Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 05 tháng 12 năm 2023
Quê Hương tổng hợp
Tố đàn áp tôn giáo, Thạch Chanh Đa Ra bị Giáo hội Phật giáo khai trừ
04/12/2023
Thạch Chanh Đa Ra
Báo đảng đưa tin, Thạch Chanh Đa Ra, nhà sư người Khmer ở tỉnh Vĩnh Long, không được công nhận là tu sĩ Phật giáo do “vi phạm rất nghiêm trọng giới luật“, cụ thể là “tố cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc”.
Ngày 4/12, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Bình công bố quyết định không công nhận Thạch Chanh Đa Ra, 33 tuổi, đang tu học tại chùa Đại Thọ, huyện Tam Bình, là tu sĩ thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do “vi phạm rất nghiêm trọng giới luật và pháp luật của Nhà nước.”
Thạch Chanh Đa Ra bị yêu cầu trao trả giấy chứng nhận tăng ni, các chứng điệp thọ giới, chứng nhận an cư kiết hạ và con dấu của chùa Đại Thọ.
Theo cáo buộc của báo đảng, trước đó vào chiều 22/11, giới chức huyện Tam Bình đến chùa Đại Thọ làm việc thì bị Thạch Chanh Đa Ra “khống chế, hành hung gây thương tích, nhốt vào chánh điện.”
Thời điểm đó, Thạch Chanh Đa Ra tố cáo chính quyền đàn áp tôn giáo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc.
Vài giờ sau, các thành viên tổ công tác mới được thả ra.
Một trang tin khác dẫn lời Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh, sư quốc doanh, cho biết: “Sư [Thạch Chanh Đa Ra] không bao giờ hợp tác với chính quyền địa phương các cấp trong những ngày lễ tết cổ truyền hay là ngày lễ Sen Đôn Ta và các ngày tết cổ truyền đồng bào Khmer sư cũng không đón tiếp các phái đoàn nhà nước đến để chúc mừng trong các ngày hội lễ hội ấy”.
Hồi cuối năm ngoái, một số trang tin do chính quyền quản lý, cho biết hồi ba năm trước, Thạch Chanh Đa Ra cho khởi công Ngôi Giảng Đường trên phần đất của bà Thạch Thị Xà Bách ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, và có đặt tượng Phật tại đây.
Huyện Tam Bình sau đó đến yêu cầu di dời các tượng Phật ra khỏi khu đất.
Các trang của chính quyền đồng loạt phê phán nhóm sư Khmer do Thạch Chanh Đa Ra “cầm đầu”, “sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn đánh vào tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân trên địa bàn, huy động được một số sư sãi và người dân để phục vụ quá trình xây dựng và gây khó khăn cho công tác xử lý của cơ quan chức năng, mục đích cuối cùng là chống phá Đảng, Nhà nước”.
‘Trong đảng CSVN hiện chỉ còn 2 loại người’
05/12/2023
Nguyễn Phú Trọng chỉ khoái nghe những lời xu nịnh
Một là: Loại người thiếu tỉnh táo, vẫn mang một đức tin tôn giáo, coi cộng sản như một tôn giáo vĩnh hằng, vẫn sắt son tin vào giáo điều cộng sản. Sự cuồng tín của loại người này thể hiện rất rõ ở đám dư luận viên và lực lượng công an bị nhồi sọ để trở thành công cụ bạo lực chuyên chính vô sản.
Đám dư luận viên kéo đàn kéo lũ như lũ thiêu thân lao vào ngọn đèn, lao vào nguồn sáng sự thật, hòng dập ánh sáng, quyết che ánh sáng sự thật, bảo vệ sự tăm tối của học thuyết cộng sản.
Công an tàn bạo vung gậy sắt vụt vỡ xương chân cô gái nhỏ bé yếu ớt Phạm Đoan Trang chỉ vì cô nói tiếng nói hợp pháp của quyền con người, quyền công dân, đủ thấy họ u mê, cuồng tín giáo điều như thế nào.
Loại người u mê cuồng tín cộng sản này cho dù còn khá đông nhưng chỉ là công cụ, là Thiên Lôi, chỉ đâu đánh đấy, không có quyền lực nhà nước, không có vai trò gì, không nguy hiểm.
Hai là: Loại người đủ tỉnh táo, tinh khôn nhận ra ảo tưởng hão huyền, viển vông của học thuyết cộng sản. Họ biết rõ chẳng đời thuở nào có chủ nghĩa xã hội trong đời thực cả.
Trong nền sản xuất nông nghiệp manh mún với những đảng viên cộng sản còn lèn chặt căn tính tiểu nông thì chủ nghĩa xã hội chỉ là cái bánh vẽ để đảng cộng sản cầm quyền ru ngủ dân chúng và là ngọn roi bạo lực chuyên chính vô sản để nhà nước cộng sản quất roi, lùa đàn cừu dân chúng mà thôi.
Loại đảng viên tinh khôn cũng đủ nhạy bén để biết rằng học thuyết cộng sản đã đến hồi cáo chung. Vài đảng cộng sản còn cầm quyền được ngày nào biết ngày ấy đang trở thành chuyến tàu vét lợi ích cuối cùng cho những người có thế lực trong đảng và họ phải bằng mọi cách leo lên bằng được con tàu quyền lực vét lợi lộc chuyến cuối cùng.
Cuộc chạy chức ngang nhiên, ráo riết, rầm rộ đang diễn ra để chui vào con tàu quyền lực trong chuyến tàu vét. Vốn tinh ranh, đám chạy chức cũng thừa ma mãnh để nhận ra rằng chỉ có con đường chạy chức bằng tổ chức đảng mới mau lẹ và hiệu quả.
Phạm Đình Trọng
Những tượng đài đổi mới sáng tạo
Kỹ sư Dương Ngọc Thái
05/12/2023
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Hòa Lạc (nguồn hình)
(Tặng những người quen cũ, nhân dịp khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia ở Hòa Lạc. Cảm ơn VNEXPRESS đã đăng một phiên bản của bài này)
Hai mươi năm trước, tôi mở công ty công nghệ cùng vài người bạn, làm giám đốc ở tuổi đôi mươi. Công ty có bảy người, ai cũng chức danh đầy mình. Hồi đó cơn sốt startup chưa lan đến Việt Nam, nếu không tôi cũng đã tự phong cho mình là founder.
Chúng tôi dành nhiều thời gian làm website công ty, thiết kế logo, chọn slogan, in danh thiếp, tạo địa chỉ email, mở văn phòng, mua bàn ghế, sắm máy móc thiết bị, ký giấy tờ phân chia cổ phần, quyền hạn và trách nhiệm.
Nói chung, chúng tôi có đầy đủ những gì một doanh nghiệp phải có, chỉ thiếu mỗi khách hàng. Kết quả, công ty dẹp tiệm, không tạo ra đồng doanh thu nào.
Lần thứ hai mở công ty, tôi không làm những thứ râu ria, màu mè, tập trung 100% tìm kiếm và phục vụ khách hàng. Công ty làm đến năm thứ hai mới có website, năm thứ ba mới có văn phòng nhỏ, chẳng ai có chức danh gì, ngoại trừ khi cần giao tiếp với khách.
Chúng tôi chỉ làm những gì vừa đủ để vận hành công ty, tập trung tạo doanh thu, mở rộng thị trường, thu hút tài năng. Đến hôm nay, chúng tôi đã có một đội ngũ đủ tốt, doanh thu tạm ổn, khách hàng hài lòng.
Giữa hai trải nghiệm này là gần 12 năm tôi làm việc ở Google. Google nổi tiếng với văn phòng đẹp, nhưng ít ai biết trong phần lớn lịch sử, Google chỉ thuê chỗ, sửa sang lại, chứ không xây mới.
Google làm ăn hối hả gần 20 năm, lên đỉnh cao mới tính xây trụ sở vào năm 2015. Vậy mà lúc đó vẫn có nhiều ý kiến lo ngại rằng công ty đã hết khả năng sáng tạo, không còn biết làm gì mới lấy tiền đi xây nhà.
Mấu chốt kinh doanh thành công là làm ra thứ nhiều người muốn. Các công ty ở Silicon Valley không vội xây trụ sở, vì có xây 10 tòa nhà cũng không thể giúp họ giải quyết đúng vấn đề thế giới đang cần.
Làm ra cái nhiều người muốn là một quá trình mơ hồ, tốn tiền, dễ thất bại. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết, một nửa số doanh nghiệp mới thường đóng cửa trong vòng năm năm và 65% sẽ dẹp tiệm trong vòng một thập kỷ. Lý do thứ nhất: làm ra thứ chẳng ai cần. Lý do thứ hai: hết tiền. Chưa có công ty chết vì thiếu văn phòng.
Mỗi năm, Singapore tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề lớn của an ninh mạng. Chính phủ Singapore cam kết cấp vốn lên đến một triệu SGD, không hoàn lại và cũng không nhận bất kỳ quyền lợi hay cổ phần của các dự án. Yêu cầu duy nhất, nhưng rất khôn ngoan, là các đội phải đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Singapore và phải thuê ít nhất 50% nhân lực là người Quốc đảo. Tôi biết đã có ít nhất một đội từ Việt Nam được chọn, hiện vẫn đang làm ăn như doanh nghiệp Singapore.
Chính phủ Mỹ cũng có nhiều chương trình tài trợ trực tiếp, cắt giảm hay hoàn thuế cho startup và doanh nghiệp nhỏ. Chương trình Small Business Innovation Research ra đời năm 1982, mỗi năm vẫn đang giải ngân trung bình 2,5 tỷ USD cho các công ty nhỏ để thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực.
Một chuyên gia nói với tôi rằng Việt Nam không thể làm như các nước, vì ai nhận tiền ngân sách mà làm ăn thua lỗ sẽ phải chịu trách nhiệm, có thể bị đi tù. Có lẽ trước tiên, nhà chức trách cần rà soát lại và đổi mới những quy chế đang trói chân sáng tạo. Không thể tạo ra cái mới trên nền tư duy cũ.
“Build something people want” là tôn chỉ của Y Combinator, vườn ươm công nghệ tư nhân đã tạo ra hàng loạt siêu kỳ lân chục tỷ USD như Dropbox, Stripe, Airbnb, Doordash… Họ được coi như tượng đài đổi mới sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề thiết thực của thế giới, dù sau lưng họ là hàng nghìn công ty đã chết.
Muốn kích thích sáng tạo thì phải bớt màu mè và sẵn lòng chào đón thất bại. Bằng không, tôi e Việt Nam sẽ chỉ xây dựng được những tượng đài đổi mới sáng tạo không giải quyết được vấn đề cấp thiết nào.
Ông Chủ tịch nước đang ‘tự diễn biến’?
Nguyễn Nam /VNTB
05/12/2023
“Cấp dưới cứ lựa nói đúng ý cấp trên thì nguy hiểm cho Đảng, đất nước”… Sáng 4-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Tại Hội nghị này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có diễn giải trước đám đông rằng, “Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa theo, coi ông cấp trên ông nghĩ gì để mà nói thì tôi nghĩ cái đó nguy hiểm cho Đảng, cho đất nước. Và người ta nói đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít và không lắng nghe sự thật” (…)
“Chỗ nào không có dân chủ, chỗ đó không có đoàn kết thực sự. Tôi dám khẳng định với các đồng chí như thế. Mà cái này nói các đồng chí đừng buồn, chắc chỗ này chỗ kia cũng có chứ không phải không đâu, thậm chí còn nặng nề. Bàn chuyện gì cứ đi hỏi thủ trưởng nghĩ cái này thế nào để vô phát biểu cho trúng ý thủ trưởng. Dự cuộc họp mà không thẳng thắn, không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ. Cái đó không nên”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ‘nói vo’ theo đúng cách quen thuộc của một cán bộ tuyên giáo Đảng.
Cá nhân người viết cho rằng bản thân ông Chủ tịch nước ở thời gian tới, giả dụ như lại nói về vấn đề trên, thì rất cần thêm vào một ý đại khái, “Nói đi cũng nên nói lại, rất nhiều ông cán bộ cấp trên lại rất thích cấp dưới anh nào đoán được ý mình, biết mình thích gì, cần gì, sở thích gì… để nói, để làm, để chu đáo… Đây cũng là những cán bộ gây nên những hệ lụy nguy hiểm”. Trở lại với chuyện lúc ông Võ Văn Thưởng còn là Thường trực Ban Bí thư, khi ấy ông cũng thuộc nhóm đảng viên “phát biểu trúng ý thủ trưởng”.
Đơn cử, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 26-1-2021, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII. Trong báo cáo này có đoạn mà từ đó về sau thường xuyên được ông Nguyễn Phú Trọng rất thích nhắc đến như kiểu thành tích báo công trạng: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tại Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết số 23), diễn ra ngày 24-2-2023, tại Hà Nội, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đăng đàn với nhấn mạnh: “Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc và quan trọng. Những kết quả thực hiện Nghị quyết đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đổi mới, góp phần để “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay” – như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng…”.
Tuần lễ sau đó, trong bản tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng có đoạn mà chỉ cần thoáng qua thì ai cũng hiểu ông đang nịnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến mức độ nào:
“Nguyện không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; mãi mãi ghi ơn những hy sinh công lao to lớn của các bậc lãnh đạo tiền bối, của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người Việt Nam yêu nước để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tự hào về cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, càng nhận thức sâu sắc về yêu cầu, nhiệm vụ khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, càng quyết tâm để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nước ta trở thành nước phát triển thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Quan sát trên báo chí, chưa thấy đảng viên Võ Văn Thưởng có ý kiến băn khoăn, rằng nếu đúng như đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, vậy thì vì sao nợ công quốc gia theo ghi nhận của trang đồng hồ nợ công trên thế giới, bình quân mỗi người dân Việt Nam đang phải nợ tương đương 4.521 USD, quy đổi vào khoảng 105.759 đồng Việt Nam theo tỷ giá chiều ngày 4-12-2023.
Hay là lại giải thích nhờ “uy tín quốc tế” nên mới có thể vay nợ khẳm đến vậy trong “gầy dựng cơ đồ”?
https://vietnamthoibao.org
14 tháng tù cho thiếu tá Không quân tông chết nữ sinh
05/12/2023
Bị cáo Hoàng Văn Minh, thiếu tá Không quân
Thiếu tá Không quân bị kết án 14 tháng tù do lái xe tông chết nữ sinh ở tỉnh Ninh Thuận, trong lúc vợ và chú ông này thoát án do “nói dối rất ngắn.”
Tòa án Quân sự khu vực 2, Quân khu 5, tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Minh, thiếu tá Không quân, lái xe tông chết nữ sinh lớp 12 ở tỉnh Ninh Thuận, 14 tháng tù, buộc bồi thường 245 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Theo nhận định của hội đồng xét xử, sau khi xảy ra vụ tai nạn, ông Minh “ứng xử không đúng quy định pháp luật khi nhờ người nhận lái xe hơi thay mình, làm xấu hình ảnh của một quân nhân.”
Do vậy cần phải cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian mới đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Vụ tông xe xảy ra vào cuối Tháng Sáu năm ngoái tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm khiến các báo thoạt đầu đưa tin úp úp mở mở, thậm chí đưa tin giả nhằm đổ lỗi cho nạn nhân, do nghi can được xác định là Hoàng Văn Minh, 37 tuổi, thiếu tá thuộc Trung Đoàn 937, Sư Đoàn 370 của Không Quân Việt Nam.
từ ba bị cáo trong phiên tòa bị hoãn hồi Tháng Tám, nay chỉ còn bị cáo Minh phải hầu tòa. Hai người thoát án là ông Phạm Văn Võ, chú ruột của bị cáo Minh, và bà Huỳnh Thị Kim Hằng, vợ ông Minh.
Ông Võ và bà Hằng thoạt đầu bị Viện Kiểm Sát cáo buộc “khai báo gian dối” nhưng nay sau khi tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì bỗng nhiên được đình chỉ điều tra.
Bản tin của Tuổi Trẻ giải thích lý do rằng hai bị can nêu trên “phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, đều có nhân thân tốt.”
Cả ông Võ và bà Hằng được ghi nhận là “nhận thức được sai phạm, thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải,” nên việc miễn truy tố họ “có căn cứ, đúng pháp luật.” Với việc hủy bỏ lệnh truy tố hai bị can này, việc giải quyết vụ án được cho rằng “đã bảo đảm khách quan, toàn diện, đầy đủ.”
Cáo trạng của Viện Kiểm Sát Quân Sự Khu Vực 2 Quân Chủng Phòng Không-Không Quân cho hay vào sáng 28 Tháng Sáu năm ngoái, bị cáo Hoàng Văn Minh lái xe hơi trên đường 16 Tháng Tư ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Khi đến gần cổng ngân hàng VietinBank Ninh Thuận, ông Minh bất cẩn khi rẽ phải để vào ngân hàng thì tông vào xe gắn máy do em Hồ Hoàng Anh đang chạy cùng chiều.
Cú tông xe làm em Hoàng Anh ngã xuống đường, va vào trụ đèn và thiệt mạng vào trưa cùng ngày.
Ông Phạm Văn Võ được ghi nhận xuất hiện tại hiện trường và nhận làm người lái xe hơi do “nể nang trước lời đề nghị của người cháu.”
Luât sư Đặng Đình Mạnh đặt câu hỏi: “Vụ thiếu tá nghe phone lái xe hơi tông chết nữ sinh ở Ninh Thuận. Hai người nhà khai gian đã được miễn tố vì lý do “Nói dối rất ngắn”. Nó nằm trong quy định nào vậy Ninh Thuận? Nếu lúc đó không có clip tai nạn tung ra thì có nói dối ngắn không?”
Nữ phiên dịch lĩnh 16 năm tù trong vụ lừa bán chín người sang Campuchia
RFA
05/12/2023
Lý Phương Thảo tại phiên tòa.
Giao thông
Một nữ phiên dịch viên tiếng Trung có tên Lý Phương Thảo, trú tại thành phố Hồ Chí Minh vừa bị tuyên phạt 16 năm tù về tội mua bán người qua Campuchia.
Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng ngày 4/12 đã mở phiên xử sơ thẩm bị cáo Lý Phương Thảo và tuyên phạt Thảo án tù về tội “Mua bán người”. Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong cùng ngày.
Bà Thảo bị cáo buộc lừa bán chín người sang Campuchia, hưởng lợi bất chính 2.700 USD.
Theo cáo trạng, Thảo là phiên dịch viên tiếng Trung, đã sang Campuchia nhiều lần để làm việc cho các công ty Trung Quốc tại đây.
Cáo trạng được báo Nhà nước trích dẫn cho biết, từ quảng cáo trên mạng, Thảo biết một công ty Trung Quốc đang có nhu cầu tuyển người nên tìm hiểu và biết nếu môi giới đưa được người đến làm việc tại công ty này sẽ được hưởng lợi 300 – 500 USD/người. Thảo chỉ cần tìm lao động đưa đến, mọi chi phí phát sinh phía doanh nghiệp trả.
Nảy sinh ý định môi giới lao động trái phép, biết Trương Phương Khanh. đang tìm việc làm, Thảo liên hệ, đặt vấn đề làm việc tại công ty Trung Quốc ở tỉnh Sihanouk, Campuchia và hứa hẹn công việc là nhập dữ liệu, tìm, chăm sóc khách hàng; lương 850 – 1.200 USD/tháng, được tăng lương sau ba tháng, chi phí ăn ở công ty lo… Khanh đồng ý, báo cho bốn người thân và cùng đi.
Sau đó, Thảo yêu cầu nhóm của Khanh vào TP.HCM, đi Tây Ninh rồi trốn sang Campuchia.
Đến được công ty tại Campuchia, nhóm của Khanh mới biết mình bị lừa. Còn Thảo nhanh chóng tách đoàn, về nước để tiếp tục môi giới.
Cáo trạng cáo buộc, từ ngày 8/12 đến 20/12/2020, với phương thức trên, Thảo đã lừa chuyển giao chín người Việt Nam cho công ty Trung Quốc, hưởng lợi 2.700 USD.
Thêm sáu phòng giao dịch của ngân hàng SCB đóng cửa hoạt động từ ngày 6/12
RFA
05/12/2023
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) liên tiếp thông báo về việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch tại Hà Nội và nhiều địa phương khác
Công Thương
Nhiều phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ đóng cửa từ ngày 6/12.
Truyền thông Nhà nước loan tin trên trong ngày 5/12 dựa theo nội dung thông báo chấm dứt hoạt động sáu phòng giao dịch tại TPHCM của SCB phát hành cùng ngày.
Theo đó, các phòng giao dịch của SCB sẽ không hoạt động từ ngày 6/12 gồm: Thị Nghè chi nhánh Tân Định, phòng giao dịch Hiệp Thành chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch An Hội chi nhánh Hóc Môn, phòng giao dịch Lũy Bán Tích chi nhánh Thống Nhất.
Trước đó, SCB đã thông báo chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch Bảy Hiền chi nhánh Thống Nhất và phòng giao dịch Nguyễn Thông chi nhánh Phạm Ngọc Thạch từ ngày 2/12.
Từ đầu tháng 6 đến nay SCB đã thông báo đóng cửa 39 phòng giao dịch tại chín tỉnh thành, gồm: TPHCM 27 phòng giao dịch, Hà Nội 5 phòng giao dịch, Hải Phòng 1 phòng giao dịch, Nghệ An 1, Bình Định 1, Đồng Nai 1, Đà Nẵng 1, Gia Lai 1 và Long An 1 phòng giao dịch.
Việc đóng cửa hoạt động của các phòng giao dịch của SCB là hệ lụy từ vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan đến việc khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn này.
Theo kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) – Bộ Công an, trước năm 2011, bà Trương Mỹ Lan – dù không giữ chức vụ quản lý, nhưng chi phối toàn bộ sắp xếp nhân sự cấp cao tại SCB.
Cơ quan điều tra cáo buộc bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn từ người dân và tổ chức, sau đó sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân của mình. Bằng cách lập hồ sơ vay vốn giả mạo, bà này đã chiếm đoạt 93% số tiền cho vay của Ngân hàng SCB.
Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB, chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng. Bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.
Trong vụ án lừa đảo này, Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam nữ doanh nhân Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trương Huệ Vân – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor; Hồ Bửu Phương – nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP chứng khoán Tân Việt, Nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…
Vụ bắt giữ các lãnh đạo Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã dẫn đến làn sóng người đến đòi tiền tiếp kiệm tại các chi nhánh của SCB trên toàn quốc.
Bộ Công an cho biết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu.