Tin ngắn Việt Nam *Hải Phòng: Cháy nhà dân sát trạm biến thế *TP. SG: phát hiện thịt gà ôi thiu, tại trường *Nước cấp cho khu đô thị Thanh Hà nhiễm khuẩn E.coli *Hà Nội: Hàng loạt khu dân cư mất nước


Hải Phòng: Cháy nhà dân sát trạm biến thế, 3 người kịp thời thoát nạn

Hiện trường vụ cháy (Ảnh: Cảnh sát cứu hoả Hải Phòng)

 Bình luận Hoàng Anh • 18:51, 29/10/23   

 Nhà dân ngay sát trạm điện biến thế khu vực xảy ra hoả hoạn khiến nhiều người lo lắng đám cháy lan rộng.

Vào khoảng 4h30 ngày 29/10, tại tầng 3 nhà dân trong ngõ đường Phạm Phú Thứ, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng xảy ra vụ hoả hoạn, ba người trong một gia đình phải chạy xuống tầng 1 để thoát ra ngoài.

Tại hiện trường, đám cháy bùng phát thành ngọn lửa phía sau nhà 2 tầng, cơi nới dựng tum thành 3 tầng, vị trí cháy tại khu vực cơi nới, phía sau nhà là trạm điện biến thế.

Trong nhà, cầu thang chật hẹp không tiếp cận được vào khu vực cháy nên cảnh sát cứu hoả đã phá dỡ mái, tường cơi nới để phun nước vào đám cháy, nhanh chóng dập lửa. Không để cháy lan xuống tầng 2 và tầng 1 của ngôi nhà, không cháy lan sang các nhà dân liền kề và khu vực trạm điện cao thế an toàn.

Trước đó, khi phát hiện ra cháy ở tầng 3, có 3 người trong gia đình đã chạy xuống tầng 1 và thoát ra ngoài an toàn. ntdvn.net


TP. SGN: Phụ huynh phát hiện thịt gà ôi thiu, trường dừng ăn bán trú

TP. HCM: Phụ huynh phát hiện thịt gà ôi thiu, trường dừng ăn bán trú

Thịt gà ôi thiu được phụ huynh phát hiện tại trường tiểu học Phú Hữu sáng 25/10 (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

 Bình luậnHoàng Anh • 17:45, 29/10/23   

 Một trường tiểu học tại thành phố Thủ Đức, TP. HCM đã tạm dừng ăn bán trú, sau khi phụ huynh phát hiện thịt gà có màu đen, ôi thiu tại công ty cung cấp suất ăn.

Những ngày qua, trên mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh, video về thực phẩm hư hỏng, ôi thiu, không rõ nguồn gốc được phụ huynh học sinh phát hiện trong bếp ăn và kho thực phẩm của Công ty cung cấp suất ăn cho Trường Tiểu học Phú Hữu, thành phố Thủ Đức, TP. HCM.

Cụ thể, vào sáng ngày 25/10, một số phụ huynh cùng Ban giám hiệu của trường đến kiểm tra nhà bếp và kho thực phẩm của Công ty cung cấp suất ăn cho trường. Tại khu bảo quản thực phẩm, phụ huynh phát hiện thịt, xương gà ôi thiu, có màu đen nằm trong tủ đông. Còn ở khu vực gia vị, đồ khô có một số can tương ớt không đậy nắp, không nhãn mác.

Cụ thể, theo hình ảnh từ clip, một phụ huynh chất vấn: “Đây là những thực phẩm ở tủ đông lạnh để nấu cho học sinh ăn, chưa được chế biến. Những thực phẩm này có màu đen, có mùi hôi, thối rữa. Chân gà này để đông lạnh ôi thiu, thối đúng không?”. Lúc này, một nhân viên đứng gần phụ huynh lên tiếng “dạ”. Sau đó, vị phụ huynh tiếp tục nói to: “Chân gà đen, gà thì thối, đây là đồ chưa chế biến để tủ đông lạnh”.

Một phụ huynh khác cho rằng điều này không chấp nhận được vì đồ bỏ tại sao còn cho vào tủ đông. Hoặc đồ hư hỏng, ôi thiu để chung với thực phẩm khác cũng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, trong bếp ăn này còn có nhiều loại gia vị, nhiều can tương ớt không rõ xuất xứ nguồn gốc để cùng với nước tương đen, không xác định niên hạn, không biết của hãng nào.

Sau khi video trên lan truyền trong lớp, một số phụ huynh đã quyết định dừng cho con ăn ở trường.

Trước ý kiến không hài lòng của phụ huynh, nhà trường tạm ngừng tổ chức ăn bán trú từ ngày 26/10. Trường và phụ huynh cũng họp, đồng thuận dừng hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại. Đồng thời, nhà trường cũng hoan nghênh phụ huynh có thể giới thiệu đơn vị cung cấp suất ăn tốt hơn.

Trước đó, 700/1.000 học sinh trường Tiểu học Phú Hữu ăn bán trú. Hiện đa số phụ huynh đón con về nhà buổi trưa, một số em mang theo cơm do nhà xa, bố mẹ đưa đón bất tiện.


Nước cấp cho 16.000 dân khu đô thị Thanh Hà nhiễm khuẩn E.coli

Liên Thành 22/10/2023 287 lượt xem

Người dân khu đô thị Thanh Hà lấy nước sạch miễn phí từ xe téc của các nhà hảo tâm. (ảnh: Dân Trí).

Tối 21/10, tại cuộc họp diễn ra chiều cùng ngày do UBND H.Thanh Oai tổ chức, ngành y tế huyện Thanh Oai cho biết, kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch lấy mẫu tại khu đô thị Thanh Hà vào ngày 12/10 vừa qua thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli, theo Thanh Niên.

Do đó, ngành y tế huyện Thanh Oai khuyến cáo ở thời điểm hiện tại, cư dân tạm thời không sử dụng nước sạch lấy trực tiếp từ vòi trong khu đô thị để ăn uống. Ngay sau cuộc họp nêu trên, nhiều lãnh đạo tổ dân phố trong khu đô thị Thanh Hà đã lập tức phát khuyến cáo đến các hội nhóm của tổ dân phố.

Một nguồn tin khác cho biết, kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch lấy mẫu nước tại khu đô thị Thanh Hà vào ngày 12/10 “rất có vấn đề”. Riêng chỉ số Asen trong nước thì đang đợi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội thông tin lại. 

“Dự kiến, kết quả chỉ số Asen sẽ có vào ngày 23/10. Sau khi có kết quả xét nghiệm nước sạch, huyện Thanh Oai sẽ công khai kết quả đến toàn bộ người dân ở khu đô thị Thanh Hà”, nguồn tin này chia sẻ thêm.

Nhiều cư dân ở khu đô thị Thanh Hà cho hay, dù nhiều ngày trước ở nơi đây được phân phối nước sạch của Công ty CP nước mặt sông Đuống nhưng mọi người cũng chưa dám sử dụng để ăn uống vì lo ngại chất lượng nước sạch bị ảnh hưởng khi lưu thông qua hệ thống bể chứa của khu đô thị.

Trước đó, sáng 9/10, hàng trăm người dân đại diện cho hàng nghìn cư dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà cùng nhau tố nguồn nước sạch do Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà (Công ty Thanh Hà) cung cấp không đảm bảo chất lượng, gây cay mắt, khó thở, mẩn ngứa khi sử dụng. DKN.TV


Hà Nội: Hàng loạt khu dân cư mất nước

Tạ Linh 20/10/2023 286 lượt xem

Nhóm tình nguyện hỗ trợ nước sạch cho bà con cư dân ở KĐT Thanh Hà huyện Thanh Oai (ảnh: Facebook OFFB).

 “3-4 ngày nay tôi không tắm, chỉ lau người. Sống trên đất Thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải dùng gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp”, bà bà Phạm Viết Xuân Phương nói.

Nhiều khu dân cư ở quận huyện Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Hoài Đức… đang mất nước sinh hoạt, gây xáo trộn cuộc sống người dân. Sớm 19/10, hàng trăm cư dân khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai, tiếp tục xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe téc. Khủng hoảng nước ở khu đô thị Thanh Hà, nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng và đến nay chưa có dấu hiệu dừng lại.

Trước đó, sáng 16/10, chị T.T.L.H. (người dân tại khu đô thị Thanh Hà) xin nghỉ làm ở nhà vừa chăm sóc mẹ già, vừa chờ xe chở nước sạch đến sảnh chung cư. Khi chồng chuẩn bị đi làm, chị dặn mang theo túi quần áo bẩn nặng hơn 20kg đến tiệm giặt là.

“Tôi vừa mang xô đi khắp nơi xin nước cất dành đi vệ sinh”, người phụ nữ 39 tuổi ngán ngẩm nói với PV Dân Trí.

Chị H. dùng màng bọc thực phẩm bọc xung quanh bát, đĩa để tái sử dụng. (Ảnh: NVCC/Dân Trí).

Trong bữa cơm tối 15/10, chị H. dùng màng bọc thực phẩm bọc xung quanh bát, đũa và đĩa. Bằng cách này, sau bữa ăn, chị không cần rửa bát, tái sử dụng lần sau, đồng thời tiết kiệm nước.

Không chỉ Thanh Hà, cuối phố Phùng Khoang, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước hơn 10 ngày nay. Đã 80 tuổi, bà Phạm Viết Xuân Phương vẫn hàng ngày xách xô, vác can sang nhà hàng xóm xin nước. “3-4 ngày nay tôi không tắm, chỉ lau người. Sống trên đất Thủ đô mà mỗi lần dùng nước phải dùng gáo bé tí, múc từng chút một, khổ hơn thời bao cấp”, bà Phương nói với báo VnExpress.

Người dân chờ đợi để lấy nước sinh hoạt chiều ngày 19/10. (Ảnh: NLĐ).

Nằm trong ngõ 159 Phùng Khoang, dãy trọ 10 phòng với khoảng 25 người thuê của gia đình ông Dân mấy ngày nay nháo nhào vì mất nước. Để có nước sinh hoạt tối thiểu, ông Dân chạy đi xin khắp nơi. “Nhưng mất 2-3 ngày còn xin dễ, mất cả chục ngày khiến nguồn dự trữ cạn kiệt, xin rất khó”, ông Dân chia sẻ.

Thiếu nước, ông Dân phải khóa cửa nhà vệ sinh chung của cả dãy trọ. “Nhiều người bí bách không chịu được phải chuyển đi nơi khác, một số sinh viên tạm chuyển về quê”, ông Dân nói.

Về lý do cụ thể thiếu nước ở khu đô thị Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà Dương Đình Trình cho biết khu đô thị dùng hai nguồn nước ngầm và nước mặt. Sau khi người dân phản ánh nước có mùi, nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ đã tạm dừng để nâng cấp.

Tại khu vực cuối phố Phùng Khoang, đơn vị cấp nước là Hợp tác xã Thống Nhất. Hợp tác xã này mua nước của Công ty cổ phần Viwaco sau đó bán lại cho người dân. Đại diện hợp tác xã cho hay trước đây mỗi ngày Viwaco cấp khoảng 4.000 m3, nhưng hiện chỉ còn một nửa. Nước ít, những hộ dân ở cuối nguồn bị thiếu.

Phía Viwaco, doanh nghiệp chủ yếu cung cấp nguồn nước mặt sông Đà, chưa lên tiếng phản hồi vì sao cấp thiếu nước. DKN.TV


Comments are closed.