Tin tức thế giới Thứ hai 23 tháng 5 năm 2022


Spread the love

Võ Thái Hà

TT Biden hứa giữ gìn ‘cam kết’ bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công 

Naveen Athrappully

https://etviet.com/wp-content/uploads/2022/05/Biden-700x420-1.jpg

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trình bày trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sau cuộc gặp song phương của họ tại Cung điện Akasaka ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 23/05/2022. (Ảnh: Jonathan Ernst/Reuters) 

Tổng thống (TT) Joe Biden đã nhắc lại sự ủng hộ của đất nước ông đối với Đài Loan, khi tuyên bố hôm thứ Hai (23/05) rằng chính phủ ông sẵn sàng bảo vệ Đài Loan bằng vũ trang nếu có một cuộc tấn công của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào hòn đảo này. 

Khi ông Biden được một phóng viên hỏi trong cuộc họp báo ngày 23/05 ở Tokyo rằng liệu ông có “sẵn sàng can dự quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu có chuyện xảy đến với nước đó không?” ông đã trả lời thẳng thừng bằng một chữ “Có”. 

Sau đó, ông Biden nói thêm, “Đó là cam kết mà chúng ta đã thực hiện. Xem đây, tình huống là như thế này. Chúng ta đồng tình với chính sách ‘Một Trung Quốc’, chúng ta đã ký vào chính sách đó, và tất cả các thỏa thuận dự kiến ​​được thực hiện từ đó. Nhưng ý tưởng rằng [Đài Loan] có thể bị chiếm đoạt bằng vũ lực … là không phù hợp,” ông nói về những lời đe dọa của ĐCSTQ đối với hòn đảo láng giềng tự quản của nước này. 

“Việc xâm lược sẽ làm mất trật tự toàn bộ khu vực, và là một hành động khác tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine. Và do đó, đó là một gánh nặng thậm chí còn lớn hơn.” 

“Chính sách Một Trung Quốc” được Hoa Kỳ và các chính phủ trên thế giới chấp nhận khác với “Nguyên tắc Một Trung Quốc” của ĐCSTQ, mặc dù nhà cầm quyền Trung Quốc chỉ công nhận phiên bản ‘Một Trung Quốc’ của họ. Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và phải chịu sự cai quản của ĐCSTQ. 

Hoa Kỳ biết rõ lập trường của Trung Quốc, nhưng không công nhận Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc. Tóm lại, một chính sách thì có thể thay đổi nhưng một nguyên tắc thì không. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price đã viết trên Twitter hôm 21/05 để phân biệt hai quan điểm này, “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) tiếp tục công khai xuyên tạc chính sách của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không chấp nhận ‘nguyên tắc một Trung Quốc’ của CHND Trung Hoa — chúng tôi vẫn cam kết thực hiện chính sách lưỡng đảng, một Trung Quốc lâu đời của chúng tôi được đạo dẫn bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Ba Thông cáo Chung và Sáu Bảo đảm.” 

Ông Biden đang ở Tokyo để gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo thế giới về việc ra mắt liên minh Á Châu-Thái Bình Dương mới do Hoa Kỳ lãnh đạo, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF), với 13 quốc gia đã đăng ký, bao gồm Ấn Độ và Nhật Bản, nhưng không có Đài Loan. 

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tìm cách tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, những nước đang đối mặt với sự gây hấn ngày càng tăng của ĐCSTQ trong khu vực. 

Trong hội nghị ở Tokyo, ông Biden nói rằng ông không mong đợi xảy ra một cuộc xâm lược Đài Loan của Trung Quốc. 

Mặc dù lập trường của ông Biden có vẻ dứt khoát và trước đây ông đã từng đưa ra những nhận xét tương tự về Đài Loan, nhưng các quan chức Tòa Bạch Ốc trước đây đã làm rõ rằng Hoa Kỳ không có bất kỳ thay đổi nào trong chính sách ở khu vực này. 

Hoa Kỳ vẫn duy trì [chính sách] “mơ hồ chiến lược” liên quan đến việc phòng thủ quân sự cho Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. 

Những lo ngại ngày càng tăng về Trung Quốc đã thúc đẩy Nhật Bản và Đảng Dân Chủ Tự Do cầm quyền của nước này có lập trường cứng rắn hơn và tăng cường khả năng quốc phòng của mình. Các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm Ấn Độ, Nam Hàn, và Philippines, cũng đang làm như vậy. 

Ông Naveen Athrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới cho The Epoch Times. 

Hồng Ân và Minh Ngọc biên dịch

Ukraine bác việc nhượng bộ lãnh thổ, Nga tăng cường các cuộc tấn công 

23/5/2022 

Reuters 

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine. 

Ukraine bác bỏ lệnh ngừng bắn hoặc nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga, trong khi Tổng thống Ba Lan cho biết bất kỳ sự mất mát nào về lãnh thổ Ukraine sẽ là một “đòn giáng mạnh” đối với toàn bộ phương Tây khi ông cảnh báo không nương theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo Reuters.

Còi báo động không kích vang lên khắp Ukraine vào sáng ngày 23/5, gióng lên hồi chuông báo động hàng ngày trước các cuộc tấn công dự kiến của lực lượng Nga ở miền đông và miền nam đất nước.

Nga đã tăng cường tấn công các khu vực Donbas và Mykolaiv bằng các cuộc không kích và hỏa lực, theo chiến lược mà Ukraine mô tả là “thiêu đốt xương sống” để giành quyền kiểm soát mặt trận phía đông.

Ông Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết trên Twitter hôm 22/5: “Chiến tranh phải kết thúc với việc khôi phục hoàn toàn toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đề xuất ủng hộ cho Ukraine, ông nói với các nhà lập pháp ở Kyiv hôm 22/5 rằng cộng đồng quốc tế phải yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn và việc hy sinh bất kỳ lãnh thổ nào sẽ là một “đòn giáng mạnh” đối với toàn bộ phương Tây.

“Những tiếng nói lo lắng đã xuất hiện, nói rằng Ukraine nên nhượng bộ trước những yêu cầu của Putin”, ông Duda nói. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên trực tiếp phát biểu trước Quốc hội Ukraine kể từ cuộc xâm lược ngày 24/2 của Nga.

“Chỉ Ukraine mới có quyền quyết định về tương lai của mình”.

Ukraine và Ba Lan đã nhất trí thành lập một cơ quan kiểm soát hải quan chung ở biên giới và làm việc trên một công ty đường sắt chung để sự di chuyển của người dân được thuận lợi và tăng xuất khẩu của Ukraine.

TT Mỹ thăm Nhật Bản : Washington và Tokyo gởi thêm tín hiệu cứng rắn đến Bắc Kinh

Tổng thống Mỹ Joe Biden (T) và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự sự kiện ra mắt Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Tokyo, Nhật Bản, ngày 23/05/2022. REUTERS – JONATHAN ERNST 

Một hôm sau khi đến Tokyo trong chuyến công du châu Á đầu tiên từ ngày nhậm chức, cùng với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Mỹ Joe Biden vào hôm nay, 23/05/2022, đã đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn liên tiếp nhắm vào Trung Quốc. Lãnh đạo Mỹ đồng thời loan báo việc hình thành một khối thương mại mới bao gồm 13 nước – trong đó có Việt Nam – nhằm củng cố sự hiện diện của Mỹ ở  Châu Á – Thái Bình Dương, làm đối trọng với Bắc Kinh.  

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc họp báo chung, lãnh đạo Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khẳng định trở lại “tầm nhìn chung về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đồng thời cho biết là hai nước đã đồng ý giám sát hoạt động hải quân của Trung Quốc trong khu vực, nơi mà Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng bành trướng. Theo thủ tướng Nhật Bản, “cần phải kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế”, kể cả về kinh tế. 

Trong thông cáo chung Mỹ – Nhật công bố vào hôm nay sau cuộc hội đàm tại Tokyo, tổng thống Biden và thủ tướng Kishida cho biết là đã thảo luận về các hành động không phù hợp với luật lệ quốc tế của Trung Quốc, bao gồm cả việc cưỡng bức bằng kinh tế và các biện pháp khác. 

Hai lãnh đạo đã “phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, đồng thời nhắc lại quan điểm phản đối mạnh mẽ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc, các hành vi quân sự hóa các đảo đã được bồi đắp và các hoạt động cưỡng chế ở Biển Đông”. Hai bên đều nhấn mạnh quyết tâm trong việc duy trì pháp quyền, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, nhất quán với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Riêng tổng thống Biden nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp Ước Hợp Tác và An Ninh Hỗ Tương, và tái khẳng định là Điều V của hiệp ước này áp dụng cho quần đảo Senkaku. Quần đảo này trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền và thường xuyên cho tàu vào sách nhiễu. 

Khối thương mại mới có Việt Nam tham gia 

Trong cuộc họp báo với thủ tướng Nhật Kishida, tổng thống Mỹ Biden cũng loan báo việc hình thành một cơ cấu quan hệ đối tác kinh tế mới ở vùng Châu Á – Thái Bình Dương, với sự tham gia ban đầu của 13 quốc gia, nhưng không có Trung Quốc. 

Cơ chế thương mại mới này mang tên Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF) không phải là hiệp định tự do mậu dịch, nhưng tạo điều kiện cho sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các nước thành viên trong 4 lĩnh vực chính : Kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và cuộc chiến chống tham nhũng. 

Trong môt thông báo đề ngày 23/05 được Nhà Trắng công bố, ngoài Hoa Kỳ, khối IPEF còn bao gồm Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và 7 nước Đông Nam Á là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tổng cộng, kinh tế của toàn khối chiếm 40% GDP thế giới. 

Việc Trung Quốc không được mời gia nhập Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ – Thái Bình Dương đã khiến Bắc Kinh tức tối. Cho dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã khẳng định rằng khối này là một cơ chế “mở”, hoàn toàn có thể đón nhận thêm thành viên mới, nhưng vào hôm qua Bắc Kinh đã tố cáo một “nhóm nhỏ” muốn “kềm chế Trung Quốc”. 

Thủ tướng Anh điện đàm với tân thủ tướng Australia về Ukraine, thương mại 

23/5/2022 

Reuters 

Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. 

Hôm 23/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson đồng ý với tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese rằng cuộc chiến Ukraine không được khuyến khích các nước khác phá hoại sự ổn định toàn cầu, Reuters dẫn lời người phát ngôn của thủ tướng cho biết.

“Các nhà lãnh đạo nhất trí rằng điều quan trọng là cuộc chiến ở Ukraine không khuyến khích các nước khác phá hoại sự ổn định toàn cầu”, người phát ngôn cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng hai nhà lãnh đạo hy vọng có thể gặp mặt trực tiếp.

“Về thương mại, cả hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng Hiệp định Thương mại Tự do là vô cùng quan trọng đối với cả hai nước trong tương lai”.

Tiêu đề 42 bị bỏ ngỏ cho toà án

Số phận của “Tiêu đề 42” đang trở thành một câu hỏi mở. Đây là chính sách y tế công có từ thời Trump và cho phép trục xuất những người di cư ở biên giới phía nam nước Mỹ, một phần nhằm hạn chế Covid-19 lây lan. Quy định này cho phép các quan chức biên giới loại bỏ người di cư một cách nhanh chóng mà không cần thực hiện các thủ tục trục xuất theo luật. Được biết chính quyền Joe Biden từng muốn kết thúc nó vào ngày 23 tháng 5, song đã bị một thẩm phán liên bang bác bỏ hôm 20 tháng 5.

Hiện lượng người di cư đến biên giới phía nam của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 22 năm qua. Phe muốn giữ lại Tiêu đề 42, bao gồm 24 tiểu bang đã khởi kiện để giữ nguyên quy định, cho rằng nếu không có nó, người di cư vào Mỹ sẽ làm quá tải các dịch vụ xã hội. Nhà Trắng sẽ kháng cáo phán quyết, và để số phận của Tiêu đề 42 cho Tòa Tối cao quyết định. Đây là ví dụ mới nhất cho thấy trước việc Quốc hội trở nên bế tắc, các tòa án ngày càng trở nên quan trọng trong tiến trình làm chính sách. Kết quả là sự biến động và khó dự đoán.

Ukraine trở thành trọng tâm của diễn đàn Davos

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2022/05/22-5-22.jpeg

Diễn đàn Kinh tế Thế giới sẽ khai mạc cuộc họp thường niên tại Davos vào ngày 23 tháng 5, lần đầu tiên kể từ năm 2020. Chiếm trọng tâm chương trình là cuộc chiến ở Ukraine. Bài phát biểu đầu tiên của diễn đàn sẽ là của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông tham dự online, trong khi phó thủ tướng Mykhailo Fedorov và thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, đến dự trực tiếp. Mục tiêu lần này của ông Zelensky là lập được một kế hoạch tài chính cho việc tái thiết Ukraine sau chiến tranh.

Cuộc họp năm nay ở Alpine sẽ không có sự tham dự của phái đoàn Nga. Giữa các lệnh trừng phạt, người Nga đã không được mời. Cũng vắng mặt là Russia House, trụ sở của phái đoàn Nga ở Davos. Thay vào đó là một cuộc triển lãm do Ukraine tài trợ mang tên “Triển lãm Tội phạm Chiến tranh Nga”.

Sri Lanka có thể cải cách chính trị

Nội các lâm thời của Sri Lanka có thể sẽ thực hiện các bước đầu tiên để khôi phục trách nhiệm giải trình chính trị trong tuần tới đây, bằng cách hạn chế quyền lực của tổng thống. Được biết quyền hành của chức vụ này đã được mở rộng đáng kể vào năm 2020 bởi tổng thống đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa. Đây là tin đáng mong chờ cho những người Sri Lanka đã biểu tình suốt nhiều tuần qua để yêu cầu Gota (tên ngắn của ông) từ chức.

Nhưng nó không giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc mà hai tuần trước đã lật đổ chính phủ của cựu thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh trai của Gota. Sri Lanka thậm chí đã vỡ nợ nước ngoài. Cả quốc gia đang tồn tại nhờ các hạn mức tín dụng đặc biệt từ Ấn Độ và trợ giúp khẩn cấp của Ngân hàng Thế giới. Lạm phát nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, cũng như tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và nhiều hàng hoá khác. Vòng đàm phán cho một gói cứu trợ từ IMF và đưa đất nước đi theo một con đường bền vững hơn dự kiến sẽ khép lại vào ngày 24 tháng 5. Trước mắt người Sri Lanka là nhiều tháng khó khăn nữa.

Nhật Bản phản đối Bắc Kinh khai thác khí đốt ở Biển Hoa Đông

VNTB – Nhật Bản phản đối Bắc Kinh khai thác khí đốt ở Biển Hoa Đông

(VNTB) – Nhật Bản đã đệ đơn phản đối Trung Quốc chính thức sau khi phát hiện ra Bắc Kinh đang cố khai thác các mỏ khí đốt trong vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Nhật Bản đã đệ đơn phản đối Trung Quốc chính thức sau khi phát hiện ra Bắc Kinh đang cố khai thác các mỏ khí đốt trong vùng biển tranh chấp ở Biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao Tokyo cho biết họ xác nhận Bắc Kinh đang cho xây dựng trong khu vực có chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của hai nước và gửi khiếu nại đến đại sứ quán Trung Quốc.

Nhật Bản “thúc giục mau chóng nối lại các cuộc đàm phán về việc thực hiện” thỏa thuận song phương năm 2008 liên quan đến việc phát triển các nguồn tài nguyên ở Biển Hoa Đông, họ nói thêm.

Với thỏa thuận đó, Nhật Bản và Trung Quốc đồng ý cùng nhau khai thác trữ lượng khí đốt dưới biển trong khu vực tranh chấp, cấm bất kỳ quốc gia nào tổ chức khoan độc lập.

Nhưng các cuộc đàm phán về việc thực hiện thỏa thuận đã bị đình chỉ vào năm 2010.

Bộ Ngoại Giao Nhật cho biết: “Rất đáng tiếc rằng phía Trung Quốc đang đơn phương tiến hành khai thác ở vùng biển này”.

“Biên giới của đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vẫn chưa được giải quyết ở biển Hoa Đông.”

Nhật Bản từ lâu đã khẳng định đường trung tuyến giữa hai quốc gia nên đươc sử dụng để đánh dấu giới hạn của các vùng đặc quyền kinh tế tương ứng của họ.

Nhưng Trung Quốc khẳng định nên kéo biên giới gần về phía Nhật Bản hơn vì cần tính đến thềm lục địa và các đặc điểm khác của đại dương.

Nhật bản cáo buộc Trung Quốc đã cho đặt 17 giàn khoan gần với vùng hải phận Nhật.

Các giàn khoan nằm ở phía biên giới của Trung Quốc, nhưng Tokyo sợ rằng khí đốt ở phía Nhật Bản cũng có thể bị khai thác.

Hai quốc gia đã có nhiều tranh cãi về các hòn đảo có tranh chấp ở những nơi khác trên Biển Hoa Đông.

Trung Quốc tuyên bố chuỗi đảo Senkakus là của họ, và thường xuyên cho tàu và máy bay vào khu vực này để kiểm tra thời gian phản ứng của Tokyo.

Trung Quốc cũng có tranh chấp với một số quốc gia khác ở gần như toàn bộ khu vực Biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền.

Nguồn: https://www.abc.net.au/news/2022-05-22/tokyo-protests-to-beijing-over-east-china-sea-construction/101088556

Nhiều người Mỹ vẫn phủ nhận COVID-19!

Lê Tây Sơn

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/05/GettyImages-1239910261.jpg

Một cuộc biểu tình chống vaccine tại Los Angeles, California, ngày 10 Tháng Tư 2022 (ảnh: Wally Skalij/Los Angeles Times via Getty Images) 

Các thăm dò mới nhất cho thấy nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục xem nhẹ đại dịch Covid-19, bỏ qua vaccine, phủ nhận mối đe doạ của các biến thể mới, của di chứng Covid-19 kéo dài, nên số người chết không thể kéo giảm tối đa. Có lẽ cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất hiện nay chỉ có thể giải quyết được khi đã tìm ra phương pháp chữa trị sự ngạo mạn và tự mãn.

Một triệu cái chết vẫn chưa đủ thức tỉnh!

Trước khi Đại học Johns Hopkins thông báo Hoa Kỳ vượt qua cột mốc một triệu ca tử vong do COVID-19, nhiều người chưa hồi phục hoàn toàn sau lần đầu nhiễm bệnh (và hy vọng là lần cuối cùng) vẫn thầm cầu mong cho bệnh qua đi, chỉ còn là một loại cúm thông thường. Lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19, những người lớn tuổi có bệnh nền và bị suy giảm miễn dịch rất lo phải vào bệnh viện, thở máy, và tệ hơn là… biến mất vào cõi vĩnh hằng trong một bình đựng tro cốt! Vô số nạn nhân không được người thân bên cạnh trong giây phút lâm chung. Họ không tin là mình đang chết trong cô đơn dù còn rất nhiều người thân và bạn bè. Coronavirus đã phá tan tất cả.

Những người vượt qua được cái chết cảm thấy cuộc sống thật quí giá và muốn chia sẻ trải nghiệm đau thương của mình cho những người khác. Nhưng nhiều mạng sống quí giá vẫn tiếp tục bị căn bệnh quái ác lấy đi, không phân biệt lứa tuổi, giai cấp, màu da. Cái giá phải trả cho một triệu bạn bè và người thân phải ra đi tức tưởi trong 27 tháng qua tại Hoa Kỳ là không thể tính toán và so sánh được. Không có công cụ thích hợp nào để đo đếm chính xác “khối lượng đau buồn” này cùng với các mất mát khác về tâm lý và sức khoẻ.

Tuy nhiên, có nhiều người vẫn sống trong sự phủ nhận, giả vờ như cơn bão không bao giờ đến với họ hoặc đại dịch không bao giờ xảy ra trong nhà họ. Vào thời điểm tồi tệ nhất, COVID-19 trở thành nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở Mỹ, chỉ sau bệnh tim và ung thư. Tuổi thọ trung bình của người Mỹ giảm nhiều nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Hơn 200,000 trẻ em bị mất cha mẹ hoặc người chăm sóc. Tất cả vẫn không đủ để số người thờ ơ này rũ bỏ sự phủ nhận để chấp nhận thực tế với những con số biết nói!

Người dân Mỹ có những cách đối phó khác nhau với đại dịch COVID-19 và trải nghiệm cũng khác nhau. Người này may mắn, người khác thiếu may mắn. Sự phân hoá thấy rất rõ. Hệ thống y tế Mỹ giỏi trong việc cứu người khỏi các bệnh truyền nhiễm… ở những nơi khác, nhưng tại nước mình thì bế tắc, có lúc loay hoay và lúng túng như “người mù sờ voi”!

Cần nhắc lại, “Kế hoạch Khẩn cấp Cứu trợ AIDS của Tổng thống” (The President’s Emergency Plan for AIDS Relief) đã cứu sống hơn 20 triệu người trên thế giới từ năm 2003.  “Sáng kiến ​​Sốt rét của Tổng thống” (The President’s Malaria Initiative) đã kéo giảm tỷ lệ tử vong do sốt rét xuống khoảng 50% và cứu sống khoảng hai triệu trẻ em ở các quốc gia mà chương trình này tiếp cận được. Thành công của các sáng kiến này có sự đóng góp quan trọng của công nghệ y tế. Ví dụ thuốc kháng virus và màn chống muỗi.

Nhưng thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự tuân thủ của bệnh nhân: Uống thuốc đều mỗi ngày, kể cả khi đã thấy khoẻ hơn và mắc màn thường xuyên mỗi đêm. Thoạt đầu, việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh AIDS ở châu Phi gặp trở ngại vì người dân lục địa đen thường không tin tưởng vào y học phương Tây và thích tìm đến những thầy lang truyền thống. Nhưng theo thời gian, dần dần họ bắt đầu nhận thức được khả năng chữa lành tức thời, gần như thần kỳ, của thuốc điều trị AIDS Tây y. Sự kỳ thị với y học phương Tây giảm nhanh và bệnh nhân AIDS ở hầu hết các quốc gia đã tuân thủ chế độ điều trị AIDS tốt hơn rất nhiều.

Chính trị hóa – căn bệnh tệ hại hơn COVID-19 

Bây giờ, hãy tưởng tượng một quốc gia khác giúp đỡ nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng cách cung cấp một loại vaccine thần kỳ và các loại thuốc đặc trị đảm bảo chữa khỏi những ca bệnh nặng. Tại một đất nước có truyền thồng tin vào Tây y hơn những thầy lang, chìa khóa số một đẩy lùi dịch bệnh vẫn là sự tuân thủ chế độ điều trị. Nhưng oái oăm thay, xuất hiện một phe chống đối mạnh mẽ, quyết tâm các phương pháp điều trị quái dị như dùng thuốc ký ninh, không tin vào y học hiện đại, chống vaccine, chống khẩu trang và tệ hơn nữa là xem sự phản kháng là “niềm tự hào chính trị”.

Cũng giống như trị AIDS ở châu Phi, người ta tin rằng khi thời gian trôi đi, nhiều người ủng hộ phe chống đối cũng sẽ phải công nhận ​​những lợi ích sức khỏe của ba hoặc bốn mũi chủng ngừa COVID-19. Họ sẽ không còn nghe theo lời khuyên sức khỏe từ các chính trị gia ngoạc mồm lan truyền tin giả và những phương thức điều trị không đáng tin cậy. Vaccine không còn bị kỳ thị vì được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Nhưng hy vọng này có vẻ không tưởng nếu nhìn vào nước Mỹ hiện nay. Sau hơn hai năm, trong khi California đạt hơn 70% tỷ lệ bao phủ vaccine đầy đủ, nhiều bang như Missouri, Georgia, Arkansas, Alabama, Wyoming, Indiana chỉ đạt 50%. Dù khoảng phân nửa số cư dân được bảo vệ tốt ở các bang này, miễn dịch cộng đồng hầu như không có vì tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ quá ít.

Bất kỳ chiến dịch tiêm chủng nào không đạt được miễn dịch cộng đồng sẽ bị coi là thất bại và chương trình tiêm chủng phải được xem lại. 80 đến 90% dân số được tiêm đầy đủ là mốc lý tưởng của miễn dịch cộng đồng. Nước Mỹ không được may mắn như thế nên khó lòng thoát ra được cuộc chiến vaccine nếu không có phép lạ.

Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao một quốc gia có hệ thống y tế tiên tiến nhất nhì thế giới lại có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, với hơn một triệu người tính đến nay? Tại sao thành tựu về sức khỏe lại bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự phân hoá xã hội và phân chia giai cấp, chủng tộc? Tại sao hiệu quả cuối cùng của các biện pháp chống dịch lại không vượt qua sự kỳ thị và xu hướng chính trị? Liệu phe chống đối có xem nhẹ mạng sống của người già và người có nguy cơ cao?

Quan trọng hơn là nước Mỹ có chuẩn bị đối phó với một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn trong tương lai, đòi hỏi sự đoàn kết tối đa và hành động chung nếu muốn chiến thắng? Một câu hỏi đơn giản hơn là “Tại sao nhiều người vẫn chưa thay đổi lập trường chống vaccine khi số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong ở những người được tiêm chủng thấp hơn 20 lần so với những người không tiêm chủng? Lực lượng nào, đức tin nào, ý thức hệ nào đã khiến họ liều lĩnh đùa với cái chết của mình và của cộng đồng?”. Rõ ràng, nước Mỹ đang phải đối phó với một thực tế phân cực mạnh lớn hơn cả sự sống và cái chết, một loại chủ nghĩa dân túy mới trỗi dậy khiến cho những người theo chủ nghĩa này dễ bị chết vì COVID-19 nhất.

-Ngày 29 Tháng Hai 2020 – ca tử vong đầu tiên được ghi nhận (một đàn ông trung niên ở bang Washington)

-Ngày 23 Tháng Ba 2020 – 800 ca tử vong (nhiều hơn tất cả tai nạn máy bay ở Mỹ trong hai thập niên trước)

-Ngày 27 Tháng Ba 2020 – 2,000 ca tử vong (nhiều hơn số ca tử vong do bão Katrina tại New Orleans năm 2005)

-Ngày 28 Tháng Năm 2020 – 101,000 ca tử vong  

-Ngày 14 Tháng Mười Hai 2020 – chương trình tiêm chủng bắt đầu; thời điểm này, dù toàn nước Mỹ vẫn bị lockdown nhưng số ca tử vong tiếp tục tăng, với hơn 300,000 người chết

-Ngày 31 Tháng Mười 2021 – biến thể Delta xuất hiện. Số ca tử vong là 744,000 (nhiều hơn số người chết vì cúm 1918 tại Mỹ)

-Ngày 28 Tháng Hai 2022 – biến thể Omicron xuất hiện. COVID giết trung bình hơn 2,000 người mỗi ngày trong Tháng Một và Tháng Hai, nâng số người chết tổng cộng lên 946,000

-Tháng Năm 2022 – số người chết vì COVID vọt hơn 1,000,000. Giới sử học cho biết tổng số người thiệt mạng trong Nội chiến Mỹ là khoảng 750,000 quân nhân và 50,000 thường dân

(Nguồn: The Washington Post)

Tags: , ,

Comments are closed.