từ giữa 2024
Chính phủ Anh sẽ bỏ vào nền kinh tế 850 triệu bảng (1,15 tỷ USD) để hỗ trợ dự án thiết kế xe chạy điện (electric vehicles-EV) và lập chuỗi cung ứng cho ngành này.
Thị trưởng danh dự của Belfast, bà Kate Nicholl cạnh xe Audi e-tron. Chính phủ Anh ‘hạ quyết tâm’ thay dần xe chạy xăng và diesel từ 2030 sang xe chạy điện trên cả nước trong 20 năm nữa
Dự kiến đến năm 2024, Anh Quốc sẽ có nhà máy sản xuất nam châm vĩnh cửu vận hành và cung cấp các bộ phận cho xe hơi chạy điện mà con số cần có là 1 triệu xe/năm.
Theo Reuters, Bộ Thương mại Anh không bình luận về tin này, mà chỉ xác nhận chung rằng chính phủ “đang hợp tác chặt chẽ với ngành xe hơi để tạo ra chuỗi cung ứng cho xe chạy điện ở Anh”.
Các cam kết tại COP26 ở Glasgow tháng 11 năm nay buộc Anh phải đạt net zero (không thêm vào tổng lượng khí nhà kính thải ra khí quyển ) vào 2035.
Theo Reuters, công ty chuyên về đất hiếm của Anh, Less Common Metals đã bỏ công lập ra dự án nghiên cứu xây dựng nhà máy.
Nam châm vĩnh cửu được cho là có tác dụng tăng động lực của xe chạy điện, giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào pin.
Chất neodymium được dùng trong 90% động cơ xe hơi chạy điện để tạo ra loại nam châm làm tăng năng suất của motor lên nhiều hơn nam châm bình thường.
Công ty Ford nói hồi tháng 10/2021 họ có kế hoạch xây nhà máy xe hơi chạy điện ở Anh và từ giữa 2024 sẽ đạt công xuất cho ¼ triệu xe xuất xưởng mỗi năm.
Nhưng Ford không phải là công ty duy nhất bước vào ngành xe hơi chạy điện ở Anh.
Tháng 8/2021, một công ty đóng ở Anh là Arrival đã lên thị trường chứng khoán công nghệ Nasdaq ở Hoa Kỳ và đạt con số vốn niêm yết 8 tỷ USD.
Còn tập đoàn Nissan của Nhật thì cho biết họ sẽ sản xuất dòng xe chạy điện Nissan Ariya ở trong nước nhưng chọn Anh làm nơi sản xuất pin cho EV.
Hồi cuối năm 2020, một số báo chuyên ngành cung ứng tại Anh trích dẫn một công ty cho hay họ lên kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến đất hiếm ở miền Bắc nước Anh “nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc”.
Công ty ‘Pensana Rare Earth’ tiết lộ họ muốn xây nhà máy tại Saltend Chemicals Park, hạt Yorkshire nhằm sản xuất nguyên liệu cho nam châm vĩnh cửu, đáp ứng nhu cầu sẽ lên cao của thị trường xe hơi chạy điện.
Công ty này cho hay họ đã có giấy phép xây dựng nhà máy từ chính quyền.
Nhà máy trị giá 100 triệu bảng Anh, nằm không xa Hull, Yorkshire, theo BBC News từ Humberside.
Bài báo của Lucy Patchett trên trang CIPS trích lời công ty Pensana đánh giá rằng “xe hơi chạy điện sẽ đẩy nhu cầu nam châm lên 350% trong vòng năm năm tới, và nhu cầu xây trạm điện gió lên 1.500% trong vòng 20 năm tới”.
Họ cho rằng nguồn nguyên liệu, vật liệt quan trọng như vậy không thể bị phụ thuộc vào Trung Quốc.
Được biết Liên hiệp châu Âu cũng có kế hoạch tương tự để mua đất hiếm về chế biến nhằm tạo ra nam châm vĩnh cửu từ neodymium cho công nghệ xe hơi thế hệ mới.
Tags: covid-19, tin thế giới, Việt Nam