Thời sự Thứ Hai 12/02/2024: *Bộ trưởng Quốc phòng Austin lại nhập viện, đã chuyển giao nhiệm vụ. *Mạng lưới cung cấp thông tin của ĐCSTQ có thể lên tới 15 triệu người *8 khinh khí cầu Trung Quốc bay qua Đài Loan ngày thứ hai *Israel quyết tâm truy đuổi Hamas đến Rafah *TikTok thua kiện tại châu Âu *Ông Trump nói sẽ ‘khuyến khích’ Nga tấn công các thành viên NATO không đóng tiền (cho NATO)


Spread the love

Võ Thái Hà tổng hợp


Ngũ Giác Đài: Bộ trưởng Quốc phòng Austin lại nhập viện, đã chuyển giao nhiệm vụ 

Melanie Sun – Thứ hai, 12/02/2024 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks đã đảm nhận các chức năng và nhiệm vụ của bộ trưởng. 

Ngũ Giác Đài: Bộ trưởng Quốc phòng Austin lại nhập viện, đã chuyển giao nhiệm vụ

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin điều trần trước Ủy ban Thẩm định Thượng viện tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 31/10/2023. (Ảnh Manuel Balce Ceneta/AP) 

Ngũ Giác Đài cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã được đưa trở lại một bệnh viện hôm Chủ Nhật (11/02). 

“Hôm nay, vào khoảng 2 giờ 20 phút chiều, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã được lực lượng an ninh của ông chở đến Bệnh viện Quân y Quốc gia Walter Reed để kiểm tra các triệu chứng cho thấy vấn đề cấp bách về bàng quang,” thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng John C. Pat Ryder cho biết. 

Ông cho biết Tòa Bạch Ốc và các nghị sĩ Quốc hội cũng đã được thông báo. 

Hồi tháng Một, ông Austin cho biết rằng ông đã được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt sau khi gặp biến chứng nhiễm trùng đường tiết niệu sau cuộc phẫu thuật vào tháng trước đó.

Trong bản cập nhật thứ hai vào tối Chủ Nhật, Thiếu tướng Ryder thông báo rằng ông Austin đã chuyển giao nhiệm vụ cho cấp phó của mình.


Mạng lưới cung cấp thông tin của ĐCSTQ có thể lên tới 15 triệu người

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gdjte5.jpg

Cảnh sát có thiết bị có thể đọc thông tin trên điện thoại di động của người đi ngang qua (Ảnh: Getty Images) 

Nhà khoa học chính trị người Mỹ Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) chỉ ra rằng chỉ riêng trong năm 2022, chi tiêu cho an ninh nội địa Trung Quốc, bao gồm cả “Luật An ninh công cộng”, vào khoảng 1.440 tỷ nhân dân tệ (tương đương 202 tỷ USD). Trong đó, mạng lưới cung cấp thông tin của Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể lên tới 15 triệu người.

Hệ thống giám sát của Trung Quốc luôn dựa vào một tổ chức con người khổng lồ

Kể từ khi thiết lập Tường lửa Internet, chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ ngừng xây dựng một hệ thống toàn trị kỹ thuật số. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã phát triển toàn bộ hệ thống công nghệ giám sát, thậm chí còn xuất khẩu chúng sang các nước độc tài khác. Điều này đã gây lo ngại cho các nền dân chủ trên toàn thế giới.

Ông Bùi Mẫn Hân đã đăng một bài viết trên tạp chí Ngoại giao, chỉ ra rằng điều đáng sợ về hệ thống giám sát của Trung Quốc không phải là công nghệ tiên tiến và công nghệ không phải là toàn năng. Hệ thống giám sát của Trung Quốc không thể hoạt động nếu không có “hàng triệu người cung cấp thông tin hoặc gián điệp”.

Ông cũng nói rằng sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lực giám sát của Trung Quốc thực chất là do sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây. Điều này đã giúp chính phủ có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ mạng lưới giám sát này.

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gfddgr5.jpg

(Ảnh chụp màn hình bài viết) 

Ông chỉ ra rằng chỉ riêng trong năm 2022, chi tiêu cho an ninh nội địa, bao gồm cả “Luật An ninh công cộng” đã vào khoảng 1.440 tỷ nhân dân tệ (khoảng 202 tỷ USD).

Năm 2016, Trung Quốc ra mắt hệ thống giám sát “Sharp Eye”, bao gồm camera giám sát và công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Không tính chi phí nhân công, chi phí vận hành và bảo trì, chỉ riêng phần cứng và lắp đặt, hệ thống này đã tiêu tốn 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 42 tỷ USD).

Đây là điều không thể tưởng tượng được trước sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc. Trước đây, việc thiếu tiền của chính quyền Trung Quốc đã hạn chế nghiêm trọng “khả năng duy trì một lực lượng an ninh nội địa lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)”. Hiện nay, việc duy trì một mạng lưới giám sát mạnh mẽ như vậy là điều hoàn toàn không thể.

Ngoài ra, ông cũng chỉ ra rằng ngoại trừ nhân viên an ninh quốc gia bí mật, theo thông tin công khai, số nhân viên công an ở Trung Quốc đã xấp xỉ hơn 2 triệu người. Trong đó số lượng nhân viên an ninh chính trị chịu trách nhiệm giám sát trong nước ước tính khoảng 60.000 – 100.000 người.

Con số này không đáng kể so với 1% dân số của lực lượng cảnh sát mật Đông Đức Stasi. Tuy nhiên, không giống như Đông Đức, Trung Quốc có một nhóm “người tố cáo” được trả lương và không được trả tiền. Theo thông tin công khai, con số này có thể lên tới 15 triệu người, chiếm 1% dân số Trung Quốc.

“Những công dân này có thể theo dõi đồng nghiệp hoặc hàng xóm của họ. Vì sự tham gia của họ được đảm bảo thông qua ép buộc hoặc xúi giục, nên việc duy trì không tốn kém”.

Giáo sư Bùi chỉ ra rằng mạng lưới giám sát rộng lớn đã tồn tại trước khi Trung Quốc thiết lập công nghệ giám sát tiên tiến và vẫn đang hoạt động.

Có hai phương pháp cụ thể. Thứ nhất là tiến hành giám sát tại sân bay, nhà ga, khách sạn và những nơi khác (giới chức gọi là “kiểm soát vị trí”). Thứ hai là lập danh sách đen những người bất đồng chính kiến ​​và theo dõi họ trong thời gian dài. Ước tính số lượng người bất đồng chính kiến khoảng “3,9 triệu – 7,7 triệu người.”

Ông tin rằng những tiến bộ trong công nghệ giám sát đã cải thiện đáng kể hiệu quả của các phương pháp giám sát truyền thống. Tuy nhiên, dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, thì điều quan trọng nhất vẫn là năng lực tổ chức của chính quyền, tức mạng lưới giám sát con người.

Ông nhận định công nghệ giám sát của chính quyền Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguyên nhân chính là do suy thoái kinh tế của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của toàn bộ hệ thống.

Một mặt, suy thoái kinh tế sẽ khiến ngày càng nhiều người dân bất mãn với sự cai trị của ĐCSTQ và làm tăng gánh nặng cho hệ thống an ninh. Mặt khác suy thoái kinh tế cũng sẽ dẫn đến việc không đủ nguồn lực tài chính để hỗ trợ các hoạt động phát triển kinh tế.

Về vấn đề này, Giáo sư Bùi đã đưa ra một dự đoán tương đối bi quan. Ông tin rằng một khi việc trấn áp mềm hệ thống giám sát này thất bại, ĐCSTQ có thể sẽ áp dụng biện pháp “đàn áp cứng rắn” nghiêm ngặt hơn.

Hàng trăm trang web của Trung Quốc giả danh là kênh truyền thông tại các nước

Ngày 7/2, sau khi điều tra, tổ chức giám sát kỹ thuật số Citizen Lab tại Đại học Toronto ở Canada, báo cáo cho biết, kể từ giữa năm 2020, hơn 123 trang web của Trung Quốc đã giả danh là những kênh truyền thông tin tức địa phương tại hơn 30 quốc gia ở Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ Latinh.

Các trang web này lan truyền một lượng lớn “thông tin sai lệch” ủng hộ Bắc Kinh và thực hiện “tấn công cá nhân” nhằm vào những người chỉ trích chính quyền ĐCSTQ, như cáo buộc các nhà khoa học Mỹ làm rò rỉ virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19).

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/fdfdrr5-700x480.jpg

(Ảnh chụp màn hình của báo cáo) 

Vũ khí hóa dữ liệu lớn: Giám sát kỹ thuật số ở Tây Tạng

Ngày 7/2, Turquoise Roof, một tổ chức nghiên cứu tập trung vào quyền và lợi ích của người Tây Tạng, đã công bố một báo cáo, tiết lộ rằng Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát kỹ thuật số ở Tây Tạng thông qua việc bắt buộc cài đặt ứng dụng điện thoại di động “Trung tâm chống lừa đảo quốc gia”. Ứng dụng này đã trở thành một phần của mạng lưới giám sát mạnh mẽ.

Báo cáo cho biết phạm vi dữ liệu mà ứng dụng này thu thập vượt xa mục tiêu “chống lừa đảo”, mà còn bao gồm nhiều cơ chế kiểm soát hơn và được kết hợp với cơ sở dữ liệu tích hợp do cảnh sát hình sự quản lý để theo dõi.
p3451363a356772080

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gdfgfdrt5.jpg

(Bìa báo cáo) 

Báo cáo cũng điều tra “Nền tảng ứng dụng tình báo toàn diện tội phạm thế giới ngầm Tây Tạng”, một nền tảng cảnh sát big data (dữ liệu) lớn tiên tiến.

Cuối cùng, báo cáo tuyên bố rằng: “Các hệ thống giám sát trí tuệ nhân tạo dân sự được triển khai ở Tây Tạng và Tân Cương có nguồn gốc từ hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự (C4ISR) và Điều lệnh tích hợp hoạt động chung của Quân đội Giải phóng Nhân dân”.

Vì vậy, báo cáo cũng nêu rõ, điều này có nghĩa là trong mắt các quan chức, Tây Tạng và Tân Cương đã trở thành một chiến trường mới.

Theo Bùi Mẫn Hân, China Digital Times


8 khinh khí cầu Trung Quốc bay qua Đài Loan ngày thứ hai liên tiếp

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gfgrt56.jpg

Tàu Hải quân Đài Loan đang neo đậu tại cảng Cơ Long ở cực bắc Đài Loan. (Ảnh tư liệu) 

Hôm Chủ nhật (11/2), Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết có 8 khinh khí cầu của Trung Quốc được phát hiện quanh Đài Loan trong ngày thứ hai liên tiếp, trong số đó có 5 khinh khí cầu bay thẳng qua Đài Loan.

Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố lúc 6h sáng Chủ nhật (11/2), trong 24 giờ qua, 8 khinh khí cầu của Trung Quốc đã được phát hiện đi qua tuyến trung tâm của eo biển Đài Loan, bay ở độ cao từ 12.000 – 35.000 feet.

Khinh khí cầu đầu tiên được phát hiện vào lúc 6h46 sáng thứ Bảy (10/2). Phải đến 15h34 chiều ngày hôm đó, cuối cùng khinh khí cầu này mới bay ra khỏi không phận Đài Loan.

Theo bản đồ do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố, 5 khinh khí cầu đã bay thẳng qua miền trung và miền bắc Đài Loan, một trong số chúng đã bay qua mũi phía bắc của Đài Loan.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp có 8 khinh khí cầu bay qua Đài Loan, lập kỷ lục trong hai ngày liên tiếp, kể từ khi Đài Loan công bố dữ liệu khinh khí cầu vào tháng 12/2023.

Thứ Sáu (9/2), đêm giao thừa Tết Nguyên đán, Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng phát hiện 8 khinh khí cầu của Cộng sản Trung Quốc. Trong số đó 2 khinh khí cầu bay qua Đài Loan và 1 chiếc biến mất trên bầu trời Đài Loan.

Ngoài khinh khí cầu, 6 máy bay và 4 tàu chiến phụ tiếp tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan vào thứ Bảy (10/2), trong đó, một máy bay đã đi vào không phận phía tây nam của Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố sẽ sử dụng máy bay, tàu và hệ thống tên lửa trên bờ để theo dõi và ứng phó chặt chẽ.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Loan. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) triển khai máy bay chiến đấu và tàu hải quân quanh Đài Loan hầu như mỗi ngày. Máy bay Trung Quốc thường xuyên băng qua đường trung tâm của eo biển Đài Loan.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào ngày 13/1, vụ xâm nhập Đài Loan lớn nhất của ĐCSTQ xảy ra vào ngày 26/1, với 33 máy bay hoạt động quanh eo biển Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan chỉ trích việc ĐCSTQ tiếp tục quấy rối quân sự và phá hoại sự ổn định trong khu vực.

Đường trung tâm của eo biển Đài Loan được coi là rào cản không chính thức giữa hai bên, nhưng hiện nay ĐCSTQ lại phủ định đường trung tâm này.

Do số lượng khinh khí cầu bay qua Đài Loan gần đây gia tăng, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đưa ra tuyên bố bày tỏ sự lên án vào tháng 1, cho rằng mục đích chính của những khinh khí cầu này là nhằm quấy rối “vùng xám” và “mưu tính sử dụng chiến tranh nhận thức để tác động đến sĩ khí lòng dân.”

Trung Quốc phản bác rằng khinh khí cầu được sử dụng cho mục đích khí tượng, đồng thời chỉ trích chính quyền Đài Loan viện cớ nhằm kích động đối đầu xuyên eo biển.

Vào tháng 2/2023, khả năng Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu để làm gián điệp đã trở thành vấn đề toàn cầu. Mỹ đã bắn hạ một “khinh khí cầu trinh sát” của Trung Quốc, nhưng ĐCSTQ lại nói rằng đó là khí cầu dân sự không người lái vô tình bị lạc.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã không trả lời các cuộc gọi yêu cầu bình luận vào Chủ nhật (4/2). Cả Trung Quốc và Đài Loan hiện đang ăn mừng Tết Nguyên đán, ngày lễ quan trọng nhất trong thế giới người Hoa.

Ngày 2/1, ba khinh khí cầu Trung Quốc đã bay qua đảo Đài Loan và bay gần một căn cứ không quân quan trọng của quốc đảo này.

Cơ quan quân sự hàng đầu của Đài Bắc tiết lộ, 3 khinh khí cầu này đã bay lần lượt 105 hải lý (194km), 160 hải lý và 159 hải lý về phía tây nam của Ching Chuan Kang, địa điểm đặt căn cứ không quân quan trọng của Đài Loan.

Tháng trước, Đài Loan đã bầu ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), Phó chủ tịch hiện tại của Chính phủ Đảng Dân Tiến, làm tổng thống mới, người mà Bắc Kinh gọi là “kẻ gây rối” và “kẻ ly khai nguy hiểm”.

Ông Lại Thanh Đức sẽ nhậm chức vào tháng 5 năm nay. Ông nhiều lần bày tỏ hy vọng đối thoại với Trung Quốc nhưng đều bị từ chối. Quan điểm nhất quán của ông với Tổng thống Đài Loan hiện tại Thái Anh Văn là “chỉ người dân Đài Loan mới có thể tự quyết định tương lai của mình”.

Bình Minh (t/h)


Tập đoàn Sony mua 50% cổ phần trong tài sản âm nhạc của Michael Jackson

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/Tap-doan-Sony-mua-50-co-phan-trong-tai-san-am-nhac-cua-Michael-Jackson-1.jpg

(Ảnh: Chụp màn hình) 

Tập đoàn Sony đang mua lại một nửa cổ phần trong danh mục âm nhạc của ngôi sao nhạc pop Michael Jackson từ tài sản của ca sĩ quá cố với giá ít nhất 600 triệu USD. Đây là thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay theo hình thức trên.

Cụ thể, tạp chí âm nhạc Billboard trích dẫn các nguồn chưa xác định cho biết tài sản bao gồm quyền sở hữu các bản ghi âm chính và việc xuất bản các bài hát của Jackson, cũng như danh mục xuất bản của Tổ chức quản lý di sản Michael Jackson (Mijac). Thỏa thuận cũng có thể bao gồm các bài hát của các nghệ sĩ khác nằm trong danh mục xuất bản của Mijac. Trước đó, Mijac đã bán một nửa cổ phần trong Sony/ATV Music Publishing, một liên doanh sở hữu cả các bài hát của ban nhạc huyền thoại Beatles.

Michael Jackson, một trong những nghệ sĩ bán chạy nhất làng nhạc pop, qua đời năm 2009, để lại khối tài sản trị giá hàng trăm triệu USD nhưng lại phải gánh những khoản nợ lớn. Theo tạp chí âm nhạc Billboard, một bộ phim tiểu sử mới về ca sĩ có tựa đề Michael, dự kiến phát hành vào năm 2025.

Phan Anh


Israel quyết tâm truy đuổi Hamas đến Rafah

Khi Israel tiếp tục đe dọa tiến hành một cuộc tấn công lớn ở Rafah, thành phố cực nam của Gaza, cảnh báo đang được đưa ra từ mọi phía. Ai Cập cho biết giao tranh ở sát biên giới nước này có thể gây nguy hiểm cho hiệp ước hòa bình 45 năm với Israel. Hamas nói họ sẽ “làm nổ tung” các cuộc đàm phán về thỏa thuận thả con tin Israel ở Gaza. Mỹ lo ngại một cuộc tấn công dữ dội sẽ làm tăng số người chết vốn đã khủng khiếp ở Gaza, và làm tắc nghẽn nguồn viện trợ nhân đạo.

Nhưng Israel vẫn quyết tâm làm theo ý họ. “Chúng tôi sẽ làm điều đó,” thủ tướng Binyamin Netanyahu cho biết hôm Chủ nhật. Phe cánh hữu của ông ủng hộ cuộc tấn công, dù hầu hết người Israel cho rằng chính phủ nên đạt một thỏa thuận về con tin thay vì tiếp tục chiến đấu. Tâm lý hoảng loạn đang lan rộng trong 1,4 triệu cư dân của Rafah. Các quan chức Israel nói sẽ có hành lang an toàn cho dân thường – dù không nói rõ là hành lang dẫn đi đâu. Một số đã chạy về phía bắc đến Khan Younis, nơi giao tranh vẫn còn khốc liệt.


Ấn Độ tăng đầu tư cho nông thôn

Trong tháng này bộ trưởng tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã nói nền kinh tế đang mang lại hy vọng. Dữ liệu lạm phát và sản xuất được công bố vào thứ Hai có thể xác nhận sự lạc quan đó của ông. Lạm phát năm được cho là đã giảm xuống dưới 5% trong tháng 1, từ mức 5,7% của tháng 12. Sản lượng sản xuất của tháng 1 đạt mức cao nhất trong 4 tháng, theo dữ liệu do S&P Global tổng hợp. Ấn Độ dự kiến vẫn là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm nay.

Nhưng vẫn có những khó khăn. Tỷ lệ tạo việc làm chính thức tiếp tục thấp đáng lo ngại trong khi nền kinh tế nông thôn vẫn còn yếu. Thu nhập của người lao động nông nghiệp không tăng; và thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm năng suất cây trồng cũng như thu nhập của chủ đất. Narendra Modi, thủ tướng được ủng hộ sâu rộng của Ấn Độ, và Đảng Bharatiya Janata của ông gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử vào tháng 5. Dù vậy, có đến 3/5 dân số Ấn Độ sống ở nông thôn, và BJP sẽ không mạo hiểm. Ngân sách của bà Sitharaman cho năm 2024-25 đã tăng đáng kể nguồn tài trợ cho bộ phát triển nông thôn.

Gruzia có thủ tướng mới

Vào sáng thứ Hai, Irakli Kobakhidze sẽ bắt đầu tuần đầy đủ đầu tiên trên cương vị thủ tướng Gruzia. Giấc mơ Gruzia, đảng chính trị cầm quyền, đã chọn ông vào vị trí lãnh đạo sau khi thủ tướng trước đó (Irakli Garibashvili) từ chức vào cuối tháng 1.

Những người Gruzia theo xu hướng tự do sẽ rất thất vọng. Là cựu chủ tịch của Giấc mơ Gruzia, ông Kobakhidze là hiện thân của nền chính trị thất thường, đầy âm mưu mà đảng này đã xây dựng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012. Họ ủng hộ tư cách thành viên EU, vốn được cử tri ủng hộ áp đảo, nhưng kết hợp quan điểm đó với những lời tố cáo gay gắt nhắm vào các tổ chức phi chính phủ phương Tây và “chủ nghĩa phát xít tự do.” Năm ngoái, ông Kobakhidze đã dẫn đầu một đạo luật đàn áp nhắm vào “các đặc vụ nước ngoài,” vốn đã bị bãi bỏ sau các cuộc biểu tình sâu rộng. Gần đây, ông lên án Ukraine và cáo buộc một “đảng chiến tranh toàn cầu” đang cố gắng lôi kéo Gruzia vào chiến tranh với Nga. Việc Giấc mơ Gruzia tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu quốc hội vào tháng 10 có thể ảnh hưởng đến cơ hội gia nhập EU của Gruzia. Khối này đã chỉ trích mạnh mẽ các chính sách chống lại xã hội dân sự của chính phủ Giấc mơ Gruzia.

Myanmar kỷ niệm Ngày Đoàn kết trong bối cảnh nội chiến

Thứ hai là Ngày Đoàn kết ở Myanmar. Ngày lễ này kỷ niệm một thỏa thuận hòa bình giữa các nhóm sắc tộc của đất nước vào tháng 2 năm 1947, vốn tạo tiền đề cho tuyên ngôn độc lập khỏi Anh vài tháng sau đó. Nhưng năm nay Myanmar sẽ không có nhiều điều để ăn mừng. Ba năm trước, một cuộc đảo chính quân sự đã đẩy quốc gia Đông Nam Á này vào nội chiến. Kể từ đó hơn 4.000 thường dân đã thiệt mạng. Cựu lãnh đạo trên thực tế, Aung San Suu Kyi, bị bỏ tù cùng với hơn 20.000 người phản đối chế độ quân sự.

Tình thần phản kháng chính quyền quân sự đã ít nhiều mang lại sự thống nhất theo một nghĩa khác. Sau nhiều năm tranh chấp, vào tháng 10, ba nhóm dân quân dân tộc thiểu số đã thành lập Lực lượng Phòng vệ Nhân dân và khiến quân đội choáng váng với hàng loạt chiến thắng ở phía bắc và đông bắc Myanmar. Sự ủng hộ dành cho lãnh đạo của chính quyền quân sự, Min Aung Hlaing, đang giảm trong những người ủng hộ quân đội. Đầu tư nước ngoài cũng cạn kiệt, làm suy yếu nền kinh tế. Hầu hết người dân Myanmar đều hy vọng đây sẽ là Ngày Thống nhất cuối cùng mà các tướng lĩnh còn nắm quyền.


TikTok thua kiện tại châu Âu

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2024/02/gddfer5-700x480.jpg

(Ảnh minh họa: Henrik A. Jonsson/Shutterstock) 

Hôm 9/2 vừa qua, Tòa sơ thẩm châu Âu có trụ sở ở Luxembourg đã bác đơn kiện của TikTok về việc tuân thủ quy định trong Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA), dự kiến có hiệu lực vào tháng 3 tới đây, theo tờ The Verge.

DMA được công bố tháng 9/2023, buộc 6 ông lớn công nghệ gồm Google (thuộc Alphabet), Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance – công ty Trung Quốc sở hữu nền tảng chia sẻ video thông dụng TikTok, phải thay đổi cách thức hoạt động theo hướng tạo ra một thị trường công bằng hơn.

TikTok đã đệ đơn kiện lên Tòa sơ thẩm châu Âu về việc công ty này bị xếp vào danh sách các công ty có nghĩa vụ thực hiện DMA vào tháng 11/2023 và yêu cầu tạm dừng nghĩa vụ tuân thủ DMA của TikTok. ByteDance lập luận rằng việc tuân thủ DMA có nguy cơ khiến họ phải tiết lộ thông tin chiến lược quan trọng liên quan đến hoạt động định hình người dùng của TikTok, vốn không thuộc phạm vi công khai.

Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm cho hay: “ByteDance đã không chứng minh được tính cần phải có khẩn cấp một phán quyết tạm thời nhằm tránh thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục”.

Người phát ngôn của TikTok cho biết công ty thất vọng với quyết định của tòa án, nhưng mong muốn vụ kiện được giải quyết nhanh chóng. Người này cũng nói thêm rằng TikTok đã và đang chuẩn bị tuân thủ DMA và sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình.

TikTok không phải là công ty duy nhất thúc đẩy quy trình pháp lý chống lại EU về vấn đề này. Meta đã thông báo công ty này sẽ có hành động pháp lý chống lại EU về khoản phí mà các công ty công nghệ lớn nhất thế giới phải trả theo luật kiểm duyệt nội dung.

DMA là một trong những đạo luật cứng rắn nhất thế giới nhắm vào thị trường của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, cũng như nhằm mục đích giúp mọi người chuyển đổi dễ dàng hơn giữa các dịch vụ cạnh tranh, chẳng hạn như giữa các mạng xã hội, trình duyệt Internet và cửa hàng ứng dụng.

Phan Anh


Ông Trump nói sẽ ‘khuyến khích’ Nga tấn công các thành viên NATO không đóng tiền

Tác giả, James FitzGerald 

BBC News

11/02/2024

Ông Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở South Carolina

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Ông Donald Trump phát biểu tại cuộc mít tinh ở South Carolina

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ “khuyến khích” Nga tấn công bất kỳ thành viên NATO nào không chịu đóng tiền cho liên minh quân sự phương Tây này.

Cựu Tổng thống Donald Trump kể có lần ông đã nói với lãnh đạo một quốc gia thành viên NATO rằng ông sẽ không bảo vệ quốc gia không chịu đóng tiền cho tổ chức này nếu quốc gia ấy bị Nga tấn công và sẽ “khuyến khích họ (Nga) làm bất cứ điều quái quỷ gì mà họ muốn”.

Các thành viên của NATO cam kết sẽ bảo vệ bất kỳ quốc gia nào trong khối một khi quốc gia ấy bị tấn công.

Nhà Trắng đã gọi những ý kiến trên của ông Trump là “kinh hoàng và mất kiểm soát”.

Phát biểu trong một cuộc mít tinh ở South Carolina vào thứ Bảy, ông Trump cho biết ông đã có lời tuyên bố như vậy trong một cuộc họp lãnh đạo các nước NATO.

Ông nhớ lại rằng lãnh đạo “một nước lớn” đã đưa ra tình huống giả định rằng nước của ông ta không đáp ứng nghĩa vụ tài chính của khối NATO và bị Moscow tấn công.

Ông Trump nói lãnh đạo đó đã hỏi liệu Mỹ có đến giúp đỡ đất nước của ông ta trong tình huống ấy không và điều đó khiến ông Trump phải mắng cho một trận.

“Tôi đã nói: ‘Ngài không thanh toán ư? Ngài lơ là nghĩa vụ ư?’… ‘Không, tôi sẽ không bảo vệ ngài, thực sự thì tôi sẽ khuyến khích họ làm bất cứ điều gì họ muốn. Ngài phải thanh toán’.”

Một người phát ngôn của Nhà Trắng nói rằng cựu tổng thống đang “khuyến khích các chế độ sát nhân thực hiện xâm lược đối với các đồng minh thân thiết nhất của chúng ta” và đánh giá những ý kiến trên là “kinh hoàng và mất kiểm soát”.

Người phát ngôn này nói thêm rằng tuyên bố trên “đe dọa an ninh quốc gia Mỹ, đe dọa ổn định toàn cầu và nền kinh tế nước Mỹ”.

Ông Trump, ứng cử viên sáng giá của Đảng Cộng hòa cho vị trí ứng cử viên chính thức trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, từ lâu đã chỉ trích NATO và cái mà ông coi là gánh nặng tài chính quá mức đối với Mỹ trong việc đảm bảo công tác bảo vệ cho 30 quốc gia khác.

Nga đã tiến hành cuộc xâm lược toàn diện tại Ukraine vào năm 2022, sau khi ông Trump rời khỏi vị trí tổng thống. Ông từng than phiền về số tiền Mỹ đã chuyển cho Ukraine, một quốc gia không phải là thành viên NATO.

Theo số liệu từ Nhà Trắng hồi tháng 12/2023, Mỹ đã hỗ trợ tài chính cho Ukraine nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – tổng cộng hơn 44 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào năm 2022.

Tuy nhiên, từ đầu năm nay, các đảng viên Cộng hòa đã chặn mọi khoản tài trợ mới – với yêu cầu thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế nhập cư vào Hoa Kỳ qua đường biên giới phía nam và sau đó đã bác dự luật sửa đổi được đệ trình vào đầu tuần này.

Tại cuộc mít tinh hôm thứ Bảy, ông Trump đã hoan nghênh việc bác bỏ dự luật và nói rằng các đề xuất của Tổng thống Biden là “thảm họa”.

Hai vấn đề này hiện đã được tách biệt thành công, có nghĩa là các thượng nghị sĩ hiện có thể thảo luận về tiền viện trợ cho Ukraine một cách riêng lẻ.


Comments are closed.