Tin tức thế giới Thứ năm 05 tháng 5 năm 2022


Spread the love

Võ Thái Hà tổng hợp

Nhật Bản và Đài Loan tuyên bố Trung Quốc điều hạm đội 8 chiến hạm tới Thái Bình Dương

Aldgra Fredly

https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/Liaoning-carrier-GettyImages-950497784-1200x756-1-700x420-1.jpg

Hàng không mẫu hạm duy nhất đang hoạt động của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh (dẫn đầu), ra khơi cùng các chiến hạm khác trong một cuộc tập trận trên biển hồi tháng 04/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images) Đông Dương 

Nhật Bản và Đài Loan cho biết Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tức Trung Cộng đã điều nhóm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, bao gồm 8 chiến hạm, vào Thái Bình Dương. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố hôm 03/05 rằng tám chiến hạm của Trung Quốc, trong đó có một hàng không mẫu hạm, đã đi qua giữa các đảo trong chuỗi đảo Okinawa phía nam Nhật Bản hôm 02/05. 

Theo tuyên bố này, hôm 01/05 hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và nhóm tác chiến gồm 5 chiến hạm của nó lần đầu tiên được phát hiện cách các đảo Danjo của tỉnh Nagasaki khoảng 350 km (217 dặm) về phía tây nam. Vào cuối ngày 01/05 và đầu ngày 02/05, một khu trục hạm khác và một tàu khu trục đã gia nhập hạm đội tàu này.

Trong số các chiến hạm Trung Quốc bị quân đội Nhật Bản phát hiện có khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường cỡ lớn Type 055 Nam Xương, khu trục hạm hỏa tiễn dẫn đường Type 052D Thành Đô và tiếp tế hạm chiến đấu nhanh Type 901.

Mặc dù không có hành vi xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, nhưng Bộ tuyên bố rằng ít nhất một chiến hạm đã cập bờ trong phạm vi 160 km (99 dặm) từ Đảo Taisho gần quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Quần đảo Điếu Ngư, The Japan Times đã đưa tin.

Bộ này tuyên bố rằng Nhật Bản đã triển khai hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Izumo, phi cơ tuần tra hàng hải P-1, và phi cơ chống tàu ngầm P-3C để giám sát hoạt động của các chiến hạm Trung Quốc. 

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã ban hành cảnh báo vô tuyến và khai triển hệ thống hỏa tiễn phòng không để theo dõi hoạt động của các tàu hải quân Trung Quốc.

Theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, bao gồm 8 chiến hạm, là “nhóm tàu lớn nhất ra khơi xa trong số các chuyến đi gần đây”.

Ông Cao Tú Thành (Gao Xiucheng), một phát ngôn viên của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết hôm 03/05 rằng các chiến hạm này đang tham gia huấn luyện tác chiến định kỳ ở Tây Thái Bình Dương. Ông Cao nói rằng sự khai triển quân sự này là phù hợp với luật pháp quốc tế và không nhắm mục tiêu vào bất kỳ bên nào. 

Các căng thẳng giữa Đài Loan tự quản và chế độ ở Bắc Kinh ngày càng leo thang, khi Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cam kết sẽ chinh phục hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết.

Thanh Nhã biên dịch

Đức kêu gọi Ukraine giải toả bế tắc ngoại giao 

05/5/2022 

Reuters 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 4/5 thúc đẩy Ukraine giải tỏa bế tắc ngoại giao sau khi Tổng thống Đức không được thăm Kyiv giữa quan ngại về việc ông từng ủng hộ quan hệ với Nga trong quá khứ.

Đại sứ Ukraine tại Đức đã chỉ trích Thủ tướng Scholz vì không chịu đến Ukraine trước khi Tổng thống Frank-Walter Steinmeier được chào đón ở đó.

“Đây là một vấn đề đối với chính phủ Đức và người dân Đức khi Tổng thống được yêu cầu chớ đến thăm”, Thủ tướng Scholz nói với các phóng viên sau những cuộc thảo luận với nội các.

Ông nói “Ukraine cũng phải làm vai trò của họ”, nhưng không cho biết bằng cách nào.

Cuộc tranh cãi là một bước ngoặt khó xử cho các mối quan hệ trong lúc mà sự phản đối của Đức trước cuộc xâm lược của Nga là rất quan trọng đối với Ukraine, do ảnh hưởng của Đức trong Liên hiệp châu Âu và việc EU đang cân nhắc các chế tài chống Moscow.

Tổng thống Steinmeier đã lên kế hoạch đến thăm thủ đô Ukraine vào tháng 4 nhưng chuyến đi bị hủy.

Truyền thông Đức trước đây loan tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã từ chối chào đón ông Steinmeier ở Kyiv vì sự ủng hộ kéo dài nhiều năm của ông đối với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nối Nga với Đức.

Lãnh đạo phe đối lập chính của Đức, ông Friedrich Merz, đã tới Ukraine hôm 3/5, thăm thị trấn Irpin bị đánh bom trước khi đến thủ đô Kyiv gần đó để thảo luận với Tổng thống Ukraine.

Thủ tướng Scholz nói ông đã liên lạc với đối thủ chính trị của mình về chuyến đi đó.

Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo chống lạm phát

Ảnh minh họa : Tòa nhà Sở Giao dịch Chứng khoán New York (New York Stock Exchange), Mỹ, ngày 24/01/2022. AP – John Minchillo 

Lần đầu tiên từ 22 năm qua, ngân hàng trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất chỉ đạo, một công cụ để chống lạm phát và giúp ổn định kinh tế. Thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang (FED) Jerome Powell hôm 04/05/2022 thông báo tăng 0,5% lãi suất chỉ đạo trong bối cảnh Hoa Kỳ phải đối mặt với lạm phát ở mức cao nhất từ bốn thập niên qua. 

FED dự trù tiếp tục sử dụng công cụ này từ nay đến cuối năm để giữ lạm phát ở mức từ 2 đến 3%, thay vì hơn 8% như trong tháng 3/2022.

Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washignton cho biết thêm :

“Lạm phát quá cao. Thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang, Jerome Powell, không vòng vo khi thông báo quyết định của ủy ban hoạch định chính sách tiền tệ của định chế này. Mục tiêu chính thức của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ là giữ lạm phát ở mức 2%. Hồi tháng 3, chỉ số này vượt quá ngưỡng 8% tính trên một năm, mức cao nhất từ 40 năm qua. 

Vật giá leo thang đang là một đề tài chính trị nổi bật trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ năm nay. Đối với tổng thống Joe Biden, đây quả là một vấn đề. Tuy nhiên, đối với ngân hàng trung ương, đó là nhiệm vụ chính của họ, cùng với việc bảo đảm việc làm cho người dân. Nhìn từ góc độ này, tình hình khá tốt, với tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay dưới mức 4%. Thị trường lao động đang rất căng, để tuyển dụng và giữ chân nhân viên, giới chủ đã phải tăng lương cho họ. Điều đó đẩy giá cả lên cao thêm. Chiến tranh Ukraina và các đợt phong tỏa tại Trung Quốc gây trở ngại cho chuỗi cung ứng cũng là nguyên nhân dẫn tới lạm phát. 

Đối với Cục Dự Trữ Liên Bang, giải pháp còn lại là nhanh chóng tăng lãi suất ngân hàng. Do vậy, từ nay đến cuối năm, FED sẽ còn tăng thêm lãi suất để ổn định giá cả mà vẫn tránh làm tê liệt các hoạt động kinh tế. Cho dù GDP của Mỹ giảm trong quý vừa qua, ông Jerome Powell vẫn tin tưởng đà phục hồi là rất vững chắc và suy thoái không đe dọa kinh tế Mỹ, mà Thống đốc Cục Dự Trữ Liên Bang nghĩ là có thể giúp hạ cánh nhẹ nhàng”. 

Ngân hàng Trung ương Anh trên nguyên tắc hôm nay, 05/05/2022, cũng sẽ thông báo tăng lãi suất chỉ đạo, giảm nhẹ áp lực của lạm phát. Đây sẽ là lần thứ tư từ cuối 2021, Anh Quốc giảm lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu, lần đầu tiên cũng nêu lên khả năng sử dụng công cụ này để chống lạm phát.

Liệu Bắc Kinh có tránh được số phận như Thượng Hải?

Với số ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, giới chức Bắc Kinh đang làm mọi cách để ngăn dịch. Kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày vừa rồi đã diễn ra im ắng khi cửa hàng, nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng đồng loạt phải đóng cửa. Hiện người dân đang được xét nghiệm hàng loạt, trong khi một số bị cách ly tại nhà. Trong ngày thứ Tư, thành phố ghi nhận 51 ca nhiễm mới.

Việc có nhiều người cao tuổi chưa được tiêm phòng là nguyên nhân khiến chính quyền thủ đô lo ngại. Tuy vậy chính sách zero-covid cũng gây ra nhiều thiệt hại. Người nước ngoài và dân địa phương đang tính đến việc rời đi, khi nhiều người bất mãn trước chi phí kinh tế- xã hội khổng lồ của các quy định.

Phong tỏa trung tâm quyền lực của Đảng Cộng sản sẽ là một điều không thể chấp nhận được. Do đó, chính quyền quyết tâm không để thủ đô bị phong tỏa như Thượng Hải. Thay vào đó, họ hy vọng dùng Bắc Kinh để chứng minh chính sách chống dịch thực sự có hiệu quả, và Thượng Hải chỉ là một ngoại lệ. Lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình dường như tin rằng khoa học, sự kiên trì và tinh thần của đảng là đủ để ngăn chặn virus. Nhưng omicron là một kẻ thù đáng gờm.

Cuộc bầu cử quan trọng của Bắc Ireland

Bắc Ireland có thể đang đứng trước một thời khắc lịch sử. Vào thứ Năm, các cử tri sẽ quyết định thành phần 90 ghế của nghị viện ở Belfast. Thăm dò dư luận liên tục cho thấy đảng Sinn Fein, bên muốn thống nhất Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland, sẽ giành chiến thắng. Nếu vậy, đây sẽ là chiến thắng đầu tiên của một đảng theo chủ nghĩa dân tộc trong lịch sử 101 năm của Bắc Ireland.

Sinn Fein đã nói họ sẽ không vội vàng tiến hành trưng cầu dân ý về thống nhất Ireland. Theo Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, được ký vào năm 1998, thủ hiến và phó thủ hiến có vị thế ngang nhau. Vì phó thủ hiến nhiều khả năng là người của đảng phản đối thống nhất, nên việc Sinn Fein chiến thắng sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Tác động trước mắt là đối với Nghị định thư Bắc Ireland, một phần trong thỏa thuận Brexit của Anh, vốn tạo ra một biên giới trên Biển Ireland. Sinn Fein và các bên ủng hộ quy chế này gần như chắc chắn sẽ thắng đa số. Biên giới biển tiếp tục chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của Anh – và đưa xứ này đến gần Ireland hơn.

Tình hình hiện tại của EU 

Các thể chế đa phương như Liên minh châu Âu luôn được biết đến với sự hoa mỹ và đầy cung cách. Vì vậy cũng không quá khi cho rằng một hội nghị học thuật về EU sẽ luôn xa rời thực tế. Tuy nhiên, cuộc họp “Tình hình của Liên minh” tại Viện Đại học Châu Âu ở Florence, bắt đầu vào thứ Năm, lại rất thực chất.

Hầu hết là những chủ đề lâu năm về hội nhập châu Âu: ổn định nền kinh tế của khu vực đồng euro bằng cách chi mạnh tiền EU, phân bổ người tị nạn giữa các nước thành viên, phi carbon hóa nền kinh tế, đảm bảo pháp quyền và xây dựng đường sắt xuyên biên giới. Song các nước thành viên đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Ukraine. Bỗng nhiên chính sách năng lượng giờ không chỉ là nhằm chống biến đổi khí hậu mà còn chống cả Nga. Và một EU tự coi mình là “siêu cường chuẩn tắc” đang tự hỏi liệu đặt ra một loạt lệnh cấm có giúp ngăn được những đoàn xe thiết giáp hay không. Chắc chắn các đại biểu sẽ rất bận rộn.

Tòa án Tối cao Ấn Độ xem lại luật cấm phỉ báng chính phủ

Quyền tự do báo chí ở Ấn Độ, vốn đã căng thẳng, đang bị xói mòn. Theo chỉ số tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, nước này xếp thứ 150 (trong số 180 nước) trên thế giới, giảm từ vị trí 142 của năm 2021. Một lý do là việc tăng cường thực thi luật cấm phỉ báng, theo đó trừng phạt bất kỳ ai nói hoặc viết nội dung “khinh miệt” chính phủ. Từng được các nhà cai trị thuộc địa Anh sử dụng để bịt miệng phong trào độc lập, giờ đây nó lại trở thành vũ khí cho chính phủ trấn áp mọi nguồn cơn rắc rối, từ các nhà bất đồng chính kiến cho ​​đến các nhà báo mạnh miệng.

Song mọi chuyện có thể thay đổi từ thứ Năm. Tòa án Tối cao Ấn Độ sẽ tổ chức phiên điều trần cuối cùng xoay quanh tính hợp hiến của luật. Những người khởi kiện, bao gồm một nhóm đại diện cho các nhà báo, cho rằng nó có một “tác động xấu” lên quyền tự do ngôn luận. Trước đây, những lời biện hộ của chính phủ – thường cho rằng luật rất cần thiết cho “an ninh quốc gia” – luôn chiếm ưu thế.

Bắc Kinh giúp mở rộng bệnh viện lớn nhất của Quần đảo Solomon

Daniel Y. Teng

https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/solomon-islands-china-700x420-1.jpg

Những người biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội trong cuộc họp báo của Thủ tướng Manasseh Sogavare ở Honiara, Quần đảo Solomon, hôm 24/01/2019. (Ảnh: Robert Taupongi/AFP qua Getty Images) 

Trong một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ bền chặt đang tiếp diễn giữa chính phủ Bắc Kinh và chính phủ Quần đảo Solomon, các quan chức ở cả hai quốc gia đã ký kết xây dựng một trung tâm y tế mới ở Bệnh viện Chuyển tuyến Quốc gia tại thủ đô Honiara. 

Đây là bệnh viện lớn nhất ở quốc gia Thái Bình Dương này, với 300 giường bệnh và 50 bác sĩ ở trung tâm mới tập trung chẩn đoán các vấn đề về tim mạch trước khi mở rộng cung cấp các dịch vụ chuyên khoa thận và các bệnh không lây nhiễm khác. 

“Một lời cảm ơn chân thành đến chính phủ và người dân Trung Quốc,” bà Pauline McNeil, Bộ trưởng Thường trực Bộ Y tế, nói trong một bản tuyên bố được chính phủ Solomon công bố. 

Bà McNeil đã ký biên bản của một nghiên cứu khả thi thực địa cùng với ông Dao Minh, Phó Đại sứ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Quần đảo Solomon.

Trong khi đó, hôm 03/05, các đại biểu Nhật Bản cũng đã ký kết về các nghiên cứu ban đầu để xây dựng Bệnh viện Kilu’ufi ở tỉnh Malaita lân cận. 

Các hành động của Tokyo và Bắc Kinh phản ánh một cuộc chiến đang diễn ra nhằm gây ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương giữa các quốc gia dân chủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ-Trung Cộng).

Các mối lo ngại đã tăng cao đáng kể trong những tuần gần đây sau khi một hiệp ước an ninh giữa ĐCSTQ và chính phủ Quốc đảo Solomon được ký kết. Hiệp ước này có thể mở đường cho quá trình quân sự hóa khu vực Nam Thái Bình Dương tương tự như ở Biển Đông. 

Theo một bản dự thảo bị rò rỉ của “Hợp tác An ninh giữa Quần đảo Solomon và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC),” Bắc Kinh sẽ có thể điều động cảnh sát, quân đội, vũ khí, và thậm chí cả chiến hạm hải quân với sự đồng ý của Quần đảo Solomon, để “bảo vệ sự an toàn của các nhân viên và các dự án lớn của Trung Quốc tại Quần đảo Solomon.”

Quần đảo Solomon là địa điểm diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt trong Đệ nhị Thế chiến – gây thương vong cho 7,000 người thuộc các lực lượng của phe Đồng minh – bởi vì vị trí chủ chốt của quần đảo này và ảnh hưởng của nó đối với các tuyến đường biển trọng yếu. 

Bất chấp những lời kêu gọi từ các nhà chức trách Úc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ, Thủ tướng Manasseh Sogavare vẫn bảo vệ thỏa thuận này. 

Ông Sogavare gây bất bình sâu sắc ở quốc gia này — đất nước vốn có một lịch sử xung đột dân sự – và có những lo ngại cho rằng ông có thể tìm cách ngăn chặn cuộc bầu cử quốc gia năm 2023 diễn ra bằng cách sắp đặt một sự kiện cờ giả.

Chuyên gia về Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal đã kêu gọi các quốc gia dân chủ ngừng hợp tác với vị thủ tướng này với hy vọng khiến ông ấy thay đổi ý định, và thay vì thế, hãy khiến ông ấy phải chịu trách nhiệm thi hành Hiệp định Hòa bình Townsville năm 2000, vốn đã dẫn đến một kỷ nguyên của sự ổn định và chính phủ quốc gia cho đất nước này.

Trong khi đó, quan chức Hải quân Hoa Kỳ đã về hưu Grant Newsham đã kêu gọi các nước đồng minh dân chủ hướng sự chú ý đến các cáo buộc hối lộ do ĐCSTQ gây ra. 

“Tất cả các thỏa thuận đã ký với Trung Quốc hoặc công ty ngoại quốc khác ở quần đảo Solomon nên được công chúng tìm hiểu kỹ lưỡng,” thành viên cao cấp ở Viện Yorktown này đã viết cho The Epoch Times. “Bên cạnh việc cắt giảm các nỗ lực lật đổ của Bắc Kinh, thì sự minh bạch và việc tiết lộ các hoạt động tham nhũng sẽ hỗ trợ các chính trị gia và các nhóm ở địa phương – những người muốn có một chính phủ trung thực và đồng thuận và phản đối sự thống trị của ĐCSTQ.”

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. 

Thanh Nhã biên dịch

Cấm vận dầu hỏa Nga: Lại rạn nứt trong nội bộ Liên Âu

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong buổi thảo luận về hậu quả kinh tế, xã hội của chiến tranh Ukraina đối với Liên Hiệp Châu Âu tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 04/05/2022. AP – Jean-Francois Badias 

Đúng như chờ đợi, hôm qua, 04/05/2022, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất loạt trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga về cuộc xâm lược Ukraina, trong đó quan trọng nhất là quyết định cấm vận dầu hỏa Nga. Và cũng đúng như dự đoán, đề nghị này đã gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, giữa những nước như Hungary, Slovakia đang lệ thuộc nặng nề vào Matxcơva, với các thành viên triệt để chống Nga như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic.  

Trong phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu họp tại Strasbourg, miền đông nước Pháp, nơi đặt trụ sở của Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen, khi trình bày loạt trừng phạt thứ sáu chống lại Nga, đã công khai thừa nhận rằng việc áp dụng lệnh cấm vận dầu hỏa Nga sẽ “không dễ dàng” đối với “một số quốc gia thành viên đang phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga”.  

Tương tự như lệnh cấm nhập khẩu than đá đã ban hành từ đầu năm và sẽ áp dụng kể từ ngày 01/08 tới đây, lệnh cấm vận dầu hỏa – vận chuyển bằng đường biển hoặc đường ống – sẽ chỉ có hiệu lực trong vài tháng nữa. Mục tiêu là dừng nhập khẩu dầu thô vào tháng 11 và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm. Trước đó, ngay từ tháng 6 tới, Ủy Ban cũng muốn cấm các công ty EU cung cấp mọi dịch vụ liên quan đến việc xuất khẩu dầu hỏa Nga ra thế giới, từ vận chuyển, môi giới, cho đến bảo hiểm và tài chính. 

Ủy Ban Châu Âu dĩ nhiên cũng chiếu cố các nước nằm sâu trong đất liền như Slovakia và Hungary, hai nước kết nối với các đường ống dẫn dầu của Nga nhưng lại không được kết nối với các đường ông châu Âu. Hai thành viên này sẽ được hưởng một thời hạn một năm trước khi phải dừng mua dầu hỏa từ Nga. 

Vấn đề đối với Liên Hiệp Châu Âu là các biện pháp trừng phạt Nga phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên, và ngay từ hôm qua, Hungary đã tỏ ý bất bình. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto không ngần ngại khẳng định : “Hungary chỉ có thể chấp nhận các lệnh trừng phạt này nếu việc nhập khẩu dầu thô bằng đường ống được miễn các hạn chế”.  

Slovakia cũng đòi một thời gian chuyển tiếp ít nhất là ba năm, trong lúc Cộng Hòa Séc và Bulgari đòi được đối xử đặc biệt. Ngay cả các nước như Hy Lạp, Malta và Síp cũng tỏ ra khó chịu trước lệnh cấm tàu ​​của EU vận chuyển dầu hỏa Nga đi khắp thế giới. 

Đối lập với thái độ miễn cưỡng, thậm chí chống đối kể trên, Ba Lan và các nước Baltic như Litva, Latvia lại muốn áp dụng cấm vận ngay lập tức và từ chối các trường hợp ngoại lệ. 

Lập trường của Đức 

Riêng đối với hai nước đầu tầu của Liên Âu, việc cấm vận dầu hỏa Nga không thành vấn đề, vì Pháp không phải là khách hàng của Matxcơva trong lãnh vực này, trong lúc Đức đã chuẩn bị trước cho một biện pháp như vậy, và trong những tuần gần đây đã giảm đáng kể lượng dầu hỏa nhập khẩu từ Nga. 

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut giải thích:  

“Có thể có “những xáo trộn”, đặc biệt ở cấp vùng”: Bộ trưởng Kinh Tế và Khí Hậu Đức Robert Habeck, thừa nhận rằng lệnh cấm vận dầu hỏa Nga có thể có ảnh hưởng trên nước Đức, trong đó các vấn đề giá cả. Tuy nhiên, vào hôm qua, sau một cuộc hội thảo của chính phủ, thủ tướng Scholz cùng với vị bộ trưởng của ông xác định rằng Đức đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy.  

Cho đến gần đây, một phần ba dầu hỏa mà Đức nhập khẩu đến từ Nga, thế nhưng mới đây, Berlin đã giảm được 2/3 mức lệ thuộc này. Các nguồn cung cấp thay thế đã sẵn sàng, và thời hạn chuyển tiếp do Ủy Ban Châu Âu ấn định đủ dài để Đức ứng phó. 

Miền đông của nước Đức vẫn còn là vấn đề với một nhà máy lọc dầu ở Schwedt ở Brandenburg thuộc tập đoàn Rosneft của Nga, cung cấp dầu cho 90% khu vực Berlin. Thế nhưng Đức không loại trừ việc tịch thu nhà máy. 

Đức cũng đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than của Nga, chỉ còn bằng 1/4 mức trước đây. Thách thức lớn nhất đối với Berlin vẫn là nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Đức sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để từ bỏ nguồn cung này. Thế nhưng, thị phần của khí đốt Nga tại Đức đã giảm từ 55% xuống còn 35% trong vỏn vẹn vài tuần”.  

Nga bác bỏ kế hoạch chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 9 tháng 5

Diễn tập cho cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng năm nay tại Moscow hôm 04/05

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, 

Diễn tập cho cuộc duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng năm nay tại Moscow hôm 04/05

Nga đã bác bỏ những đồn đoán rằng họ sẽ tuyên bố một cuộc chiến tranh toàn diện ở Ukraine trong những ngày tới, và gọi đây là điều “nhảm nhí”.

Cho đến nay, Moscow vẫn phủ nhận đang tiến hành chiến tranh, thay vào đó gọi cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Nhưng các quan chức Phương Tây suy đoán rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng lễ duyệt binh vào ngày Chiến thắng 09/05 để công bố leo thang hành động quân sự.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “không hề” có sự thật nào trong những tin đồn. 

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuần trước cho biết cuộc duyệt binh ở Moscow – kỷ niệm Hồng quân Liên Xô chiến thắng Phát xít Đức và Thế chiến lần 2 chấm dứt – có thể được sử dụng để tăng sức ủng hộ cho một đợt tổng động viên quân đội quy mô lớn và làm mới cuộc tấn công vào Ukraine. 

“Tôi sẽ không ngạc nhiên, và tôi không có bất kỳ thông tin nào về điều này, rằng có thể ông ấy [Putin] sẽ tuyên bố vào ngày 9 tháng 5 này rằng ‘chúng ta đang có chiến tranh với phát xít trên thế giới và chúng ta cần huy động nhân dân Nga’,” ông Wallace nói với đài phát thanh LBC.

Các quan chức Nga chỉ tuyên bố cuộc xâm lược là một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” hoặc “giải trừ phát xít” ở Ukraine, đề cập đến tuyên bố vô căn cứ về lực lượng phát xít trong chính phủ Ukraine vốn được Moscow sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược.

Cùng với lễ duyệt binh hàng năm ở Moscow, cũng có những thông tin có từ lâu cho rằng Điện Kremlin đang lên kế hoạch có thêm một cuộc diễu binh khác tại thành phố Mariupol ở miền nam Ukraine, nơi hầu như đang nằm trong sự kiểm soát của Nga. Lực lượng Ukraine vẫn còn ở một khu vực của thành phố – nhà máy thép Azovstal.

Các báo cáo mới nhất cho biết sau khi sơ tán thành công một số dân thường gần đây, các cuộc tấn công vào các nhà máy thép bắt đầu lại, những người lính cuối cùng còn lại bên trong đã bị mất liên lạc. 

Các quan chức Ukraine cho biết đường phố ở trung tâm thành phố đang được dọn dẹp các mảnh vỡ, thi thể và bom chưa nổ. Phần lớn thành phố nằm trong đống đổ nát, sau khi quân Nga ném bom không ngừng trong nhiều tuần vây hãm. 

Chính trị gia người Ukraine Alyona Shkrum nói với BBC bà đoán trước rằng mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn cùng với lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng của Nga.

“Đối với Putin và đối với đế chế mà ông ta đang cố gắng gầy dựng, về cơ bản đây là một ngày mang tính biểu tượng, phải không?” – bà nói.

“Vì vậy, ông ta lấy một ngày chiến thắng nào đó và ông ta biến thành một cuộc chiến lớn ngay lúc này chống lại phát xít, đó rõ ràng là tuyên truyền của Nga và hoàn toàn lố bịch.”

“Chúng tôi cho rằng sẽ có những khoảng thời gian khá khó khăn ở Kyiv, ở Odesa, ở Mariupol, và ở các thành phố khác trong ngày 09/05.”

line

Phân tích của Frank Gardner – Phóng viên an ninh, BBC News

Trước rủi ro phải tuyên bố rõ ràng, chỉ có một người có thể chắc chắn tuyệt đối về cách Nga sẽ kỷ niệm ngày Chiến thắng hàng năm vào 09/05 như thế nào- đó là Vladimir Putin. Và ông ta đang giữ kín quân bài của mình.

Việc Moscow phủ nhận có kế hoạch tuyên chiến vào ngày đó phải được tiếp cận với sự hoài nghi.

Trong những ngày trước khi cuộc xâm lược nổ ra vào 24/02, các quan chức Nga đã cùng nhau chế nhạo những ‎ý kiến về một cuộc xâm lược sắp xảy ra là “sự tuyên truyền và cuồng loạn của Phương Tây”. Tuy nhiên họ đã xâm lược, khiến thậm chí nhiều người Ukraine ngỡ ngàng.

Vì vậy, tối thiểu nhất thì chúng ta có thể thấy có những tuyên bố chiến thắng về các mục tiêu đã đạt được và những kẻ thù (có thật hoặc tưởng tượng) đã bị đánh bại.

Nato có thể sẽ bị đổ lỗi cho tốc độ tiến công chậm chạp của Nga ở khu vực Donbas, miền đông Ukraine và có thể sẽ có thêm những cảnh báo với Phương Tây về việc chấm dứt giúp Ukraine tự vệ.

Dù điều gì xảy ra vào ngày 09/05, thật khó thấy rằng cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc.

Tags: , ,

Comments are closed.