Tin tức thế giới Thứ năm 14/10/2021 – Võ Thái Hà


Spread the love

WHO công bố nhóm điều tra đại dịch COVID-19 mới

https://news.vietluan.com.au/wp-content/uploads/2021/10/nghien-cuu-tai-vien-vi-trung-vu-han.jpg

Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố vào hôm thứ Tư (13/10) một nhóm các nhà khoa học nhằm điều tra các mầm bệnh mới và ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, đồng thời tiếp tục việc điều tra bị đình trệ về nguồn gốc của COVID-19.

Nhóm 26 chuyên gia sẽ chịu trách nhiệm tạo ra một khuôn khổ toàn cầu cho các nghiên cứu về nguồn gốc của các mầm bệnh mới và những mối nguy tiềm ẩn của đại dịch trong tương lai. Nó cũng bao gồm việc tìm hiểu thêm về nguồn gốc virus Vũ Hán.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng COVID-19, ngày càng có nhiều mầm bệnh có nguy cơ cao xuất hiện hoặc tái xuất hiện trong những năm gần đây, bao gồm MERS, virus cúm gia cầm, Lassa, Marburg và Ebola.

Đầu năm nay, WHO đã thông báo rằng họ sẽ thành lập một Nhóm Tư vấn Khoa học về Nguồn gốc của tác nhân gây bệnh mới (SAGO).

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự xuất hiện của các loại virus mới có khả năng gây ra các vụ dịch và đại dịch là một sự thật của tự nhiên, và mặc dù SARS-CoV-2 là loại virus mới nhất, nhưng nó sẽ không phải là cuối cùng”.

“Hiểu được các mầm bệnh mới đến từ đâu là điều cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.”

26 thành viên mà WHO đưa ra được lựa chọn từ hơn 700 đơn ứng tuyển trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. Trong số này có cả nhà khoa học đến từ Viện di truyền học Bắc Kinh, và một số chuyên gia trong phái đoàn nghiên cứu chung điều tra nguồn gốc của COVID-19 trước kia.

Nhóm sẽ cung cấp cho WHO một đánh giá độc lập về tất cả các phát hiện khoa học và kỹ thuật hiện có từ các nghiên cứu toàn cầu về nguồn gốc của COVID-19.

Nhóm cũng tư vấn cho cơ quan y tế Liên Hợp Quốc về việc phát triển, giám sát và hỗ trợ loạt nghiên cứu tiếp theo về nguồn gốc của virus, cũng như lời khuyên về các nghiên cứu bổ sung.

Đại dịch đã giết chết hơn 4,85 triệu người và tàn phá nền kinh tế toàn cầu kể từ khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019.

Sau nhiều thời gian trì hoãn, một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Vũ Hán vào tháng 1 năm 2021 để đưa ra báo cáo giai đoạn đầu, được viết cùng với các đối tác Trung Quốc.

Báo cáo tháng 3 của nhóm này đã không đưa ra kết luận chắc chắn nào, nhưng cho biết nhiều khả năng virus đã lây nhiễm từ dơi sang người thông qua một động vật trung gian.

Tuy nhiên, cuộc điều tra vấp phải sự chỉ trích vì thiếu tính minh bạch và khả năng tiếp cận cũng như không đánh giá sâu hơn lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Vào tháng 8, Trung Quốc đã bác bỏ lời kêu gọi của WHO về một cuộc điều tra mới trên thực địa về nguồn gốc của COVID-19.

Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết SAGO sẽ khẩn trương đánh giá những gì hiện đã biết, những gì vẫn chưa được biết và những gì cần nhanh chóng được thực hiện.

Michael Ryan, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết đây có thể là “cơ hội cuối cùng để hiểu nguồn gốc của loại virus này”.

Trước đó, hôm thứ Tư, Chen Xu, đại sứ của Trung Quốc tại LHQ tại Geneva, nói rằng công việc của SAGO không nên bị “chính trị hóa”.

Ông Xu cho biết kết luận của nghiên cứu chung trước kia đã rõ ràng và các đội điều tra quốc tế đã được cử đến Trung Quốc 2 lần và giờ “đã đến lúc cử họ đến những nơi khác.”

Lê Vy (theo AFP)

Mâu thuẫn kéo dài giữa nông dân Ấn Độ và chính phủ 

Cách đây hơn một năm, chính phủ Narendra Modi đã làm phật lòng các tổ chức nông dân khắp miền bắc Ấn Độ bằng cách khởi động một bộ ba cải cách thị trường nông nghiệp. Kết quả là hàng trăm nghìn người biểu tình ở Delhi gần như liên tục kể từ tháng 11.

Giờ đây người ta không còn nhắc đến giá cây trồng nữa do Tòa án Tối cao đã đình chỉ các quy định mới vào tháng 1. Dù vậy tình hình lại càng trở nên bế tắc. Trong tháng này, một chiếc SUV của một bộ trưởng chính phủ đã lao vào người biểu tình ở bang Uttar Pradesh, tạo ra một cuộc hỗn chiến khiến tám người thiệt mạng. Những nông dân thiệt mạng, giống như nhiều người biểu tình xung quanh Delhi, đều theo đạo Sikh. Do đó phe ủng hộ ông Modi, gồm một bộ phận người Hindu sùng đạo, đã miệt thị họ là “bọn phản quốc”. Thủ hiến Uttar Pradesh, một đồng minh của ông Modi, đang ra tái tranh cử trên nền tảng luật pháp và trật tự. Song cảnh sát dưới quyền ông lại không mạnh tay thiết lập trật tự, có lẽ vì không muốn đụng đến người ủng hộ ông Modi.

Pháp xuất hiện một nhân vật giống Trump

Người Pháp sẽ chú ý theo dõi những động thái tiếp theo của Eric Zemmour, một nhân vật truyền hình chống nhập cư. Ông đã tự phong mình là Donald Trump của Pháp. Không đảng phái, phát biểu không kiểm soát và không quan tâm đến tính đúng đắn chính trị, ông Zemmour đang thách thức Marine Le Pen bằng cách làm cho nhà lãnh đạo cực hữu trông quá mềm mỏng. Cho đến nay có vẻ như ông đang thành công. Một cuộc thăm dò hôm 6 tháng 10 đã xếp ông cao hơn cả bà Le Pen cho vòng một cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 tới, chỉ sau tổng thống Emmanuel Macron.

Trong khi bà Le Pen cố gắng sửa sang hình ảnh của đảng mình, ông Zemmour lại tìm cách khiêu khích. Là người gốc Do Thái-Algeria, ông đã tuyên bố chính phủ Vichy bảo vệ người Do Thái ở Pháp, và rằng Hồi giáo không thể tương thích với xã hội Pháp. Ông đã trở thành chủ đề của các chương trình truyền hình sôi động mà ông từng dẫn. Với chỉ sáu tháng còn lại, cuộc đua hứa hẹn sẽ rất tồi tệ và đầy chia rẽ.

FDA họp bàn việc tiêm nhắc lại vắc-xin covid-19

Trong hai ngày tới một ủy ban cố vấn của FDA Hoa Kỳ sẽ họp để đánh giá công dụng tiêm nhắc lại của hai loại vắc-xin do Moderna và Janssen sản xuất. Ủy ban cũng sẽ xem xét có nên chỉ tiêm nhắc lại cùng hãng hay không. Bằng chứng từ Châu Âu cho thấy trộn thuốc là an toàn và thậm chí có thể hiệu quả hơn so với chỉ một hãng duy nhất. Song ủy ban sẽ không bỏ phiếu về chiến lược tiêm trộn này, mà chỉ xem xét có nên cho phép tiêm nhắc lại hay không.

Nếu họ bỏ phiếu ủng hộ và FDA chấp thuận, thì vào ngày 20 và 21 tháng 10, một ủy ban khác tại CDC sẽ họp để xác định ai đủ điều kiện tiêm nhắc lại. Và vài ngày sau, liều nhắc lại Janssen và Moderna sẽ bắt đầu được tung ra.

Quan hệ EU và Ba Lan tiếp tục căng thẳng

Căng thẳng Ba Lan-EU leo thang trong tuần này. Nguyên nhân là một phán quyết vào tuần trước từ Tòa án Hiến pháp của Ba Lan nói rằng một số phần trong luật EU không phù hợp với hiến pháp Ba Lan. Phán quyết đã làm dấy lên lo ngại về “Polexit”, mặc dù Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền, đã gọi những cáo buộc nói rằng ông muốn Ba Lan muốn rời EU là “tuyên truyền”.

Các cuộc thăm dò cho thấy gần 90% người Ba Lan muốn ở lại EU. Nhưng dù sao thì nước này cũng đang căng thẳng với các thể chế của EU. Thông thường các phán quyết của Tòa án Hiến pháp có thể mất vài tuần, hoặc vài tháng, mới có hiệu lực; nhưng phán quyết này có hiệu lực từ hôm thứ Ba. Trong khi đó, EU đang tranh luận về một biện pháp có thể cắt Ba Lan khỏi quỹ chung (cùng với Hungary, một nước khác bị EU tố cáo làm xói mòn nhà nước pháp quyền). EU sẽ đưa ra quan điểm về phán quyết của tòa án hiến pháp Ba Lan vào cuối năm nay. Chắc chắn sẽ không có một giải pháp êm đẹp.

Lạm phát tiêu dùng ở Mỹ

Tỷ lệ lạm phát tiêu dùng tính  theo năm của Mỹ đã tăng một chút trong tháng 9 lên 5,4% – cao hơn dự báo của các nhà kinh tế – so với 5,3% của tháng 8. Trong số đó giá thực phẩm và nơi ở chiếm hơn một nửa mức tăng theo tháng 0,4% . Giá nhiên liệu cũng tăng, nhưng giá ô tô đã qua sử dụng, vốn gây lạm phát hồi đầu năm, lại giảm. Để xoa dịu tình trạng tắc nghẽn nguồn cung và tồn đọng giao hàng, cảng Los Angeles ​​sẽ bắt đầu hoạt động 24/7.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan nói đảo này sẽ không gây chiến với Trung Quốc 

Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng trong một cuộc gặp các nhà lập pháp hồi tháng 3/2021.

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng trong một cuộc gặp các nhà lập pháp hồi tháng 3/2021. 

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng nói hôm thứ Năm 14/10 rằng đảo này sẽ không khởi chiến với Trung Quốc nhưng sẽ tự vệ “toàn diện”. Phát biểu của ông được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở eo biển Đài Loan gia tăng khiến quốc tế lo ngại.

“Điều rõ ràng nhất là Trung Hoa Dân Quốc tuyệt đối sẽ không khởi chiến hoặc gây chiến, nhưng nếu có biến động gì, chúng tôi sẽ nghênh chiến toàn diện với địch quân”, ông Chiu nói trong một cuộc họp cấp ủy ban quốc hội và ông dùng tên chính thức của Đài Loan.

Căng thẳng quân sự giữa Đài Loan và Trung Quốc hiện ở mức xấu nhất trong hơn 40 năm qua, ông Chiu cho biết hồi tuần trước và nói thêm rằng Trung Quốc sẽ có đủ năng lực tiến hành một cuộc xâm lược “toàn diện” vào năm 2025.

Bắc Kinh từ lâu vẫn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Ông Chiu đưa ra phát biểu kể trên sau khi Trung Quốc thực hiện các vụ xâm nhập trên không trong 4 ngày liên tiếp, đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Trước đó, Trung Quốc bắt đầu xâm nhập từ ngày 1/10, và Đài Bắc coi đó là một phần trong hình thái gia tăng hành động quấy rối quân sự của Bắc Kinh.

Đã không xảy ra nổ súng và máy bay của Trung Quốc đã tránh xa không phận Đài Loan, tập trung hoạt động ở góc tây nam trong vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Trong một báo cáo gửi quốc hội trước khi ông Chiu gặp các nhà lập pháp, Bộ Quốc phòng Đài Loan cảnh báo Trung Quốc về các biện pháp đáp trả mạnh mẽ nếu lực lượng của Trung Quốc đến quá gần hòn đảo.

Ông Chiu đồng ý với đánh giá từ một nhà lập pháp rằng khả năng của Trung Quốc chỉ có hạn vì năng lực tiếp nhiên liệu trên không bị hạn chế, đồng nghĩa là Trung Quốc chỉ có máy bay ném bom H-6, máy bay trinh sát và chống ngầm Y-8 là loại đã bay vào kênh Ba Sĩ ở giữa Đài Loan và Philippines.

Ông nói: “Mục đích của họ một mặt là gây áp lực với Đài Loan, mặt khác muốn nói với mọi người rằng họ có khả năng xua đuổi và cản trở các lực lượng quân sự nước ngoài can dự vào”.

Trung Quốc hôm 13/10 gọi các hoạt động quân sự của họ là động thái “chính đáng” để bảo vệ hòa bình và ổn định, đồng thời quy kết rằng Đài Loan “thông đồng” với các thế lực nước ngoài – ám chỉ Hoa Kỳ – là nguyên nhân gây ra căng thẳng.

Căn cứ hải quân Ream: Mỹ tố Cam Bốt thiếu minh bạch về hoạt động của Bắc Kinh

Ảnh minh họa : các tàu chở xăng dầu tại căn cứ hải quân Ream của Cam Bốt, gần Sihanoukville, ngày 26/07/2019. REUTERS / Samrang Pring 

Hoa Kỳ hôm 13/10/2021 tố cáo Cam Bốt thiếu minh bạch về các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Ream, căn cứ hải quân lớn nhất của nước này, đồng thời thúc giục chính phủ Phnompenh thông báo cho dân chúng toàn bộ những can dự về quân sự của Bắc Kinh tại nơi đây. 

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) hôm qua công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy, trong tháng Tám và tháng Chín đã có ba tòa nhà mới được xây lên, và đang bắt đầu làm một con đường mới. Reuters dẫn lời phát ngôn viên đại sứ quán Hoa Kỳ Chad Roedemeier, nói rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự nước ngoài nào tại căn cứ Ream đều vi phạm Hiến Pháp Cam Bốt, và gây phương hại cho an ninh khu vực.

Ông Roedemeier tuyên bố: « Chính quyền Cam Bốt không hoàn toàn minh bạch về ý đồ, bản chất và tầm mức của dự án này, hoặc về vai trò của quân đội Trung Quốc, gây lo ngại về mục đích sử dụng căn cứ hải quân. Người dân Cam Bốt có quyền được biết rõ hơn về dự án ở Ream, và có được tiếng nói về loại thỏa thuận quân sự can dự lâu dài vào đất nước của họ ». 

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cam Bốt đã rạn nứt trong những năm gần đây, do Washington tố cáo đảng cầm quyền đàn áp đối lập, đồng thời bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Cách đây một năm, Cam Bốt thông báo san bằng một tòa nhà vốn là trung tâm chỉ huy chiến thuật hải quân do Mỹ tài trợ để mở rộng thêm, từ chối đề nghị của Mỹ nhằm tôn tạo căn cứ Ream.

Cam Bốt nhiều lần bác bỏ thông tin về dự định để quân đội Trung Quốc đóng tại căn cứ này. Một quyết định như vậy sẽ rất quan trọng cho Trung Quốc, tại khu vực mà Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện trong nhiều thập niên, thông qua các căn cứ quân sự hoặc tập trận chung với các nước như Philippines, Thái Lan. Phát ngôn viên chính phủ Cam Bốt Phay Siphan nói rằng các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Ream là một phần của viện trợ phát triển, và hải cảng sẽ mở rộng cho các nước một khi việc xây dựng hoàn tất.

Nhật và Anh cam kết vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở

Vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương (phần màu đậm trong bản đồ), địa bàn chiến lược mới trong chính sách an ninh của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đồng minh. @Wikipedia 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và đồng nhiệm Anh Boris Johnson trong cuộc điện đàm hôm 13/10/2021 đã thỏa thuận cùng nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Hãng tin Nhật NHK cho biết đây là cuộc đối thoại đầu tiên kể từ khi ông Kishida nhậm chức vào tuần trước. Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố mong muốn tăng cường quan hệ song phương, đánh giá Nhật và Anh là đối tác chiến lược ở tầm quốc tế. Về phần mình, ông Johnson đã hoan nghênh việc ông Kishida lên làm thủ tướng, cho biết sẵn sàng củng cố quan hệ giữa hai nước.

Đôi bên nhận định mối quan hệ đã được siết chặt hơn trong những năm gần đây về quốc phòng và an ninh. Việc hợp tác đã được tăng thêm một nấc với chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Anh HMS Queen Elizabeth vào tháng trước, đến một căn cứ hải quân Mỹ gần Tokyo.

Hai vị thủ tướng khẳng định ý muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận hỗ tương giữa Nhật Bản và Anh quốc, định ra phương thức hoạt động phối hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Anh.

Ngoài ra ông Boris Johnson cho biết sẵn sàng dỡ bỏ việc hạn chế nhập thực phẩm của Nhật Bản, được áp đặt sau tai nạn nguyên tử Fukushima năm 2011 ; ông Kishida Fumio nói muốn nhanh chóng bãi bỏ biện pháp này, dựa trên tiêu chí khoa học.

Cũng liên quan đến Ấn Độ-Thái Bình Dương, hãng tin ANI ở New Delhi hôm 13/10/2021 cho biết trong cuộc đối thoại hợp tác biển lần thứ năm tại Paris, Pháp và Ấn Độ đã tái khẳng định cam kết trong khu vực. Cuộc họp có sự hiện diện của ông Pankaj Saran, phó cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ và ông Marcel Escure, đại sứ phụ trách việc hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương.

Ít nhất 46 người tử vong trong vụ hỏa hoạn ở Cao Hùng, Đài Loan

Firefighters using water cannon to extinguish a fire on a commercial and residential building in Kaohsiung city, southern Taiwan, 14 October 2021

Nguồn hình ảnh, EPA

Chụp lại hình ảnh, 

Lính cứu hỏa đã mất hơn bốn giờ đồng hồ mới dập tắt được đám hỏa hoạn

Ít nhất 46 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương nặng trong một vụ hỏa hoạn tại tòa nhà cao 13 tầng ở miền nam Đài Loan, giới chức cho hay.

Một tòa cư xá – thương mại tại thành phố Cao Hùng đã bốc cháy vào đầu giờ sáng hôm thứ Năm, sở cứu hỏa địa phương nói.

Lính cứu hỏa đã phải mất hơn 4 giờ đồng hồ để dập tắt đám cháy.

Sở cứu hoả nói với BBC rằng 79 người đã được đưa tới bệnh viện, trong đó có 14 người trong tình trạng nghiêm trọng.

Hiện chưa rõ nguyên do gây hỏa hoạn và các nhà điều tra đang có mặt tại hiện trường.

Trước đó, giới chức cảnh báo có thể còn người bị mắc kẹt trong khu vực cư dân của tòa nhà, từ tầng 7 đến tầng 11.

Một số người dân sống gần đó nói với truyền thông địa phương rằng họ nghe thấy một âm thanh lớn, giống như âm thanh một vụ nổ, trước khi xảy ra hỏa hoạn.

“Các đường dây điện có thể là đã chạy bên ngoài… mấy ngày vừa qua đã có những âm thanh ‘bùm bùm’ phát ra từ các đường dây điện,” một người dân địa phương được hãng tin Reuters dẫn lời nói.

Nhiều đồ vật không dùng đến nằm chất đống ở những tầng dưới của tòa nhà đã khiến cho công tác cứu hộ gặp khó khăn.

Các nhân viên cứu hỏa sau đó kêu gọi dân chúng không để rác thải chất đống bên trong hoặc xung quanh nơi ở, và cần giữ cho cầu thang bộ không bị che chặn.

Phần dưới của tòa nhà từng là nơi có các nhà hàng, các quán bán bar-karaoke và rạp chiếu phim, nhưng nay được biết đã không còn hoạt động.

Một số cư dân trong toà nhà gồm khoảng 120 căn hộ này được cho là những người cao tuổi hoặc người khuyết tật. 

Tài liệu rò rỉ tiết lộ chính quyền Biden thả hàng loạt di dân lậu vào Mỹ

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2021/10/border-crisis-700x366-1-700x366.jpg

Ảnh minh họa: Shutter stock.

Theo các tài liệu bị rò rỉ từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) do hãng tin Mỹ Fox News thu thập được, chính quyền Biden đã bắt đầu “thả hàng loạt” 160.000 người nhập cư bất hợp pháp vào đất Mỹ bắt đầu từ tháng 3, đáng chú ý 70.000 trong số đó đã được thả chỉ trong trong hai tháng qua.

Fox News cho biết những người này ít hoặc không chịu sự giám sát của nhà chức trách, ngoài ra giới chức  đã lạm dụng cơ chế “tạm tha” (parole) có giới hạn để cho phép hơn hơn 30.000 người đủ điều kiện nhận giấy phép lao động tại Mỹ kể từ tháng 8. Các tài liệu được cho đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về cách chính quyền Biden đã thả một số lượng lớn người di cư vào Mỹ.

Ký giả Melugin của Fox News đã đăng một số tài liệu trên Twitter, tiết lộ chính quyền Biden đã thả khoảng 90.000 người xin tị nạn, những người đã vượt biên bất hợp pháp vào nước Mỹ, sau khi cấp cho họ yêu cầu trình báo thường xuyên với Cơ quan Di trú và Hải quan ICE.

Theo ký giả Melugin, cơ chế “tạm tha” chỉ nên được sử dụng một cách cầm chừng, và sẽ được áp dụng theo từng trường hợp cho “mục đích nhân đạo khẩn cấp” và mang đến “lợi ích công cộng đáng kể” cho nước Mỹ, ví dụ như trong trường hợp người tị nạn Afghanistan sau vụ rút quân của Hoa Kỳ ở đây.

Báo cáo của Fox News được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Biden đang chuẩn bị cho một nhập cư ào ạt của người di cư từ Trung và Nam Mỹ, chủ yếu là người Haiti xin tị nạn. Vào tháng 9, hàng nghìn người di cư Haiti đã đổ về Del Rio, Texas, buộc chính quyền Biden phải xúc tiến nhanh các quy trình nhập cư. Ngoài ra, lực lượng tuần tra biên giới đã ghi nhận số lượng kỷ lục các vụ bắt giữ người nhập cư bất hợp pháp mỗi tháng trong nhiều tháng qua.

Cựu Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 9 đã tuyên bố Mỹ đang trở thành một “nước thuộc thế giới thứ ba” trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư đang diễn ra tại biên giới Mỹ – Mexico.

Mỹ sẽ sớm được coi là một nước thế giới thứ ba”, ông Trump nói trong một tuyên bố hôm 20/9. “Chưa bao giờ có gì giống như những gì đang xảy ra tại biên giới của chúng ta. Hàng triệu người đã tràn vào, và còn nhiều người hơn đang đến!”.

Mexico cảnh báo dòng người di cư sẽ không chậm lại nếu Washington không đầu tư thêm vào Trung Mỹ

Ở diễn biến liên quan, Mexico cảnh báo dòng người di cư sẽ không chậm lại nếu Washington không đầu tư thêm vào Trung Mỹ.

Cụ thể, hôm 13/10, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard nói rằng Mỹ cần đầu tư nhiều hơn vào Trung Mỹ nếu họ muốn làm chậm dòng người di cư đến nước này.

Số lượng người di cư đã qua Mexico trong năm nay để đến Mỹ đạt mức kỷ lục, do kinh tế suy thoái bắt nguồn từ đại dịch và nhất là chính sách nhập cư dễ dãi dưới thời Tổng thống Biden.

Ông Biden đã tuyên bố sẽ tập trung vào những nguyên nhân cơ bản của việc di cư từ Trung Mỹ bằng cách nỗ lực giảm nghèo đói, bạo lực và tham nhũng tại đây.

Trao đổi với một chương trình phát thanh của Mexico, Ngoại trưởng Mexico cho hay: “Cần phải có một khoản đầu tư lớn hơn từ Mỹ vào Trung Mỹ”, “Nếu không có khoản đầu tư này, nếu Hoa Kỳ không hỗ trợ Trung Mỹ, rất khó để nghĩ rằng các dòng người di cư hiện tại sẽ giảm đi”.

Trong một bức thư gần đây gửi cho người đồng cấp Mexico, ông Biden cho biết Mỹ đã cung cấp hơn 600 triệu đô-la Mỹ viện trợ nước ngoài trong năm qua cho các nước gồm Guatemala, El Salvador và Honduras.

Bức thư nói thêm rằng ông Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ chi thêm 861 triệu đô-la Mỹ trong năm 2022 cũng để phân bổ cho khu vực Trung Mỹ.

Tags: , , ,

Comments are closed.