Thời sự Thứ Ba 10/10/2023 *Song Thập 10/10, Quốc khánh của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) *TT Thái Anh Văn: Đài Loan muốn ‘chung sống hòa bình’ với TQ *Israel mong đợi ‘sự lên án mạnh mẽ hơn’ từ TQ *LHQ: thà để một ghế trống (NQ) còn hơn bầu cho TQ *Mỹ cảnh báo Hezbollah không nên tấn công Israel *Hamas nói sẽ bắt đầu hành quyết các tù nhân Israel * Nữ Giáo sư Harvard đoạt giải Nobel Kinh tế 2023


Võ Thái Hà tổng hợp


Quốc Khánh Đài Loan ( Ngày Song Thập)  : TT Thái Anh Văn: Đài Loan mong muốn ‘chung sống hòa bình’ với Trung Quốc 

10/10/2023 

Reuters 

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu nhân ngày Quốc khánh 10/10.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu nhân ngày Quốc khánh 10/10. 

Đài Loan muốn “chung sống hòa bình” với Trung Quốc bằng sự tương tác tự do và không hạn chế nhưng hòn đảo này sẽ là nền dân chủ cho các thế hệ mai sau, Tổng thống Thái Anh Văn nói trong bài phát biểu nhân ngày Quốc khánh 10/10, theo Reuters.

Đài Loan, nơi bị Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình, phải chịu áp lực quân sự và chính trị ngày càng tăng từ Bắc Kinh, bao gồm cả hai cuộc tập trận lớn của Trung Quốc gần hòn đảo này kể từ tháng 8 năm ngoái, làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột có thể gây ra những tác động trên toàn cầu.

Bà Thái, người không thể tái tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng 1/2024 sau hai nhiệm kỳ, đã nhiều lần tỏ ý sẵn sàng đàm thoại với Trung Quốc nhưng Trung Quốc từ chối vì nước này coi bà là người theo chủ nghĩa ly khai.

Phát biểu trước văn phòng tổng thống, bà Thái cho biết sức mạnh hỗ trợ quốc tế dành cho Đài Loan đã đạt đến “tầm cao chưa từng có”.

Bà nói thêm: “Vì đây là thời điểm chúng ta có thể tự tin và quyết tâm đối diện với thế giới, nên chúng ta cũng có thể bình tĩnh và tự tin khi đối mặt với Trung Quốc, tạo điều kiện cho sự chung sống hòa bình và những phát triển trong tương lai ở hai bên eo biển Đài Loan”.

Bà Thái nói rằng nhiệm vụ của bà là bảo vệ chủ quyền, nền dân chủ của Đài Loan và lối sống tự do, tìm kiếm “sự tương tác tự do, không hạn chế và không bị gánh nặng” giữa Đài Loan và người dân Trung Quốc.

Bà nói thêm rằng những khác biệt giữa Đài Loan và Trung Quốc phải được giải quyết một cách hòa bình và việc duy trì hiện trạng là “rất quan trọng” để đảm bảo hòa bình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/10 đáp trả bài phát biểu của bà Thái, gọi chính quyền của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền là “mối đe dọa lớn nhất” đối với hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan vì “mưu tìm độc lập và khiêu khích”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Cho dù chính quyền DPP nói hay làm gì, họ cũng không thể thay đổi sự thật rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Điều đó sẽ không thay đổi xu hướng chung là Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến tới thống nhất”.


Israel mong đợi ‘sự lên án mạnh mẽ hơn’ từ phía Trung Quốc

Liên Thành

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/10/anh-man-hinh-2023-10-09-luc-061519.png

Israel đang trông đợi một “sự lên án mạnh mẽ hơn” đối với các chiến binh Hamas từ phía Trung Quốc – quốc gia mà họ vẫn coi là đồng minh của mình.

Yuval Waks, một quan chức cấp cao tại đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh nói với các phóng viên: “Khi mọi người đang bị sát hại, tàn sát trên đường phố, đây không phải là lúc để kêu gọi các giải pháp từ hai nhà nước”. 

Vị Đại sứ này cũng thể hiện mong muốn rằng chính quyền Bắc Kinh cần có một động thái mạnh mẽ hơn thay vì việc kêu gọi các bên bình tĩnh và ngồi lại đàm phán.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày hôm qua đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan giữ bình tĩnh và ngay lập tức chấm dứt hành động thù địch để bảo vệ dân thường, đồng thời nói thêm rằng “cách cơ bản để thoát khỏi xung đột nằm ở việc thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một Nhà nước Palestine độc ​​lập”.


Hơn 80 nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hiệp Quốc, thà để một ghế trống còn hơn bầu cho Trung Quốc

Liên Thành

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/10/anh-man-hinh-2023-10-10-luc-083141.png

Hơn 80 nhóm nhân quyền kêu gọi Liên Hợp Quốc thà để một ghế trống còn hơn bầu cho Trung Quốc. (Ảnh: AP). 

Hôm qua Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ quyết định bầu ra 15 thành viên Hội đồng mới dự kiến phục vụ trong thời hạn 3 năm bắt đầu từ tháng 1/2024, trong đó có 4 ghế dành cho các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc là một ứng cử viên cho vị trí này cùng với Kuwait, Indonesia và Nhật Bản. 

Dường như không có một áp lực nào khi 4 quốc gia cùng tranh nhau 4 ghế. Tuy nhiên Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ hơn 80 nhóm nhân quyền trên thế giới. Số lượng nhóm nhân quyền kỷ lục này đã gửi đơn kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp QUốc từ chối cho Trung Quốc một ghế trong Cơ quan nhân quyền hàng đầu của thế giới.

Nội dung lời kêu gọi có đoạn: 

“Chúng tôi, các tổ chức nhân quyền ký tên dưới đây, cùng viết thư để kiên quyết phản đối việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tái tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đồng thời kêu gọi các Quốc gia Thành viên tại Đại hội đồng không bỏ phiếu cho Trung Quốc và để trống một ghế.

Trung Quốc rõ ràng không thích hợp để giữ một ghế trong cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc, cơ quan (vốn dĩ) chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ tất cả các quyền con người trên toàn cầu”.

Thư kêu gọi trích dẫn Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc các Quốc gia Thành viên khi tham gia bỏ phiếu cho các ứng cử viên Hội đồng Nhân quyền được khuyến khích “tính đến sự đóng góp của các ứng cử viên vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền”.

Các nhóm nhân quyền đồng loạt khẳng định, Trung Quốc đã hoàn toàn không đáp ứng được những kỳ vọng này đối với các ứng cử viên và ngược lại họ đã tích cực tìm cách làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trên toàn thế giới.

Tổng thư ký Liên hợp quốc đã công nhận Trung Quốc đang tham gia vào “các hình thức đe dọa và trả thù” chống lại những người bảo vệ nhân quyền và vẫn là một trong những thủ phạm trả thù hàng đầu trên toàn cầu.

Hơn 40 chuyên gia của Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi “các biện pháp kiên quyết để bảo vệ các quyền tự do cơ bản” ở Trung Quốc và kêu gọi Hội đồng Nhân quyền “hành động với tinh thần cấp bách” để giải quyết các vi phạm nhân quyền. Các chuyên gia cũng kêu gọi Hội đồng Nhân quyền thành lập một phiên họp đặc biệt hoặc thành lập “một cơ chế độc lập và công bằng của Liên hợp quốc” để theo dõi, phân tích và báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đang được biết là quốc gia đã đàn áp những người bảo vệ nhân quyền và luật sư nhân quyền với mức độ ngày càng nghiêm trọng. 

Rất nhiều các cộng động người ở Trung Quốc đã bị bỏ tù, tra tấn thậm chí bị cướp tạng một cách phi pháp. Có thể kể đến hàng đầu như những học viên Pháp Luân Công, có cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và nhiều cộng đồng người khác.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc và các cơ quan hiệp ước đã nhiều lần nêu lên những quan ngại sâu sắc về việc đàn áp những người bảo vệ nhân quyền.

Các nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về việc giam giữ tùy tiện lưu ý rằng họ đã đưa ra hơn 100 phát hiện về việc giam giữ tùy tiện ở Trung Quốc và kết luận rằng hành vi vi phạm luật pháp quốc tế có hệ thống như vậy có thể cấu thành tội ác chống lại loài người.

Văn bản kiến nghị của các tổ chức Nhân quyền cũng cho rằng, mặc dù không quốc gia nào có thành tích nhân quyền hoàn hảo. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc Cộng sản liên tục thể hiện sự không sẵn lòng tham gia một cách thiện chí vào hệ thống nhân quyền của Liên Hợp Quốc và họ thậm chí tích cực làm suy yếu các chuẩn mực nhân quyền được quốc tế công nhận.

Các tổ chức Nhân quyền liệt kê tình trạng Hồng Kông, Tây Tạng, và nhiều vấn đề khác tại Trung Quốc, đồng thời viện dẫn kết quả bầu hội đồng nhân quyền vào năm 2020, khi Trung Quốc là quốc gia nhận được sự tín nhiệm ít nhất. 

Từ đó đưa ra lời kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc tại Đại hội đồng không bỏ phiếu cho Trung Quốc và sẵn sàng để lại một ghế trống.


Hơn 8.000 mục tiêu bị tấn công, 1.000 tấn bom đã được thả xuống Gaza trong 48 giờ

Liên Thành

https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/10/anh-man-hinh-2023-10-10-luc-075902.png

Hơn 8.000 mục tiêu khác nhau bị tấn công và 1.000 tấn bom đã được thả xuống Gaza trong 48 giờ (ảnh chụp màn hình video Reuters). 

Không quân Israel cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua họ đã thả khoảng 2.000 quả đạn dược và hơn 1.000 tấn bom xuống Gaza nhằm vào hơn 8.000 mục tiêu khác nhau.

Quân đội Israel vẫn đang tích cực chiến đấu để tiêu diệt các tay súng Hamas sau cuộc tấn công với quy mô lịch sử nhằm vào nước này vào tuần trước. 

Giao tranh nổ ra cả tại một số địa điểm bên trong Israel, nơi các chiến binh được cho là vẫn đang ẩn náu sau khi làm thiệt mạng 700 người Israel và bắt giữ hàng chục con tin trong một cuộc đột kích làm tiêu tan danh tiếng về khả năng phòng thủ bất khả chiến bại của Israel.

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết, quân đội đã tái lập quyền kiểm soát tại các cộng đồng đã bị xâm nhập, nhưng các cuộc đụng độ riêng lẻ vẫn tiếp tục diễn ra khi một số tay súng Palestine vẫn đang còn lẩn trốn.

Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết: “Chúng tôi hiện đang tiến hành tìm kiếm ở tất cả các cộng đồng và dọn dẹp sạch sẽ các khu vực dân cư”.

Trước đó, một phát ngôn viên khác là Trung tá Richard Hecht, thừa nhận rằng Israel phải mất nhiều thời gian hơn dự tính để đưa mọi thứ trở lại thế trận phòng thủ, an ninh như ban đầu.

Ở thời điểm hiện tại, hình ảnh về hàng trăm thường dân Israel nằm ngổn ngang trên đường phố của các thị trấn và số lượng người bị bắt cóc khỏi nhà là nỗi ám ảnh chưa từng thấy trong cuộc xung đột Israel-Palestine kéo dài hàng thập kỷ qua.

Và Israel đã đáp trả bằng cuộc oanh tạc dữ dội nhất từ ​​trước đến nay vào Dải Gaza, khiến con số thiệt mạng từ Palestine đang vượt qua con số 500 người, và họ được cho là đang tiếp tục dự tính một cuộc tấn công trên bộ chưa từng có.

300.000 quân dự bị Israel đã được huy động chỉ sau hai ngày. Một chỉ huy quân đội Israel nói rằng họ chưa bao giờ tuyển nhiều quân dự bị với quy mô như vậy.

Trong khi đó nhiều nguồn tin cho biết, các chiến binh Hamas vẫn đang tiếp tục tiến vào Israel từ Gaza, có trên dưới 100 tay súng đã bị tiêu diệt ở khu vực Beeri kể từ thứ Bảy tuần trước.

Trong một tuyên bố khác, không quân Israel cho biết, tính đến cuối ngày hôm qua họ đã thả khoảng 2.000 quả đạn dược và hơn 1.000 tấn bom xuống Gaza nhằm vào hơn 8.000 mục tiêu khác nhau.

Trong số các mục tiêu có 3 bệ phóng tên lửa đang nhắm vào Israel, một nhà thờ Hồi giáo nơi phiến quân Hamas đang hoạt động và 21 tòa nhà cao tầng phục vụ hoạt động của đội quân này.

Cơ quan Y tế ở Gaza cho biết tính đến cuối ngày hôm qua ít nhất 493 người đã thiệt mạng và hơn 2.750 người bị thương.

Izzat Reshiq, một quan chức của Hamas, cho biết trong một tuyên bố rằng quân đội Israel đã nhắm mục tiêu và đánh bom vào các ngôi nhà có phụ nữ và trẻ em, nhà thờ Hồi giáo và cả trường học ở Gaza là một tội ác chiến tranh.


Mỹ cảnh báo nhóm Hezbollah không tấn công Israel

Phan Minh /RFI

10/10/2023

Sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 07/10/2023 của tổ chức Hamas nhắm vào Israel, một quan chức cấp cao của bộ Quốc Phòng Mỹ, hôm qua 09/10, cảnh báo lực lượng vũ trang Hồi Giáo Hezbollah của Liban không nên đưa ra một “quyết định sai lầm” với việc mở mặt trận thứ hai chống lại Israel ở biên giới với Liban. 

Hình tư liệu minh họa : Những chiến binh Hezbollah tại thị trấn Baalbek, Liban ngày 16/09/2021.

Hình tư liệu minh họa : Những chiến binh Hezbollah tại thị trấn Baalbek, Liban ngày 16/09/2021. AP – Bilal Hussein 

Quan chức này, được AFP trích dẫn, cho biết : “Chúng tôi thực sự lo ngại Hezbollah sẽ đưa ra quyết định sai lầm và mở mặt trận thứ hai trong cuộc xung đột này.” Và việc Washington điều tàu sân bay USS Gerald Ford, tàu chiến lớn nhất thế giới, tới khu vực Đông Địa Trung Hải, nhằm cảnh báo các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, cũng như lực lượng Hezbollah “không nên nghi ngờ cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Israel phòng thủ”.

Quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ cũng nhận định rằng các cuộc tấn công của Hamas chống lại Israel “man rợ không kém” các cuộc tấn công khủng bố của nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS).

Các cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh Hezbollah thông báo ba chiến binh của họ hôm qua đã thiệt mạng trong các cuộc oanh kích của Israel vào khu vực biên giới miền nam Liban. Quân đội Israel thông báo thực hiện vụ oanh kích này và tiêu diệt “một số nghi phạm có vũ trang” xâm nhập vào lãnh thổ của Israel từ miền nam Liban.


Thủ Tướng Netanyahu: Israel sẽ đối xử với Hamas như cách thế giới văn minh đối xử với ISIS

https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/10/vevehsf.jpg

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo, Hamas đã chứng tỏ mình là ISIS (nhà nước Hồi giáo), hoặc tên khác là “Daesh”. “Nhà nước Hồi giáo” này vốn đã khiến thế giới kinh hoàng vì sự tàn bạo của chúng và Israel sẽ đối xử với Hamas tương ứng.

Thủ tướng Netanyahu đã kể lại một số vụ giết người kinh hoàng do tổ chức Hamas người Palestine được Iran hậu thuẫn này thực hiện, bao gồm cả việc lôi trẻ em ra khỏi nhà để sát hại.

Thủ tướng Israel nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn biết Hamas là ai. Bây giờ cả thế giới đều biết. Hamas là Daesh, và chúng tôi sẽ đối xử với họ chính xác như cách thế giới văn minh đối xử với Daesh.”

Thủ tướng Netanyahu cam kết sẽ tiến hành chiến tranh chống lại Hamas và cuộc chiến sẽ đạt năm mục tiêu:

– Loại bỏ những kẻ khủng bố Hamas ra khỏi các cộng đồng Israel và lãnh thổ Israel;
– Phát động một cuộc tấn công “quy mô lớn” vào Hamas ở Gaza;
– Bảo vệ sự bình yên ở biên giới phía bắc với Li Băng và biên giới phía đông ở Judea và Samaria (Bờ Tây);
– Tiến hành bình thường hóa ngoại giao với phần còn lại của thế giới Ả Rập và Hồi giáo; và
– Đoàn kết người Israel.

Cuối cùng, Thủ tướng Netanyahu nhắc lại lời đề nghị của mình kêu gọi các đảng đối lập tham gia vào một chính phủ đoàn kết quốc gia khẩn cấp.

“Sự cạnh tranh giữa chúng ta đã chấm dứt. Tất cả chúng ta phải đoàn kết. Và khi chúng ta đoàn kết, chúng ta sẽ chiến thắng”, ông Netanyahu nói.

Thủ tướng Netanyahu cảnh báo rằng các cuộc tấn công vào Gaza chỉ mới bắt đầu và “mọi nơi Hamas sử dụng để chống lại chúng tôi sẽ biến thành đống đổ nát”.

Thủ tướng Israel cũng cảm ơn sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đồng thời ông ca ngợi, Hoa Kỳ đã đáp ứng các nhu cầu an ninh của Israel “bằng cả lời nói và hành động”.

Ông cũng cảnh báo người Israel không nên chia sẻ “tin tức giả” nhằm làm tổn hại tinh thần và sự đoàn kết của người dân Israel.

Sau đó, Thủ tướng Netanyahu đã chia sẻ một bài đăng bằng tiếng Anh trên nền tảng X như sau:

“Israel đang ở trong chiến tranh.

Chúng tôi không muốn cuộc chiến này.

Nó buộc chúng tôi phải chịu đựng theo cách tàn bạo và man rợ nhất. Tuy nhiên mặc dùng Israel không bắt đầu cuộc chiến này, nhưng Israel sẽ kết thúc nó.

Người Do Thái đã từng không có quốc gia.

Người Do Thái đã từng không có khả năng tự vệ.

Điều này đã không còn đúng nữa.

Hamas sẽ hiểu rằng bằng cách tấn công chúng tôi, họ đã phạm một sai lầm mang tính lịch sử. Chúng tôi sẽ khiến họ phải trả một cái giá mà họ và những kẻ thù khác của Israel phải ghi nhớ trong nhiều thập kỷ tới.

……

Hamas là ISIS.

Và cũng giống như việc các lực lượng văn minh đã đoàn kết để đánh bại ISIS, các lực lượng văn minh phải hỗ trợ Israel trong việc đánh bại Hamas”.

Đáng chú ý, Thủ tướng Netanyahu đã không đề cập đến Iran.

Gia Huy (Theo Breitbart News)


Hamas tuyên bố sẽ bắt đầu hành quyết các tù nhân Israel

https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/10/10-10-23.jpeg

Hamas tuyên bố sẽ bắt đầu hành quyết các tù nhân Israel nếu Israel tiếp tục ném bom không báo trước các mục tiêu dân sự ở Gaza. Trước đó vào hôm thứ Hai, Israel đã ra lệnh “bao vây toàn diện” dải Gaza, cắt lương thực, điện và nhiên liệu. Các quan chức Gaza cho biết không kích của Israel đã giết chết hơn 600 người Palestine, trong khi Liên Hợp Quốc nói hơn 124.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa. Israel đã huy động 300.000 quân dự bị, một dấu hiệu cho thấy nước này có thể tiến hành một chiến dịch trên bộ quy mô lớn ở Gaza. Động thái leo thang diễn ra hai ngày sau khi các tay súng từ Gaza bất ngờ tấn công giết chết khoảng 900 người Israel và bắt làm con tin hàng chục người khác, với nhiều người trong số đó là dân thường đang dự một lễ hội ở miền nam đất nước.

Chiến sự ở Israel có thể mở rộng lên phía bắc

Chiến sự đã lan đến phía bắc Israel. Các nhóm Palestine ở Gaza hôm thứ Hai tiếp tục bắn tên lửa vào Israel, duy trì cuộc tấn công kéo dài ba ngày khiến khoảng 900 người Israel thiệt mạng. Ở phía còn lại ít nhất 600 người Palestine ở Gaza cũng đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel. Trong khi đó, quân đội Israel cho biết họ đã tiêu diệt “một số” tay súng lẻn qua biên giới phía bắc với Lebanon. Jihad Hồi giáo, một nhóm chiến binh người Palestine, đã nhận trách nhiệm về vụ xâm nhập.

Tất cả những điều này là khúc dạo đầu cho một cuộc chiến lớn hơn. Các quan chức Mỹ dự đoán Israel sẽ tấn công trên bộ vào Gaza trong vài ngày tới. Yoav Gallant, bộ trưởng quốc phòng, đã ra lệnh cho quân đội bao vây toàn bộ Gaza: “không điện, không lương thực, không nước, không khí đốt” cho 2 triệu người bên trong. Các cuộc đàm phán tiếp tục về một chính phủ đoàn kết ở Israel; song cho tới lúc này, vẫn là liên minh cực hữu của Binyamin Netanyahu nhận trách nhiệm vạch ra kế hoạch chiến tranh.


Quan điểm của Mỹ về xung đột Israel – Hamas

Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, Trung Đông những năm gần đây tương đối yên bình. Nhưng cuộc tấn công của Hamas vào Israel đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng. Khi thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu cam kết trả thù cho những hành động tàn bạo, Nhà Trắng đã không nói gì đến kiềm chế. Trái lại Mỹ đang điều động tàu chiến và vũ khí tới hỗ trợ đồng minh.

Cuộc xung đột sẽ cản trở nỗ lực của tổng thống Joe Biden trong việc làm trung gian cho Israel và Ả Rập Saudi bình thường hoá quan hệ, cũng như những nỗ lực của ông nhằm duy trì giải pháp “hai nhà nước” cho người Palestine. Mong muốn tập trung vào Nga và Trung Quốc của ông đã tiêu tan và hy vọng của ông về một mối quan hệ tốt hơn với Iran, nước ủng hộ Hamas, sẽ bị đảng Cộng hòa lợi dụng để chống lại ông.

Hiện tại, ông Biden sẽ ủng hộ Israel. Nhưng ngay cả khi giả sử Hamas có thể bị tiêu diệt thì ai sẽ điều hành Gaza và địa vị của người Palestine sẽ ra sao? Như Mỹ và Israel đều biết, rất dễ bị lôi kéo vào một cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng thoát khỏi cuộc chiến là vô cùng khó khăn.


Phản ứng của thị trường sau khi xung đột bùng nổ giữa Israel và Hamas

Cuộc tấn công tàn bạo của Hamas vào Israel cũng gây sốc cho thị trường. Lợi suất trái phiếu ở châu Âu đã giảm từ mức cao trước đó trong khi giá cổ phiếu giảm nhẹ. Vào thứ Ba, thị trường Mỹ sẽ mở cửa lại sau kỳ nghỉ cuối tuần dài. Tới lúc đó chúng ta sẽ biết phản ứng của thị trường trước cuộc xung đột ở Israel và đợt tăng lợi suất trái phiếu dài hạn.

Đà tăng đó có nhiều nguyên nhân. Nhưng giá cao không phải là một trong số đó, khi kỳ vọng lạm phát của thị trường gần như không đổi. Triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn của nền kinh tế Mỹ, khi tạo thêm 336.000 việc làm trong tháng 9, chắc chắn đã giúp ích, cũng như thâm hụt chi tiêu công cao làm tăng lãi suất thực. Nhưng nguyên nhân hàng đầu là “phí bảo hiểm kỳ hạn” – tức khoản lãi bổ sung mà các nhà đầu tư yêu cầu đối với các chứng khoán có kỳ hạn dài – đã tăng. Lý do chính xác tại sao “phí bảo hiểm kỳ hạn” tăng vẫn chưa rõ ràng, nhưng cuộc chiến ở Israel sẽ chỉ càng đẩy nó lên cao hơn. Lợi suất trái phiếu có thể giảm khi thị trường mở cửa trở lại, nhưng phí bảo hiểm kỳ hạn cao hơn có thể hạn chế đà giảm của lãi suất dài hạn.


Bầu cử tổng thống ở Liberia

Vào thứ Ba người dân Liberia sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống và cơ quan lập pháp. Tổng thống George Weah, một cầu thủ bóng đá nổi tiếng chuyển sang làm chính trị gia, hy vọng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ sáu năm thứ hai. Trong số những người thách thức ông có Joseph Boakai, cựu phó tổng thống; Alexander Cummings, một doanh nhân; và Tiawan Gongloe, một luật sư nhân quyền.

Không có nhiều thăm dò để tham khảo nhưng cuộc đua có thể sít sao hơn so với năm 2017, khi ông Weah thoải mái đánh bại ông Boakai ở vòng hai. Đại dịch Covid đã gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế của quốc gia Tây Phi này và năm ngoái Mỹ đã áp trừng phạt đối với 3 quan chức trong chính phủ của ông Weah vì cáo buộc tham nhũng.

Ông Weah cũng mất đi một người ủng hộ chủ chốt. Prince Johnson, thượng nghị sĩ và cựu lãnh chúa trong cuộc nội chiến đẫm máu kết thúc năm 2003, đã chuyển sang ủng hộ ông Boakai. Điều này nhấn mạnh một trong những vấn đề dai dẳng của Liberia: những kẻ tham chiến trong cuộc nội chiến chưa bao giờ phải đối mặt với công lý. Hầu hết các ứng viên đều hứa sẽ thành lập một tòa án đặc biệt. Song với việc ông Johnson vẫn còn ảnh hưởng, nhiều khả năng người chiến thắng sẽ chỉ ngó lơ – như ông Weah đã làm.


Giáo sư Harvard University đoạt giải Nobel Kinh tế 2023

Nghiên cứu về phụ nữ trong thị trường lao động

Bảo Duy /SGN
9 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/9-Nobel-Kinh-te-2023-Nobel-Price-1280x638.jpg

(ảnh chụp qua màn hình của nobelprice.org) 

Claudia Goldin, giáo sư Harvard University, đã được trao giải Nobel kinh tế vì nghiên cứu về thu nhập và việc làm của phụ nữ.

Giải Nobel kinh tế 2023 vừa được công bố sáng nay, 10 Tháng Mười. Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (The Royal Swedish Academy of Sciences-RSAS) cho biết Goldin đã “phát hiện ra những động lực chính dẫn đến sự khác biệt giới tính trên thị trường lao động”.

Sau khi phân tích dữ liệu hơn 200 năm của Hoa Kỳ, Goldin đã chứng minh rằng phần lớn khoảng cách về lương theo giới có thể được giải thích trong lịch sử là do sự khác biệt về trình độ học vấn và nghề nghiệp.

RSAS cho biết: “Tuy nhiên, Goldin chỉ ra rằng phần lớn sự khác biệt về thu nhập này hiện nay là giữa nam giới và phụ nữ trong cùng một nghề nghiệp và nó chủ yếu phát sinh khi đứa con đầu lòng ra đời.”

Jakob Svensson, chủ tịch ủy ban giải thưởng về khoa học kinh tế, nói thêm: “Hiểu rõ vai trò của phụ nữ trên thị trường lao động là điều quan trọng đối với xã hội. Nhờ nghiên cứu đột phá của Claudia Goldin, giờ đây chúng tôi biết nhiều hơn về các yếu tố cơ bản và những rào cản nào có thể cần được giải quyết trong tương lai.”

Sinh năm 1946 tại New York, Goldin là người phụ nữ thứ ba đoạt giải Nobel kinh tế. Bà là Henry Lee Professor of Economics tại Harvard University và là đồng giám đốc của nhóm làm việc về Giới trong Kinh tế tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (National Bureau of Economic Research) ở Hoa Kỳ.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/9-Nobel-Kinh-te-2023-Harvard.edu_.jpg

Giáo sư Claudia Goldin. (ảnh: harvard.edu) 

Bà cũng là tác giả của nhiều cuốn sách và nổi tiếng với tác phẩm về lịch sử phụ nữ trong nền kinh tế Hoa Kỳ.

Danh mục nghiên cứu của Goldin trải rộng trên nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm lực lượng lao động nữ, chênh lệch thu nhập theo giới tính, bất bình đẳng thu nhập, tác động của tiến bộ công nghệ, giáo dục và nhập cư. Cuốn sách mới nhất của bà, “Career & Family: Women’s Century-Long Journey toward Equity,” (Sự nghiệp & Gia đình: Hành trình dài thế kỷ của phụ nữ hướng tới sự công bằng) do Nhà xuất bản đại học Princeton University Princeton phát hành vào ngày 5 Tháng Mười năm 2021.

Những nghiên cứu nổi bật của bà trong lĩnh vực này, là khám phá quá trình phát triển lịch sử trong việc theo đuổi sự nghiệp và cuộc sống gia đình của phụ nữ; ảnh hưởng của việc kiểm soát sinh sản đối với sự lựa chọn nghề nghiệp và hôn nhân của phụ nữ; việc phụ nữ chọn sau khi kết hôn như một chỉ báo xã hội; những yếu tố đằng sau sự chiếm ưu thế hiện nay của phụ nữ khi còn là sinh viên đại học và các giai đoạn phát triển trong công việc của phụ nữ trong suốt cuộc đời của họ.

Giải thưởng kinh tế này có tên chính thức là Giải Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel. Không giống như các giải thưởng về vật lý, hóa học, y học, văn học và hòa bình, giải thưởng này không phải do Alfred Nobel mà do ngân hàng trung ương Thụy Điển thiết lập vào năm 1968.

Năm ngoái, giải thưởng đã thuộc về cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Ben Bernanke và hai nhà kinh tế người Mỹ, Douglas Diamond và Philip Dybvig, vì công trình của họ vào đầu những năm 1980 đã cung cấp nền tảng cho sự hiểu biết hiện đại về lý do tại sao các ngân hàng lại cần thiết, những điểm yếu chính và sự sụp đổ của họ có thể gây ra những cuộc khủng hoảng tài chính rộng lớn hơn như thế nào.


Giải Nobel Y học – Sinh lý học năm 2023

07/10/2023 

Trần Gia Huấn

7-10-2023

Giải Nobel Y học – Sinh lý năm 2023 thuộc về Katalin Kariko và Drew Weissman, cho việc tìm ra mRNA vaccine chống COVID-19. Ủy ban Nobel ca ngợi, đây là một tìm tòi mang tính đột phá. Thay đổi căn bản sự hiểu biết của nhân loại về mRNA tương tác với hệ miễn dịch.

Katalin Kariko sinh 1955, tại Hungary. Năm 1985, bà tới Mỹ làm nghiên cứu hậu tiến sĩ thuộc Đại học Temple, Philadelphia và giảng dạy tại Đại học Pennsylvania, rồi trở thành phó giám đốc hãng Dược BioNTech.

Drew Weissman sinh 1959 bang Massachusetts, Mỹ. Ông là bác sĩ miễn dịch lâm sàng, tiến sĩ, và hậu tiến sĩ thuộc Đại học Pennsylvania.

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-28-300x139.jpg

Katalin Karikó (phải) và Drew Weissman, chủ nhân mới nhất của giải Nobel Y học và Sinh Lý học. Nguồn: J&J 

Cả Kariko và Weissman bắt đầu nghiên cứu mRNA vaccine từ năm 1990 tại Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Vaccine không phải là điều gì mới trong y học. Ngay từ năm 1951, Max Theiler đã nhận Giải Nobel Y học cho việc tìm ra vaccine chống sốt vàng.

Trước đây, để bào chế ra một loại vaccine, người ta phải dựa trên hình thể cấu trúc của cả một con vi khuẩn hay virus. Rồi trải qua một quá trình nuôi cấy tế bào trên một quy mô lớn. Tiếp theo là bất hoạt và bào chế. Đó là chưa kể thời gian thử nghiệm lâm sàng. Thường mất cả thập niên mới có được một loại vaccine ra đời. Thế thì, làm sao vaccine có thể đáp ứng với những tình huống khẩn cấp. Các nhà vaccine học đã âm thầm tìm kiếm một con đường khác.

Những thập niên gần đây, ngành sinh học phân tử đã tiến bộ vượt bậc, mở ra khung trời mới cho vaccine.

Trong cơ thể người, thông tin di truyền được mã hóa trong chuỗi xoắn kép DNA, nằm trong nhân tế bào. Khi cần một protein để thực hiện chức năng nào đó, thì một đoạn DNA được sao chép. Đoạn sao chép này chính là RNA thông tin (viết tắt mRNA), mRNA ra tương bào để tổng hợp lên một protein mới.

Tuy vậy, Kariko và Weissman lập luận rằng: Có thể tạo ra một phân tử mRNA mà không cần đến chuỗi xoắn kép DNA, không cần cả một con virus; tất nhiên, không cần môi trường nuôi cấy. Như vậy, quy trình để tạo ra một vaccine mới đơn giản và nhanh hơn rất nhiều.

Kariko vùi đầu vào công nghệ tạo ra phân tử mRNA. Trong khi Weissman nghiên cứu về tế bào tua (dendritic cells). Nói một cách nôm na là: Khi virus xâm nhập vào cơ thể, có một loại tế bào tung ra những cái tua như những ngón tay tóm lấy kẻ thù (kháng nguyên), rồi mang nó tới cơ quan trình diện. Bởi vậy nó có tên là tế bào tua, hay tế bào trình diện kháng nguyên.

Kariko tạo ra phân tử mRNA đặc hiệu, rồi đưa vào cơ thể. Weissmen ngay lập tức nhận ra những phản ứng viêm, sinh kháng thể rất mạnh mẽ. Họ đã tạo ra nhiều biến thể mRNA với cấu trúc đặc hiệu. Kết quả thật ngạc nhiên: Phản ứng viêm tùy thuộc vào sự thay đổi nucleotide bases trong cấu trúc mRNA.

Đây là sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của chúng ta về cách tế bào miễn dịch đáp ứng với những loại mRNA khác nhau. Hay nói một cách khác, đây là bằng chứng về mRNA đã tương tác với hệ miễn dịch như thế nào.

Kariko và Weissman nhận ra những phát hiện của họ có ý nghĩa to lớn trong y học. Những tìm tòi này được công bố vào năm 2005, mười lăm năm trước khi Đại dịch COVID-19.

Đại dịch COVID-19 bùng phát. Trung Quốc vừa công bố cấu trúc phân tử của SARS-CoV-2. Kariko và Weissman bắt tay vào công việc. Họ xây dựng nên một phân tử mRNA đặc hiệu. Chỉ vài tuần sau, họ đã có vaccine trong tay và tiêm cho động vật thí nghiệm.

Họ đã không đi theo con đường sản xuất vaccine truyền thống. Họ tìm ra ngay mRNA bằng cách biến đổi gốc nucleotides trên bề mặt của SARS-CoV-2. Họ hoàn thành công việc rất nhanh. Thế nhưng, bảo quản một phân tử mRNA nhỏ dưới một nano mét không phải là chuyện đơn giản.

Sự thành công của mRNA vaccine chống SARS-CoV-2 đã đặt nền tảng cho những vaccine tương lai chống lại bệnh truyền nhiễm khác. Công nghệ thay đổi cấu trúc mRNA này cũng bắt đầu áp dụng vào điều trị ung thư và nhiều chứng nan y khác.

Cùng với mRNA vaccine, vài vaccine khác cũng được sản xuất. Hơn 13 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu. Vaccine chống COVID-19 đã cứu được hàng triệu người, đã giảm mức độ ngiêm trọng ở nhiều người, tránh được sự sụp đổ của nền y tế tại nhiều quốc gia, giúp đưa nhân loại thoát ra khỏi đại dịch, về lại đời sống bình thường.

Hai khôi nguyên Nobel về Y học – Sinh lý học năm nay đã có những đóng góp quan trọng vào việc ngăn chặn một thảm họa y tế lớn nhất trong thời đại của chúng ta.


Giải Nobel Hoà Bình năm nay được trao cho nhà đấu tranh cho nữ quyền Narges Mohammadi 

Vũ Ngọc Yên – 06/10/2023

Ngày 6-10-2023,Ủy ban Nobel Na Uy thông báo, giải Nobel Hòa bình năm 2023 được trao cho Nhà hoạt đông nữ quyền Iran, cô Narges Mohammadi. Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, cho biết tại thủ đô Oslo là cô Mohammadi được vinh danh vì những nỗ lực dấn thân cho quyền phụ nữ ở Iran và thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người…

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-9-300x169.png

Ảnh: Cô Narges Mohammadi chụp ảnh tại nhà ở Iran trong thời gian ra tù hồi năm 2021 vì lý do y tế. Nguồn: Reihane Taravati 

Có 351 ứng cử viên cho giải Nobel Hòa bình năm 2023, trong đó có 259 cá nhân và 92 tổ chức. Theo ban tổ chức, 351 là số ứng cử viên cao thứ hai từ trước đến nay. Tính cả năm nay, số lượng ứng cử viên đã vượt quá 300 trong 8 năm liên tiếp, với kỷ lục 376 ứng viên được đề cử vào năm 2016. Theo quy định, tên của những người được đề cử, cũng như những người đề cử giải Nobel Hòa bình sẽ không được tiết lộ cho đến 50 năm sau, trừ trường hợp người đề cử tự tiết lộ.

Nhà đấu tranh cho nữ quyền 

Cô Mohammadi, 51 tuổi, đã đấu tranh suốt 30 năm qua để mang lại thay đổi căn bản cho Iran, thông qua giáo dục và các biện pháp hòa bình khác. Mohammadi đã bị bắt 13 lần, bị kết án 5 lần với tổng án tù 31 năm. Ngay cả khi ở trong tù, cô cũng kịch liệt lên tiếng phản đối các điều kiện giam giữ đối với các nữ phạm nhân.

Narges Mohammadi đã viết sách về tra tấn tù nhân, trong đó cô mô tả trải nghiệm của chính mình và của những phụ nữ bị giam cầm khác. Năm 2011, Narges Mohammadi bị kết án sáu năm tù chỉ vì hoạt động nhân quyền ôn hòa của cô tại Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền. Trong một phiên tòa bất công khác hồi tháng 4 năm 2016, cô bị kết án thêm 16 năm tù. Niềm tin của cô chỉ dựa trên công việc nhân quyền của cô. Đầu tháng 10 năm 2020, Narges Mohammadi được trả tự do sớm, rời khỏi Nhà tù Zanjan ở Iran.

Sau khi được trả tự do, Narges Mohammadi tiếp tục con đường bảo vệ nhân quyền không ngày nghỉ. Ngày qua ngày, cô đấu tranh cho các tù nhân chính trị, gia đình họ và những người sống sót, cũng như cho quyền của phụ nữ ở Iran. Với nhiệm vụ này, một lần nữa cô bị chính quyền Iran nhắm tới.

Vào ngày 16 tháng 11 năm 2021, Narges Mohammadi lại bị bắt giữ một cách tùy tiện và bạo lực tại Karaj, tỉnh Alborz, khi cô ấy đang tham dự một buổi lễ tưởng niệm. Trong tù, cô bị tra tấn và ngược đãi bởi các quan chức thực thi pháp luật theo lệnh của Bộ Tình báo. Cô đã bị từ chối chăm sóc sức khỏe đầy đủ; họ trừng phạt cô vì hoạt động nhân quyền của cô. Cô cũng phải đối mặt với 154 đòn roi. Cô bị kết án tổng cộng 10 năm 8 tháng tù giam, cũng như 154 roi và các biện pháp trừng phạt khác trong hai vụ án riêng biệt.

Hành quyết, tra tấn và đàn áp là phương tiện để chế độ độc tài Hồi giáo ở Iran đe dọa người dân và duy trì quyền lực. Mức độ vi phạm nhân quyền ở Iran là đáng báo động. Chúng bao gồm việc sử dụng tùy tiện hình phạt tử hình, tra tấn có hệ thống trong nhà tù và các hình phạt về thể xác tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục như đánh roi và những màn đánh đập khác.

Chế độ Tehran là một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới. Các biện pháp đàn áp tàn bạo, bắt bớ và tra tấn trong nhà tù là mệnh lệnh của độc tài Hồi giáo. Không có tự do ngôn luận hay tín ngưỡng ở Iran. Dấn thân cho dân chủ và nhân quyền bị đàn áp dã man.

Các Giải Nobel khác

Hôm thứ hai 2-10, Katalin Karoko và Drew Weissman được vinh danh là người thắng giải Nobel Y Sinh năm 2023, nhờ nghiên cứu công nghệ mRNA, mở đường tạo ra các loại vaccine ngăn ngừa Covid-19 hiệu quả.

Ngay ngày hôm sau 3.10, Ban tổ chức giải cho biết, Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L’Huillier đã đoạt giải Nobel Vật lý 2023, nhờ “các phương pháp thử nghiệm tạo ra xung ánh sáng attosecond để nghiên cứu động lực học điện tử trong vật chất”.

Ngày 4-10, ba nhà khoa học Moungi Bawendi, Louis Brus và Alexei Ekimov được Ủy Ban Nobel về hóa học ca ngợi là “những người tiên phong trong việc khám phá thế giới nano”. Ngày 5-10, Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố, tiểu thuyết gia và nhà viết kịch Na Uy Jon Fosse, 64 tuổi giành được giải Nobel văn học cho các tác phẩm “lên tiếng cho những điều không thể nói”.

Tất cả các giải thưởng Nobel có giá trị khoảng 11 triệu Krone Thụy điển, tương đương 986.000 USD. Lễ trao giải Vật lý, Hóa học, Y khoa và Văn chương được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển) ngày 10-12, ngày Alfred Nobel qua đời.

Riêng giải Nobel Hòa bình là giải Nobel duy nhất không trao ở Stockholm, mà được Ủy ban Nobel của Quốc hội Na Uy trao tại thủ đô Oslo, cũng vào ngày 10-12. Giải này được coi là giải thưởng chính trị danh giá nhất thế giới.

Trong di chúc, nhà sáng lập giải Nobel nêu nguyện vọng giải thưởng lập ra để trao cho những cá nhân hay tổ chức góp phần xây dựng tình hữu nghị, huynh đệ giữa các dân tộc, cũng như giải thể hay cắt giảm quân đội ở mọi quốc gia trên thế giới.


Comments are closed.