Thời sự Thứ Ba 24/10/2023: *Pháp thuyết phục Israel “hưu chiến nhân đạo” *ĐHĐ LHQ họp về Israel-Hamas *Căn cứ Mỹ ở Iraq bị tấn công bằng hỏa tiễn *Vương Nghị đến Mỹ bàn về Trung Đông *TCB: Hội cựu sinh viên Âu Mỹ là thành viên của Mặt trận thống nhất TQ *Trường học Đức bị đe dọa đánh bom *Thái Lan tiếp xúc nước Hồi Giáo về con tin *Điểm tin báo Pháp (RFI)…
Võ Thái Hà tổng hợp
Tổng thống Pháp Macron thuyết phục Israel “hưu chiến nhân đạo”
Thu Hằng /RFI
24/10/2023
Phải chờ đến hai tuần sau vụ tấn công khủng bố của Hamas nhắm vào thường dân Israel và sau các chuyến công du của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đến Tel Aviv ngày 24/10/2023 để thể hiện “đoàn kết” với người dân và chính phủ Israel. Theo dự kiến, chiều cùng ngày, nguyên thủ Pháp đến Ramallah gặp tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) bắt tay đồng nhiệm Israel Isaac Herzog trong cuộc gặp ở Jerusalem, Israel, ngày 24/10/2023. AFP – CHRISTOPHE ENA
Trong buổi làm việc với tổng thống Israel Isaac Herzog, được AFP trích dẫn, nguyên thủ Pháp “bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết, chia sẻ nỗi đau” với Israel trước “cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhắm vào người dân và Nhà nước” Do Thái. Tuy nhiên, ông Macron kêu gọi không “mở rộng cuộc xung đột” giữa Israel và phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas.
“Mục tiên trước tiên” là trả tự do cho tất cả các con tin đang bị giữ ở Gaza. Pháp có vài chục công dân bị Hamas bắt làm con tin, trong đó có “nhiều trẻ em”, nhưng hiện vẫn chưa xác định được con số chính xác. Có 30 người song tịch Pháp-Israel đã bị sát hại trong tổng số hơn 1.400 chết trong vụ tấn công của Hamas. Ngay khi đến sân bay David-Ben-Gourion ở Tel Aviv, tổng thống Macron đã dành một tiếng để gặp người thân của nhiều nạn nhân Pháp trong vụ tấn công và bị bắt làm con tin.
Ngoài ra, theo đặc phái viên RFI Valérie Gas từ Tel Aviv, nguyên thủ Pháp còn đặt ra nhiều cao vọng khác trong chuyến đi này :
Ông Emmanuel Macron từng tuyên bố là sẽ đến Israel khi chuyến công du của ông có thể mang lại “những giải pháp hữu ích”. Theo điện Elysée, thời khắc dường như đã đến sau nhiều ngày được nguyên thủ Pháp dành để giải quyết hậu quả của vụ tấn công khủng bố ở Arras (một kẻ theo Hồi Giáo cực đoan đâm dao giết chết một giáo viên). Trong suốt thời gian đó, ông Macron cố duy trì “đoàn kết dân tộc” ở trong nước.
Theo những cộng sự thân cận, ông Macron hiện “hoàn toàn sẵn sàng” để đến vùng Trung Đông với nhiều mục tiêu. Trước tiên là gửi thông điệp “đoàn kết” đến người dân Israel và những nạn nhân trong vụ tấn công của Hamas mà ông gặp gia đình họ. Đó là điều tiên quyết theo quan điểm của điện Elysée.
Nhưng sau đó, nguyên thủ Pháp sẽ đưa ra nhiều đề xuất hành động để ngăn tình trạng “leo thang” ở trong vùng và mở ra một viễn cảnh chính trị cho hòa bình mà theo Paris, sẽ phải thông qua việc thành lập một Nhà nước Palestine. Rất nhiều cao vọng mà ông Macron sẽ trình bày với chính quyền Israel và các nhà lãnh đạo các nước trong vùng với hy vọng đạt được “hưu chiến nhân đạo”. Nhưng ưu tiên trước mắt đối với ông Macron, đó là cố đưa tất cả các con tin bị Hamas bắt giữ ra khỏi Gaza.
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị họp về Israel-Hamas
Tình hình căng thẳng Israel-Hamas sẽ được đưa ra thảo luận trong phiên họp khẩn sáng thứ Năm 26/10/2023 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Theo trang NHK, Jordani và nhiều nước Ả Rập đã yêu cầu phiên họp bất thường này sau khi vào tuần trước, Hội Đồng Bảo An không thông qua được nghị quyết kêu gọi hưu chiến nhân đạo. Các quốc gia Ả Rập muốn gây sức ép đối với Israel trong khi nước này chuẩn bị một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Gaza. Đây sẽ là cuộc họp đầu tiên trong vòng 5 năm qua của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc về tình hình Palestine.
Căn cứ của Mỹ ở Iraq bị tấn công bằng hỏa tiễn
Hội An
Căn cứ Ain al-Assad của Mỹ ở Iraq đã bị tấn công bằng tên lửa. (Ảnh: AP).
Ngày hôm qua (22/10), một nguồn tin quân sự cho hay, căn cứ Ain al-Assad của Hoa Kỳ ở Iraq đã bị tấn công bằng tên lửa.
Các báo cáo cho biết, âm thanh của một vụ nổ đã được nghe thấy từ bên trong căn cứ Ain al-Assad sau vụ tấn công.
Trước đó 2 ngày, căn cứ quân sự của Mỹ ở Ain al-Assad này cũng đã bị tấn công bằng máy bay không người lái. Và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xác nhận rằng, một trong những binh sĩ của họ đã chết vì cơn đau tim trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ này.
Sau đó, Lực lượng Kháng chiến Iraq đã tiếp tục công khai nhắm mục tiêu vào căn cứ của Hoa Kỳ ở khu vực Kurdistan bằng hai máy bay không người lái khác. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Al-Harir của Mỹ khiến một số lực lượng Mỹ bị thương.
Sau cái chết của các chỉ huy quân kháng chiến ở Iraq và Syria, quốc hội Iraq đã thông qua một đạo luật kêu gọi quân Mỹ rút khỏi đất nước này, và yêu cầu này vẫn chưa được quân đội Mỹ đáp ứng.
Vương Nghị sắp đi Washington bàn về Trung Đông
24/10/2023
Vương Nghị
Chính quyền Biden cho biết, Vương Nghị sẽ tới Hoa Kỳ vào cuối tuần này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông mà các quan chức Mỹ hy vọng Bắc Kinh có thể giúp kiềm chế.
Vương sẽ đến thăm Washington từ ngày 26 đến ngày 28/10, gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.
Chuyến đi sẽ là sự tham gia trực tiếp cấp cao nhất trước cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tập Cận Bình tại San Francisco vào tháng 11. Đây cũng là chuyến thăm đáp lại việc ông Blinken đến thăm Bắc Kinh vào mùa hè này.
Ưu tiên hàng đầu của Washington là đảm bảo sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và những bất đồng giữa họ về một loạt vấn đề từ thương mại đến Đài Loan và Biển Đông không chuyển thành xung đột.
Một quan chức nói với các phóng viên về chuyến đi Mỹ của Vương: “Chúng tôi tiếp tục tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để nêu ra các vấn đề thách thức, giải quyết những hiểu lầm và thông tin sai lệch, đồng thời tìm cách hợp tác với Trung Quốc ở những nơi mà lợi ích của chúng tôi giao nhau”.
Chuyến thăm cũng diễn ra khi Washington đang gửi viện trợ quân sự cho Israel và Ukraine, trong lúc Bắc Kinh ngày càng thân thiết hơn với Nga kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu và kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Một quan chức Mỹ cho biết cả cuộc chiến Israel-Hamas và cuộc chiến của Nga ở Ukraine đều sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của Vương và nói thêm rằng Mỹ sẽ “thúc đẩy Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn đối với cả hai vấn đề”.
Washington coi trọng khả năng của Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng đến Iran. Blinken, trong chuyến đi gấp rút tới Trung Đông vào tuần trước, đã điện đàm với Vương, yêu cầu ông này sử dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực để đảm bảo xung đột không mở rộng.
Trung Quốc liên tục kêu gọi kiềm chế và ngừng bắn để đáp trả việc Israel bắn phá Gaza sau các cuộc tấn công của Hamas khiến 1.400 người Israel thiệt mạng nhưng cũng gay gắt chỉ trích Israel.
Các quan chức Mỹ cho biết, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Vương, đồng thời cho biết thêm rằng Washington quan ngại sâu sắc trước “các hành động gây bất ổn và nguy hiểm” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines, một đồng minh của Hoa Kỳ, hôm thứ Hai đã cáo buộc các tàu tuần duyên Trung Quốc “cố ý” va chạm với các tàu của nước này khi thực hiện nhiệm vụ tiếp tế, trong vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra ở vùng biển xung quanh bãi Cỏ Mây đang tranh chấp.
Ông Tập Cận Bình ‘vô tình làm lộ’ việc Hội cựu sinh viên Âu Mỹ là tổ chức thành viên của Mặt trận thống nhất Trung Quốc
Liên Thành
Ông Tập Cận Bình (ảnh: RIA Novosti).
Trong thư chúc mừng gửi Hiệp hội cựu sinh viên châu Âu và Mỹ , ông Tập Cận Bình đã nói rằng tổ chức này là một thành viên thuộc” mặt trận thống nhất ” và nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Các học giả đã nói rằng, ông Tập Cận Bình đã vô tình “làm lộ bí mật” về một Hội cựu sinh viên và điều này khiến người phương Tây phải bất ngờ, bởi những chiêu bài xâm nhập của ĐCSTQ luôn nằm ngoài sức tưởng tượng của họ.
Tân Hoa Xã đưa tin về sự kiện chính quyền Bắc Kinh đã tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm thành lập Hội cựu sinh viên châu Âu và Mỹ. Ông Tập Cận Bình đã viết thư chúc mừng, mà nội dung thư xác định rằng Hội cựu sinh viên Âu-Mỹ là “một hiệp hội có tính đại chúng, trí tuệ cao và là mặt trận đoàn kết dân tộc” dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Đại diện lãnh đạo Mặt trận Thống nhất Trung ương Trung Quốc đã đọc thư chúc mừng của ông Tập Cận Bình. Và trong các nội dung báo cáo tại buổi lễ truyền đi thông điệp rằng Hiệp hội cựu sinh viên Âu-Mỹ cần phải “tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Việc khẳng định Hiệp hội cựu sinh viên Âu Mỹ là một tổ chức trực thuộc Tổ chức Mặt trận và nằm dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi.
Nhiều người nói rằng, đến bây giờ họ mới biết Hiệp hội cựu sinh viên lại là một công cụ của Trung Quốc trong giấc mộng lớn của họ.
Lá thư chúc mừng của ông Tập Cận Bình quả thực đã tiết lộ một bí mật.
Nhiều ý kiến khác thì cho rằng, vốn dĩ nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận là thống nhất là quy tụ các lực lượng, các nguồn lực và tinh hoa trong xã hội về dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và việc tồn tại của tổ chức mặt trận là để tránh sự đề phòng với tổ chức Đảng. Nên nhiều người trong nước, thậm chí ngoài nước từ lâu đã trở thành thành viên của tổ chức trực thuộc ĐCSTQ mà họ không hề hay biết. Giống như trường hợp của Hiệp hội cựu sinh viên Âu-Mỹ vậy.
Theo những tài liệu cho thấy, Hiệp hội cựu sinh viên Âu-Mỹ được sáng lập vào tháng 10/1913, và “Hiệp hội cựu sinh viên Âu Mỹ được xác định là một tổ chức hàng đầu của Tổ chức Mặt trận Thống nhất Trung Quốc.
Theo Website chính thức của Hiệp hội cựu sinh viên Âu Mỹ, hiệp hội hiện có 42 tổ chức địa phương, 2 thành viên nhóm, 15 chi hội quốc gia và khu vực, số thành viên cá nhân đã vượt quá 220.000 và có kết nối với hơn 100 nhóm du học sinh tại các đất nước lớn.
Nhiều trường học ở Đức bị đe dọa đánh bom, cảnh sát điều tra quy mô lớn
Cảnh sát Đức đang thực hiện nhiệm vụ. (Ảnh minh họa, không liên quan với bài viết: Pradeep Thomas Thundiyil/ Shutterstock)
Sáng thứ Hai (23/10), ít nhất 7 trường học ở Đức nhận được lời đe dọa đánh bom, cảnh sát đã mở chiến dịch điều tra quy mô lớn. Đài truyền hình ZDF của thành phố Mainz cũng phải sơ tán trong thời gian ngắn do bị đe dọa đánh bom. Không có quả bom nào được tìm thấy và không rõ ai đã gửi email đe dọa.
Theo truyền thông Đức, các thành phố hiện đang bị đe dọa đánh bom gồm Karlsruhe và Mannheim (bang Baden-Württemberg), Augsburg và Regensburg (bang Bavaria), Solingen và Wuppertal (bang North Rhine-Westphalia), các trường ở Erfurt (bang Thuringia).
Ít nhất 7 trường học trong khu vực đã nhận được email đe dọa đánh bom vào sáng thứ Hai (23/10), khiến cảnh sát phải mở chiến dịch hành động quy mô lớn.
Cảnh sát nhanh chóng đến các trường học để điều tra. Hầu hết các trường học bị đe dọa đều nhanh chóng sơ tán học sinh, và sử dụng chó nghiệp vụ để tiến hành rà soát bom.
Người phát ngôn cảnh sát giải thích, không tìm thấy đồ vật khả nghi hay dấu hiệu nguy hiểm nào khác tại hiện trường. Tính đến chiều thứ Hai (23/10), vẫn chưa rõ liệu có mối liên hệ giữa các mối đe dọa ở một số bang liên bang hay không.
Theo cảnh sát, một trường học ở khu Mannheim không bị khám xét. Email đe dọa được phát hiện vào thứ Hai (23/10), cảnh sát đã nhận được thông báo vào khoảng 8h sáng.
Một đội đặc nhiệm ngay lập tức được thành lập, và phân tích tình hình trước khi quyết định không thực hiện hành động tại chỗ, và không sơ tán trường học và khu dân cư.
Giám đốc trường Solingen đã thông báo cho cảnh sát về mối đe dọa đánh bom qua email vào tối Chủ nhật (22/10). Các sở cảnh sát khác cũng nhận được email có nội dung tương tự. Cơ quan An ninh Quốc gia Đức đã bắt đầu điều tra lý lịch của những email đe dọa này.
Cảnh sát giải thích rằng sau đó hiệu trưởng trường Solingen đã tự quyết định đóng cửa trường vào đêm thứ Hai (23/10). Cùng lúc đó, một trường học khác ở Wuppertal-Barmen cũng nhận được lời đe dọa đánh bom.
Đài truyền hình Đức ZDF cũng nhận được lời đe dọa đánh bom. Cảnh sát đã sơ tán một số tòa nhà của đài truyền hình của thành phố Mainz, bao gồm tòa nhà nghiệp vụ phát thanh truyền hình và tòa nhà cao tầng nơi đặt các bộ phận hành chính của đài.
Khoảng 600 nhân viên đài truyền hình đã phải nghỉ việc trong thời gian này. Tính đến trưa thứ Hai (23/10), đài truyền hình đã gỡ cảnh báo.
Hôm thứ Hai (23/10), Bảo tàng Tiền sử Quốc gia ở thành phố Halle cũng được sơ tán, do bị đe dọa đánh bom và được chó nghiệp vụ rà soát bom. Theo cảnh sát Halle, bảo tàng đã nhận được lời đe dọa đánh bom vào buổi sáng. Cảnh sát ngay lập tức thực hiện mọi biện pháp cần thiết dưới sự hỗ trợ của cảnh sát liên bang.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh một số nước châu Âu đang đặt cảnh báo an ninh ở mức cao sau khi xuất hiện nhiều thư đe dọa đánh bom nhằm vào các hạ tầng công cộng. Tuần trước, cảnh sát Đức cho biết 2 đối tượng chưa xác định danh tính đã ném 2 quả bom xăng vào một giáo đường Do Thái tại thủ đô Berlin. Rất may không có thương vong trong vụ việc này.
Vài tháng qua, thường xuyên có những lời đe dọa đánh bom nhằm vào các trường học và cơ quan công cộng ở Đức.
Trong những ngày gần đây, tại nước láng giềng Pháp, các mối đe dọa đánh bom cũng khiến người dân lo lắng. Chỉ riêng khu du lịch Versailles đã phải sơ tán 7 lần trong 8 ngày. Gần đây, các sân bay của Paris và Bảo tàng Louvre cũng là mục tiêu bị đe dọa đánh bom.
Từ ngày 18/10, các sân bay ở Pháp đã nhận được 70 cảnh báo bom giả, hầu hết được gửi từ cùng một địa chỉ thư điện tử (e-mail) đăng ký tại Thụy Sĩ.
Bình Minh (t/h)
Giải cứu con tin ở Gaza: Thái Lan tiếp xúc với các nước Hồi Giáo
Tại Thái Lan, chính phủ gia tăng các nỗ lực đàm phán nhằm giải thoát 19 con tin đang bị cầm giữ ở dải Gaza. Thủ tướng Srettha Thavisin dựa vào lập trường trung lập của Bangkok trong xung đột Israel và Palestine, cũng như việc xích lại gần một số nước Hồi Giáo có sức ảnh hưởng mạnh trong vùng.
Ảnh minh họa: Một lao động Thái Lan tại Israel, bị thương trong vụ Hamas tấn công Israel ngày 07/10/2023, được hồi hương về đến sân bay Suvarnabhumi (Bangkok – Thái Lan), ngày 12/10/2023. REUTERS – CHALINEE THIRASUPA
Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên đài RFI, Carole Isoux cho biết thêm :
Để giải thoát các con tin của mình, Thái Lan trước hết đặt cược vào việc xích lại gần với nhiều nước trung gian, đi đầu là Iran. Trong cuộc họp báo, đại sứ Iran ở Thái Lan khẳng định rằng những con tin người Thái vẫn bình yên vô sự ở dải Gaza, tổng thống Iran Ebrahim Raisi cách nay vài ngày đã gặp lãnh đạo phe Hamas, ông Ismael Haniyeh ở Qatar, và nhân vật này dường như đã chấp thuận thả những con tin người Thái và Philippines.
Đại sứ Iran giải thích : “Ông ấy đã chấp thuận về mặt nguyên tắc và đã có những cố gắng nhưng vấn đề là họ không thể nào đưa số con tin đó ra khỏi dải Gaza. Cứ mỗi lần họ tìm cách di chuyển các con tin, là họ bị dội bom. Đã đến lúc chính phủ Thái Lan và người dân trên toàn thế giới đòi chính phủ Israel phải ngưng hành động diệt chủng ở Palestine để các con tin có thể về nhà bình an.”
Giới chức Thái Lan tránh đưa ra các tuyên bố chính trị, ủng hộ hay lên án. Thủ tướng Thái Lan khẳng định rằng “các mối quan hệ cá nhân” đều được dùng đến để giải thoát những con tin này. Ông cũng trông cậy vào sự hậu thuẫn của Ả Rập Xê Út, quốc gia mà ông vừa ghé thăm vài ngày để dự một hội nghị cấp cao về kinh tế.
XEM THÊM:
Israel chuẩn bị chiến đấu trên nhiều mặt trận, Hamas đặt cược vào dư luận
Theo Les Echos ngày 23/10/2023, « Israel sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận ». Tờ báo nhận định cuộc xung đột Israel-Palestine không chỉ là giữa các nước Ả Rập với Do Thái, mà còn là giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới. Trên Libération, các chuyên gia cảnh báo sức mạnh đang tăng lên của « trục bóp méo thông tin Nga-Iran-Trung Quốc », và Hamas hy vọng ít nhất là thắng được cuộc chiến dư luận thế giới.
Đăng ngày: 24/10/2023 – 13:24
14 phút
Tình hình Trung Đông vẫn nóng bỏng. Libération chạy tựa trang nhất « Gaza : Tiến tới cuộc tấn công ác liệt ». Quân đội Israel chuẩn bị tiến vào một vùng đất mà mình không thông thuộc, một cái bẫy đáng sợ. La Croix nói về « Sự giận dữ của thế giới Ả Rập », Le Monde quan tâm đến việc « Ai Cập muốn đóng vai trung gian hòa giải về Gaza ». Tại Pháp, Le Figaro cho biết « Cánh tả chuẩn bị cho hậu Mélenchon » : Sau tranh cãi về việc thủ lãnh đảng cực tả từ chối gọi Hamas là khủng bố, ngày càng nhiều đại biểu cánh tả đòi hỏi một liên minh không có ông Jean-Luc Mélenchon.
Israel sẵn sàng chiến đấu cùng lúc nhiều mặt trận
Theo Les Echos, « Israel sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận ». Nhà nước Do Thái có thể bị các đồng minh của Iran tấn công từ mọi phía, ngay khi tung ra chiến dịch trên bộ để truy quét Hamas ở Gaza. Những chiếc vòi bạch tuộc của Teheran ở Liban, Syria, au Yemen, Irak và Cisjordanie đang trong tư thế báo động. Hôm Chủ nhật, ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo Hoa Kỳ và Israel sẽ tình hình sẽ trở nên « không thể kiểm soát » nếu đánh vào Gaza. Về phía Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin khẳng định « sẽ không ngần ngại phản ứng bằng quân sự » nếu có mưu toan mở rộng xung đột. Washington ra lệnh di tản các nhân viên không chính yếu tại đại sứ quán ở Irak.
Những ngày gần đây, phe Hezbollah ở Liban do Teheran tài trợ đã bắn rốc-kết, và toan đưa drone tự sát cùng biệt kích sang đất Israel. Quân đội Israel trả đũa bằng cách oanh tạc các vị trí Hezbollah, lập ra « no man’s land » dọc theo biên giới Liban. Hôm qua Tel Aviv cho sơ tán thêm 14 địa điểm dọc biên giới để phòng ngừa xâm nhập như Hamas ở miền nam. Thủ tướng Benyamin Netanyahou cảnh cáo « Nếu Hezbollah gây chiến sẽ là sai lầm lớn nhất trong đời ».
PUBLICITÉ
Tổ chức này đáng ngại hơn Hamas, vì có hơn 100.000 rốc-kết và hỏa tiễn có thể tấn công vào mọi nơi trên lãnh thổ Israel. Cũng để chận việc Iran chuyển vũ khí cho Hezbollah, hôm Chủ nhật Israel lại oanh tạc các phi trường ở Syria. Ở phía đông, hồi tháng 12/2022, Không quân Israel đã oanh kích một đoàn xe chở vũ khí từ Iran sang Irak để tiếp tế cho Hezbollah. Chưa hết, từ Yemen, nhóm Houtis bắn sang nhiều hỏa tiễn địa-địa và drone tầm xa vào đất Israel, nhưng bị một chiến hạm Mỹ ở Hồng Hải bắn hạ.
Tình hình ở Cisjordanie sôi sục với nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Hamas, Gaza và các mưu toan tấn công người Do Thái. Trong hai tuần lễ, 727 người Palestine ủng hộ Hamas bị bắt, 90 người thiệt mạng. Hôm thứ Bảy, lần đầu tiên kể từ hơn 20 năm phi cơ Israel oanh tạc vào một đền thờ Hồi giáo ở phía bắc Cisjordanie, nơi quân Hồi giáo núp trong một đường hầm chuẩn bị tấn công vào những người lính. Báo chí cho biết Israel và Mỹ đã lập một bộ chỉ huy hỗn hợp để trao đổi tin tức tình báo hàng ngày. Hoa Kỳ cũng cung cấp cho Israel thêm các hệ thống bắn chận hỏa tiễn.
Tấn công Gaza : Lực lượng tiên phong sẽ là xe ủi
Libération cho biết « Trước cuộc tấn công, những chiếc xe ủi của Tsahal chuẩn bị vào trận ». Là trung tâm của chiến lược quân sự từ gần 40 năm qua, những thiết bị công trường được vận dụng vào chiến đấu sẽ đóng vai trò quan trọng khi quân đội Israel tiến vào Gaza. Trước khi điều sang những chiếc xe tăng thế hệ mới nhất như Merkava Barak, và các tay súng thiện xạ, những đơn vị tinh nhuệ, Tsahal (quân đội Israel) có thể dựa vào một thiết bị có biệt danh là « gấu bông ». Đó là loại xe ủi D9 trang bị hùng hậu, sẽ đi đầu. Cao 4 mét và nặng 70 tấn, những chiếc D9 được bọc thép để chống mìn. Một số chiếc được gắn thêm súng máy, bổ sung cho các thiết bị phun khói và phóng lựu đã có. Buồng lái được bảo vệ bằng kính chống đạn, có hai chỗ ngồi. Những người lính điều khiển phải được tập huấn tám tuần.
Xe ủi này từng được dùng trong chiến tranh Việt Nam để phá rừng và mở đường. Hồi chiến tranh Kippour năm 1973, nhờ những chiếc D9 đột phá khẩu mà lính nhảy dù Israel giành lại được núi Hermon bị biệt kích Syria chiếm vài ngày trước đó.Đến năm 1986 xe ủi D9 mới được bọc thép và đến 2005 được trang bị thêm lớp rào chống rốc-kết. Từ chiến tranh Liban lần thứ hai năm 2006, bên cạnh những « con gấu bông » D9, các quân nhân Do Thái còn có thể điều khiển từ xa D9N, loại xe ủi tương tự có tên là « Raam HaSchachar » tức « Sấm sét rạng đông ». Trong chiến dịch « Chì đúc » kết thúc cuối 2009, khoảng 100 xe ủi D9 đã được huy động. Sau này một số D9 còn được gắn thêm Iron Fist, hệ thống bắn chặn hỏa tiễn chống tăng và drone.
Những con quái vật thép này có thể dùng vào việc gì trong chiến dịch tấn công vào Gaza ? Chuyên gia Pierre Servent nêu ra trận đánh Falloujah ở Irak tháng 11/2004, khi quân Mỹ phải đối phó với du kích Irak. « Những căn hộ thông nhau, quân du kích dùng địa đạo và gài mìn trên đường phố. Do vậy người Mỹ đã oanh tạc ồ ạt ». Nhưng sau khi phá hủy, những tòa nhà sụp đổ, những đống gạch vụn lấp kín đường tiến, công binh Mỹ giải quyết được nhờ mua những chiếc xe ủi D9 của đồng minh Do Thái. Kịch bản Gaza có thể tương tự.
Xung đột Israel-Palestine không chỉ giữa Ả Rập và Do Thái
Les Echos lo ngại về một loạt phản ứng dây chuyền trên thực địa cũng như về tâm lý. Tờ báo nhận định cuộc xung đột Israel-Palestine đã quay lại trên trường quốc tế. Không chỉ liên quan đến hai dân tộc cùng tranh chấp một mảnh đất, không chỉ là giữa thế giới Ả Rập với Do Thái, mà còn là giữa phương Tây với phần còn lại của thế giới.
Việc đưa tin về vụ nổ tại bãi đậu xe của một bệnh viện ở Gaza là minh chứng cụ thể. Những hình ảnh của kênh truyền hình Al Jazeera, nhận xét của các chuyên gia quân sự cho thấy không có gì nghi ngờ về nguyên nhân vụ nổ : đó là do một quả rốc-kết từ Gaza bị trật mục tiêu, chứ không phải hỏa tiễn của Israel. Bất chấp sự thật, nạn nhân là người Ả Rập thì trách nhiệm phải là « những kẻ theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ». « Đường phố Ả Rập » đã khiến hội nghị thượng đỉnh tại Amman bị hủy bỏ. Tuy nhiên tác giả cho rằng chuyến đi Tel-Aviv của tổng thống Joe Biden vẫn là thành công lớn, thậm chí có thể coi là « thời khắc Churchill » của ông – thương cảm các nạn nhân, ủng hộ mạnh mẽ, nhưng đồng thời cảnh báo Israel không để ý định báo thù cuốn đi như người Mỹ sau sự kiện ngày 11 tháng Chín.
Trong ván cờ đẫm máu đang diễn ra, mỗi bên đều có vai trò, nhưng chưa đủ để ngăn leo thang. Qatar khi đứng ra làm trung gian giúp phóng thích các con tin, biện minh được việc duy trì quan hệ với Hamas. Ả Rập Xê Út lên án cùng lúc Hamas và Israel vì làm tổn hại thường dân. Và Thổ Nhĩ Kỳ của Erdogan rắn giọng với Jérusalem. Nga quá hớn hở khai thác sự kiện (vì còn ai nói đến Ukraina bây giờ ?) để tranh thủ cảm tình của phương Nam. Trung Quốc tìm cách tham gia, thông qua sự thành công tương đối về việc giúp Ả Rập Xê Út và Iran xích lại gần nhau. Chỉ có châu Âu là lúng túng, không dám đối mặt với thiểu số Hồi giáo.
Bị sỉ nhục, quân đội Israel quyết tâm tiêu diệt Hamas bằng bất kỳ giá nào về nhân mạng và chính trị. Bi kịch có thể làm các nhà lãnh đạo Israel và Ả Rập nhận ra thực tế : không thể có hòa bình nếu không có giải pháp cho vấn đề Palestine. Sau vụ thảm sát ngày 07/10, giải pháp hai Nhà nước trở thành ảo ảnh hơn bao giờ hết, nhưng lại là hy vọng duy nhất, theo tác giả.
Hamas và « trục nhào nặn thông tin » Nga-Iran-Trung Quốc
Cũng về Trung Đông, giáo sư David Colon của Science Po khi trả lời Libération nhấn mạnh « Chống lại Israel, Hamas hy vọng ít nhất là thắng được cuộc chiến dư luận thế giới ». Tại Ukraina cũng như tại Israel, hai cuộc chiến diễn ra song song và tác động lẫn nhau : trên thực địa và trên internet, được đẩy mạnh với tin giả và tuyên truyền, như vụ khủng bố đẫm máu của Hamas hôm 07/10 đã được đội ngũ dư luận viên của Iran và Nga lan tỏa rộng trên Twitter.
Các chuyên gia cảnh báo sức mạnh đang tăng lên của « trục bóp méo thông tin Matxcơva-Teheran-Bắc Kinh », cộng với các chiến dịch chiến tranh mạng của Nhà nước hay không chính thức, tình báo, và những thủ đoạn có được nhờ trí thông minh nhân tạo. Cũng như Daech, Hamas công bố hàng loạt những hình ảnh thảm khốc để tạo khủng hoảng, và khi Israel trả đũa thì đóng vai người bị hại với những hình ảnh giả và thật về các nạn nhân Palestine. Libération đặt vấn đề, từ sau vụ nổ ở bệnh viện, liệu có thể tin được con số thiệt hại do Hamas đưa ra hay không ? Phe này khẳng định có 500 người Palestine thiệt mạng, trong khi tình báo châu Âu ước tính « từ 10 đến 50 », còn Mỹ nói rằng « chỉ từ 100 đến tối đa là 300 ».
Giáo sư Colon cho rằng Nga và Trung Quốc đang định hướng dư luận thế giới, vừa bằng ngoại giao, truyền thông quốc tế, vừa bằng đội ngũ dư luận viên, chiến tranh mạng, những nhân vật gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Theo ông, công cụ quan trọng nhất của Bắc Kinh hiện nay là TikTok với 1,7 tỉ người sử dụng, tuy bị cấm ở Hoa lục. Tuân theo các ưu tiên của Trung Quốc, ứng dụng này là « vũ khí hủy diệt hàng loạt », thu thập được vô số dữ liệu đồng thời thu hút sự chú ý. Nền tảng này không cho chọn lựa nội dung, mà do thuật toán quyết định.
Biden tìm cách « lách » để giúp Ukraina
Les Echos nhận thấy « Hoa Kỳ sẵn lòng giúp Israel hơn là Ukraina ». Các dân biểu Cộng Hòa Mỹ ngần ngại không muốn giúp thêm cho Kiev dù vô cùng cần thiết, ngược lại sẵn sàng cứu viện Tel-Aviv. Vụ thảm sát 1.400 người Do Thái hôm 07/10 gây xúc động lớn tại Hoa Kỳ, gợi nhớ đến vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín. Quân đội Israel là một trong những đội quân trang bị tốt nhất thế giới, một phần nhờ viện trợ quân sự Mỹ, đã lên đến 124 tỉ đô la kể từ khi Nhà nước Do Thái được thành lập.
Quốc gia chỉ có 9 triệu dân này đã mua 50 tiêm kích F-35. Israel cũng là nhà xuất khẩu vũ khí, cùng chế tạo hệ thống lá chắn hỏa tiễn với Mỹ trong đó có Vòm Sắt. Đó là một đồng minh quan trọng tại Cận Đông. Còn Ukraina, một nước thuộc Liên Xô cũ, không phải là đối tác lịch sử của Hoa Kỳ cả về chiến lược lẫn quân sự. Hơn nữa sau gần hai năm chiến tranh, chính quyền Biden đã viện trợ quân sự rất nhiều, đến nay là 25 tỉ đô la trong khi trước đó chỉ khoảng 300-400 triệu. Nhưng vẫn không thể đủ, Washington biết điều đó : Ukraina phải bắn khoảng 6.000 quả đạn một ngày, còn phía Nga gấp đôi.
Để so sánh, thế thượng phong của Israel đối với Hamas là rất rõ, dù chiến dịch chống khủng bố ở Gaza sẽ phức tạp. Để có thể viện trợ bổ sung 24 tỉ đô la cho Ukraina, Biden bèn kết hợp với những hồ sơ khác dễ thông qua hơn. Dự kiến sẽ đề nghị một gói viện trợ khoảng 100 tỉ đô la, chia ra cho Ukraina, Israel, Đài Loan và chống di dân từ biên giới Mêhicô. Khi quan điểm chiến lược không thể thuyết phục được, thì phải dùng đến chiến thuật. Trả lời Les Echos, nhà quan sát người Thụy Điển nhấn mạnh, « Hòa bình không thể tạo ra bằng cách xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina ».
Hàn Quốc, nước xuất khẩu vũ khí mới
La Croix chú ý đến việc Hàn Quốc nay trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí thứ 7 trên thế giới, và đang hy vọng nhảy lên thứ 4. Một doanh nhân Pháp cho biết rất kinh ngạc khi quốc gia châu Á này có thể cung cấp xe tăng, thiết giáp, đại bác, tiêm kích, chiến hạm, đạn dược…với số lượng lớn. Cuộc xâm lăng Ukraina đã khiến kỹ nghệ quốc phòng Hàn Quốc đạt 17 tỉ đô la xuất khẩu trong năm 2022. Không chỉ giá cả cạnh tranh, Seoul cũng không ngần ngại xuất hàng dự trữ để đáp ứng hợp đồng. Nhà nghiên cứu Paik Wooyeal ở Seoul cho rằng nhờ trong tình trạng thường trực đối phó với Bắc Triều Tiên, kỹ nghệ vũ khí Hàn Quốc luôn sẵn sàng, tuy nhiên khó thể duy trì tốc độ này lâu dài.
Indonesia : Con cờ của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương ?
Tại Đông Nam Á, Le Monde nhận thấy khi tham gia « Con đường tơ lụa mới », tổng thống Joko Widodo với tham vọng lưu danh trong lịch sử, đã chấp nhận số đầu tư kỷ lục từ Trung Quốc. Ông được mệnh danh là « Jokowi » và cả « Bapak Infrastruktur » (nhân vật của cơ sở hạ tầng). Nhưng mọi việc không như ý muốn : tuyến tàu cao tốc Jakarta-Bandung không hoàn thành như thời hạn đã hứa là năm 2019, giá thành từ 6,1 tỉ đô la nay phải cộng thêm 1,2 tỉ nữa. Liên tục xảy ra sự cố kỹ thuật, tháng 12/2022 một toa tàu bị trật bánh khiến hai kỹ thuật viên thiệt mạng ; xung đột liên miên với những người dân bị tịch thu đất.
Hoa Vi (Huawei) bị cấm cửa ở nhiều nước phương Tây, có được những hợp đồng béo bở tại Indonesia ; Trung Quốc tha hồ khai thác các mỏ nickel để sản xuất bình điện cần thiết cho xe hơi chạy điện. Theo luật gia Daniel Peterson, Jakarta nay là « trung tâm mục tiêu địa chính trị của Trung Quốc » ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mới đây Tập Cận Bình đã nhắc lại đề nghị tổ chức đối thoại thường xuyên giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước, như Indonesia đang thực hiện với Nhật Bản, Úc và Pháp.