Chuyện Việt Nam Thứ Năm 26/10/2023: *Quốc tế lên án CSVN biệt giam Trịnh Bá Phương *Hoa Kỳ nói giúp Việt Nam đấu giá mỏ đất hiếm *Biển Đông: Hoa Kỳ và đồng minh tập trận *Công ty Novaland Việt Nam bị áp lực từ các chủ nợ


Quê Hương tổng hợp


Liên minh nhân quyền quốc tế lên án chính phủ vì biệt giam Trịnh Bá Phương

RFA – 26/10/2023

Liên minh nhân quyền quốc tế lên án chính phủ vì biệt giam Trịnh Bá Phương

Bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương (giữa) và Trịnh Bá Tư 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngFacebook 

Đài Quan sát Bảo vệ Người Hoạt động Nhân quyền (Đài Quan sát), một liên minh của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) lên án Chính phủ Việt Nam trong việc đánh đập và trừng phạt nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cũng như đối xử vô nhân đạo đối với mẹ và em trai cùng bị bắt giam tùy tiện từ năm 2020.

Trong thỉnh nguyện thư công bố ngày 25/10, Đài Quan sát yêu cầu Chính phủ Việt Nam chấm dứt mọi biện pháp trừng phạt đối với ba nhà hoạt động bảo vệ quyền đất đai, trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

Đài Quan sát đưa ra lời kêu gọi hơn một tháng sau khi ông Trịnh Bá Phương, người đang thi hành án tù mười năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” tại Trại giam An Điềm (tỉnh Quảng Nam), bị đánh đập và sau đó bị biệt giam cùm chân trong mười ngày, từ ngày 09/9 đến ngày 19/9. 

Như Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã đưa tin, trong ngày 09/9, ông Phương cùng hai bạn tù khác là Trương Văn Dũng và Phan Công Hải biểu tình phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo trong trại giam. Sau đó, họ bị quản giáo trại giam đánh đập, ông Phương và ông Hải còn bị đưa đi kỷ luật cùm chân trong mười ngày.

Trong thỉnh nguyện thư, Đài Quan sát lên án mạnh mẽ hình phạt kỷ luật đối với ông Phương và hai bạn tù của ông, đồng thời nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên ông Phương bị ngược đãi và tra tấn. Hơn nữa, em trai ông là Trịnh Bá Tư cũng đã nhiều lần bị kỷ luật biệt giam, đánh đập, cùm chân và lao động khổ sai trong khi thi hành án tù tám năm về cùng tội danh tại Trại giam số 6 ở Nghệ An.

Đài Quan sát nhắc lại việc ông Phương cùng mẹ là bà Cấn Thị Thêu và em trai bị bắt giữ một cách tùy tiện tại Hà Nội vào ngày 24/6/2020 sau khi họ lên tiếng bảo vệ người dân Đồng Tâm sau cuộc tấn công của cảnh sát cơ động vào làng Hoành đầu tháng 1 năm đó.

Đài Quan sát bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc bị tra tấn và ngược đãi mà cả ba người trong một gia đình phải đối mặt trong trại giam.

Đài quan sát bày tỏ mối lo ngại hơn nữa về sự toàn vẹn về thể chất và sức khỏe tâm lý của gia đình ba người bảo vệ nhân quyền, những người đã bị đe dọa và câu lưu nhằm trấn áp họ và ngăn cản họ tham dự các phiên tòa xét xử ba mẹ con.

Trong tin nhắn gửi RFA ngày 26/10, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) khẳng định:

Hình thức tra tấn rõ ràng mà Trịnh Bá Phương phải chịu trong thời gian bị giam giữ là minh chứng cho điều kiện hà khắc của các nhà tù trên khắp Việt Nam.

Trong khi điều kiện tồi tệ ảnh hưởng đến tất cả tù nhân, chính quyền lại áp đặt những điều kiện đặc biệt hà khắc đối với tù nhân chính trị, những người thường là mục tiêu của những hình phạt không cần thiết.

Các tiêu chuẩn quốc tế về đối xử với tù nhân nghiêm cấm việc sử dụng các công cụ kiềm chế, ngoại trừ trong một số trường hợp đặc biệt và dưới những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Việc bị cùm kéo dài đối với Trịnh Bá Phương không thuộc những trường hợp ngoại lệ này và thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng quyền được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm của ông.”

Đài Quan sát còn lưu ý thêm rằng ông Phương vẫn bị giam giữ cách nhà 850 km, còn ông Tư và bà Thêu bị giam giữ ở khoảng cách lần lượt là 300 km và 120 km từ nhà của họ ở Hà Đông, Hà Nội. 

Tổ chức này nói việc giam giữ những người bảo vệ nhân quyền nói trên ở các nhà tù xa xôi là sự trừng phạt đối với bản thân và gia đình họ, vì mỗi lần thăm gặp đòi hỏi chi phí đi lại cao và hành trình vất vả, và do đó không thể diễn ra thường xuyên.

Đài Quan sát kêu gọi nhà chức trách Việt Nam bảo vệ và tôn trọng quyền không bị tra tấn và các hình thức ngược đãi khác của bà Thêu cùng hai con, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức, nghiêm túc và khách quan về các hành vi tra tấn và ngược đãi cũng như buộc những người đã thực hiện phải chịu trách nhiệm.

Liên minh này lên án việc giam giữ tùy tiện đang diễn ra ở Việt Nam và kêu gọi Hà Nội hủy bỏ các tội danh, trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện.

Tổ chức này thúc giục Việt Nam ngừng lạm dụng Điều 117 của Bộ luật Hình sự để truy tố những người bảo vệ nhân quyền và bịt miệng những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, đồng thời nhắc lại rằng một số Thủ tục Đặc biệt của Liên Hiệp quốc đã tuyên bố rằng điều khoản này “quá rộng và dường như nhằm mục đích bịt miệng những người thực thi quyền con người của mình trong việc tự do bày tỏ quan điểm và chia sẻ thông tin với người khác.”

Đài Quan sát cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế viết thư cho ban lãnh đạo và các cơ quan chức năng của Việt Nam, trong đó có Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài với yêu cầu Hà Nội tôn trọng phẩm giá và quyền của ba nhà hoạt động và các tù nhân lương tâm khác, và trả tự do cho họ.

Theo đó, Hà Nội cần bãi bỏ hoặc sửa đổi đáng kể Điều 117 của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam, đồng thời tuân thủ Quy tắc Nelson Mandela trong giam giữ tù nhân.

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về lời kêu gọi của Đài Quan sát, nhưng chưa nhận được ngay phản hồi. Bộ Ngoại giao Việt Nam thường phớt lờ các đề nghị bình luận của chúng tôi.


Hoa Kỳ nói sẵn sàng giúp Việt Nam đấu giá các mỏ đất hiếm

25/10/2023

Hoa Kỳ nói sẵn sàng giúp Việt Nam đấu giá các mỏ đất hiếm

Các mẫu oxit đất hiếm tại công ty khai thác VTRE ở Hà Nội ngày 7/9/2023. 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Mỹ sẵn sàng giúp Hà Nội trong việc chuẩn bị cho đấu giá các mỏ đất hiếm tại Việt Nam.

AP loan tin ngày 25/10 dẫn lời kinh tế gia trưởng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Emily Blanchard như vừa nêu đưa ra trong cùng ngày ở Hà Nội.

Nguyên văn lời bà Emily Blanchard khi được hỏi về công tác đấu giá có thể mà cơ quan chức năng Việt Nam chuẩn bị cho những mỏ đất hiếm chưa khai thác : “Nếu Việt Nam chọn (chúng tôi) để hỏi sự trợ giúp trong công tác chuẩn bị đấu giá (các mỏ đất hiếm), chúng tôi sẽ vui mừng trợ giúp”.

AP dẫn lại lời của một viên chức của hãng Blackstone Minerals, Australia, Tessa Kutscher, nói với Reuters vào tháng qua rằng Chính phủ Hà Nội có ý định cho đấu thầu nhiều lô tại mỏ đất hiếm Dong Pao trước cuối năm nay và Blackstone Minerals có kế hoạch thầu ít nhất một khu.

Cơ quan thăm dò địa chất Hoa Kỳ đánh giá lượng đất hiếm của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chừng 22 triệu tấn.

Đây là nhóm nguyên tố hiếm có; nhưng lại được dùng để sản xuất các loại thiết bị, linh kiện cho công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, lọc hóa dầu, luyện kim, quân sự và một số lĩnh vực khác.


Nguyễn Thông – Đèn cù 

Theo báo mậu dịch sáng nay, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo Luật Căn cước mà Chính phủ trình không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân”.

Vâng, thưa Vương chủ tịch và các ông bà nghị viên lẫn chính phủ lẫn công an, các vị tính như vậy tạm coi được. Chứ căn cước dân xài đang còn hạn sử dụng mà lại bắt họ đổi phải trả tiền, phí chồng phí, thì chẳng có gì đảm bảo sự uất ức của dân bị nén chặt quá có vỡ ra không.

Nhưng thưa quốc hội, không phát sinh thủ tục, không thêm chi phí cho dân chỉ là một chuyện, còn sự lãng phí lại là chuyện khác. 

Biết bao nhiêu tiền bạc bỏ ra để làm đống phôi mẫu căn cước hiện hành, chỉ có cách đốt bỏ chứ đâu dùng được vào việc gì. Trước đó đã đốt cả đống phôi mẫu cũ căn cước vạch, chứng minh nhân dân (CMND) 12 số, CMND 9 số, mẫu hộ chiếu không ghi quê quán… mà các vị cứ dửng dưng, bình chân như vại. Chả vị nào thốt được một lời bày tỏ tiếc tiền dân đóng góp. 

Có vài thứ giấy tờ tùy thân, nhẽ ra phải nghĩ thật kỹ để dùng cho cả đời người, vậy mà cứ thay đổi xoành xoạch, nay này mai khác, đủ biết tầm suy nghĩ của các vị ở mức nào.

Tôi xin hỏi mấy bác công an, các bác định đơn giản hóa cái thẻ căn cước, ừ thì cứ cho là được đi. Chẳng hạn bỏ vân tay, được, bởi thời nay thiếu gì thứ để thay vân tay nhằm xác nhận ai đó. Nhưng bỏ quê quán để thay bằng nơi cư trú thì cần xem lại.

Thời di dân cơ học chóng mặt này, cứ chỗ nào làm ăn kiếm sống được thì con người ta nhào tới, không ổn lại bỏ đi nơi khác. Có khi trong một năm sống vài ba nơi, cư trú ở vài ba tỉnh thành. Khi đã đi chỗ khác thì đoạn tuyệt với chỗ cũ, chả bao giờ trở lại. Vậy đưa “nơi cư trú” vào thẻ căn cước để làm gì. Lấy cái biến động, không ổn định để thay cái bất biến, rõ ràng về mặt quản lý hành chính là cực dở, nhất là khi cần điều tra, xác minh chả khác gì đâm vào ngõ cụt.

Chán các ông các bà lắm đi.

NGUYỄN THÔNG 25.10.2023


Công ty Novaland của Việt Nam tổ chức họp Hội đồng Quản trị trong bối cảnh áp lực từ các chủ nợ

26/10/2023 – Reuters

Cù Tuấn, biên dịch

HÀ NỘI, ngày 25 tháng 10 (Reuters) – Công ty Novaland của Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng quản trị bất thường vào thứ Năm, ngày 26/10 để thảo luận về áp lực ngày càng tăng từ những chủ nợ nắm giữ trái phiếu chuyển đổi trị giá 300 triệu USD, sau khi công ty không thanh toán lãi vào tháng 7, hai người am hiểu vấn đề này cho biết.

Vào tháng 9, công ty phát triển bất động sản này đã bị thúc giục đàm phán thỏa thuận tái cơ cấu nợ với một nhóm chủ nợ quốc tế, với tổng quyền sở hữu 75% trái phiếu chuyển đổi không có bảo đảm, đáo hạn vào năm 2026.

Các nguồn tin riêng biệt cho biết, một nhóm trái chủ nhỏ hơn hiện đang thảo luận về vấn đề có thể xảy ra với cái gọi là thông báo tăng tốc.

Các điều khoản tăng tốc là thông lệ trong các hợp đồng nợ, quy định các yêu cầu nào của chủ nợ phải được coi là đến hạn và phải trả sau khi một sự kiện được kích hoạt.

Theo một trái chủ giấu tên thảo luận về thông tin không được tiết lộ công khai, nhóm chủ nợ này sở hữu chung hơn 25% trái phiếu của Novaland và bao gồm các quỹ phòng hộ có trụ sở tại Mỹ và Hồng Kông.

Novaland không bình luận về việc liệu cuộc họp hội đồng quản trị trên có được triệu tập hay không nhưng cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ đang cố gắng hỗ trợ các trái chủ “trong phạm vi nguồn lực của công ty… trong bối cảnh thị trường khó khăn và tính thanh khoản hạn chế của chúng tôi hiện nay”.

Công ty niêm yết tại Thành phố Hồ Chí Minh này đã chứng kiến cổ phiếu của mình sụt giảm hơn 80% giá trị trong năm qua. Lĩnh vực bất động sản của Việt Nam đã gặp khó khăn trong nhiều tháng trong bối cảnh chính phủ trấn áp tham nhũng cũng như do các quy định chặt chẽ hơn về phát hành trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến khủng hoảng tín dụng.

Giá trị thị trường của trái phiếu chuyển đổi trên hiện ở mức khoảng 90 triệu USD, chưa bằng 1/3 giá trị ban đầu.

Novaland đã tiến hành đàm phán với nhiều chủ nợ và đã đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ.

Một nguồn tin trước đây cho biết, quỹ Warburg Pincus của Mỹ, dẫn đầu một tập đoàn đầu tư 250 triệu USD vào Novaland, đã đồng ý chuyển 200 triệu USD trong số trái phiếu nợ thành cổ phiếu của các công ty con của Novaland.

Tháng 11 năm ngoái, Citigroup đã chuyển đổi 5 lô trái phiếu có thể chuyển đổi trị giá 1 triệu USD thành khoảng 271.000 cổ phiếu Novaland với giá chuyển đổi 85.000 đồng, cao gấp 6 lần giá cổ phiếu Novaland hiện tại.

(1 USD = 24.560 đồng).


Biển Đông: Hoa Kỳ và các nước đồng minh tập trận tuần này

25/10/2023

Biển Đông: Hoa Kỳ và các nước đồng minh tập trận tuần này
Minh họa: Các tàu hải quân Nhật Bản tập trận cùng tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông 
https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

Hải quân Hoa Kỳ và bốn nước đồng minh tiến hành tập trận tại Biển Đông vào khi Trung Quốc và Philippines đối đầu tại vùng biển tranh chấp.

RFA loan tin ngày 25/10 cho biết vào đầu tuần này chiến hạm của năm nước gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada và New Zealand cùng tham gia cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông.

Bản tin dẫn thông cáo từ Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật Bản nói rõ cuộc tập trận có tên Noble Caribou được tiến hành vào ngày 23/10 tại vùng biển nằm giữa hai nước Indonesia và Malaysia. Mục đích cuộc tập trận nhằm tăng cường khả năng chiến thuật và củng cố hợp tác giữa các bên.

Các chiến hạm tham gia cuộc tập trận gồm có JS Akebono của Nhật, USS Rafael của Hoa Kỳ, HMAS Brisbane của Australia, HMCs Ottawa của Canada, và HMNZS Te Mana của New Zealand.

Dữ liệu theo dõi tàu biển của RFA còn cho thấy hai chiến hạm của Hoa Kỳ gồm USNS Rappahannock và USNS Henson hoạt động gần khu vực tập trận của năm chiến hạm các nước tham gia vừa nêu.

Trước đó một ngày, Philippines đã cho triệu đại sứ Trung Quốc ở Manila đến để phản đối về hai vụ việc gần Bãi Cỏ Mây với cáo buộc tàu hải giám Trung Quốc di chuyển nguy hiểm gây va chạm với tàu Philippines.

Phía Bắc Kinh lại cáo buộc tàu Philippines xâm phạm vùng biển của Trung Quốc tại đó.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại viện Hợp tác Hàng Hải và Quản trị Đại dương Huayang Trung Quốc, Mark Valencia, cho rằng cuộc tập trận chắc hẳn được lên kế hoạch từ lâu trước khi xảy ra những sự vụ gần đây; tuy nhiên theo vị chuyên gia thân Trung Quốc này thì đây nằm trong chiến lược chống Trung của Mỹ.


Comments are closed.