Chuyện Việt Nam Thứ hai 19/02/2024: *VietJet bị thu hồi máy bay *Mã độc trộm tiền trên iPhone Việt Nam TQ xuất khẩu xe ô tô ở Indonesia sang Việt Nam, Philippines Tiếng nước tôi? *Chùa Ba Vàng cầu bình an dịp Tết?


Quê Hương tổng hợp


Tòa án Anh yêu cầu VietJet không can thiệp việc thu hồi máy bay mà hãng thuê nhưng nợ tiền

BBC News

18 tháng 2 2024

VietJet

Nguồn hình ảnh, Reuters

Một tòa án ở Anh đã ra lệnh cho hãng hàng không VietJet Air của Việt Nam không can thiệp vào việc thu hồi và đưa ra khỏi Việt Nam các máy bay phản lực mà hãng này thuê nhưng nợ tiền, theo Reuters.

Đây là diễn biến mới nhất trong một cuộc tranh chấp đang khiến thị trường hàng không đang phát triển nhanh nhất thế giới này trở thành tâm điểm chú ý. 

Công ty FW Aviation đã thu hồi bốn máy bay Airbus A321 mà hãng VietJet thuê. Hành động này diễn ra sau khi FW Aviation cáo buộc hãng hàng không này nợ tiền thuê từ năm 2021, tức là vi phạm hợp đồng thuê máy bay.

Tuy nhiên, trong phiên điều trần trực tuyến hôm thứ Sáu, bên cho thuê (thuộc sở hữu của FitzWalter Capital có trụ sở tại London) đã cáo buộc VietJet âm thầm cố gắng cản trở quá trình này bằng cách can thiệp vào việc đưa một trong những máy bay chở khách này ra khỏi Việt Nam, nơi cả bốn máy bay đều đang bị cấm bay. 

Cuộc tranh chấp đang diễn ra tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội và được coi là một bài kiểm tra cho quyền lợi của bên cho thuê máy bay tại Việt Nam, quốc gia đã đặt hàng hàng trăm máy bay Airbus và Boeing, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quy định quốc tế nói chung về cho thuê tài sản.

“Chúng tôi có quyền sở hữu và kiểm soát chiếc máy bay này và điều đó bao gồm khả năng đưa chúng ra khỏi Việt Nam,” luật sư của FWA, Akhil Shah, nói với Tòa án Tối cao London. 

Luật sư của VietJet, Alexander Milner, phủ nhận rằng hãng hàng không đang cố gắng thực hiện các biện pháp để ngăn chặn việc đưa chiếc máy bay ra khỏi Việt Nam, đồng thời đưa ra những lập luận pháp lý chi tiết để chứng minh tại sao VietJet không thể chịu trách nhiệm tại tòa án Vương quốc Anh đối với vấn đề giữa FWA và cơ quan hải quan của Việt Nam.

Hoạt động cho thuê chiếm khoảng một nửa đội bay trên thế giới và khả năng bên cho thuê di chuyển máy bay từ nơi này sang nơi khác trong trường hợp vỡ nợ là một thành phần quan trọng của Công ước Cape Town năm 2001, nhằm củng cố ngành cho thuê máy bay.

Các hãng hàng không ở các quốc gia thành viên bị coi là vi phạm quy định có thể phải đối mặt với việc phải trả lãi suất cao hơn khi thuê máy bay trong tương lai

FWA khẳng định VietJet đã bí mật liên lạc với chính quyền Việt Nam và đã lấy được những bức ảnh không giải thích được về các bức thư giữa bên cho thuê và cơ quan hải quan Việt Nam.

Luật sư Milner nói rằng các nguyên đơn đã quá vội vã để diễn dịch các hành động vô hại là nỗ lực can thiệp. VietJet chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề này.

Việt Nam là chiến trường mới nhất về quyền của bên cho thuê sau tranh chấp ở Ấn Độ và Nga.

Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và bên cho thuê, năm ngoái đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc tuân thủ Hiệp ước Cape Town và tái khẳng định động thái này vào tháng 10. 

Ấn Độ cũng đang bị theo dõi trong bối cảnh tranh chấp giữa hãng hàng không Go First và các bên cho thuê.


Mã độc trộm tiền trên iPhone tấn công người dùng Việt Nam

RFA
17/02/2024

Mã độc trộm tiền trên iPhone tấn công người dùng Việt Nam

Trojan GoldPickaxe.iOS hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngTạp chí TT&TT 

Công ty an ninh mạng quốc tế Group-IB cảnh báo về một trojan iOS mới được thiết kế để đánh cắp dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, tài liệu nhận dạng và chặn SMS đang tấn công người dùng Việt Nam và Thái Lan.

Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 17/2 dẫn giải thích cảnh báo từ Group-IB rằng, Trojan, được đơn vị Threat Intelligence của Group-IB đặt tên là GoldPickaxe.iOS, là do một tin tặc nói tiếng Trung Quốc có tên mã là GoldFactory phát triển.

Theo báo cáo chi tiết của Group-IB, GoldFactory đã phát triển một họ trojan cực kỳ tinh vi nhắm mục tiêu vào các ứng dụng ngân hàng cực kỳ tinh vi, bao gồm GoldDigger được phát hiện trước đó và GoldDiggerPlus, GoldKefu và GoldPickaxe mới trên Android.

Các nhà nghiên cứu của Group-IB đã phát hiện ra rằng trojan GoldPickaxe.iOS hiện chủ yếu nhắm mục tiêu vào người dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cụ thể là Thái Lan và Việt Nam, mạo danh các ngân hàng địa phương và các tổ chức chính phủ.

Đại diện Group-IB tại Việt Nam cho biết, một người dùng Việt Nam đã trở thành nạn nhân của loại trojan độc hại này. Theo đó, vào đầu tháng 2/2024, nạn nhân đã thực hiện các hoạt động mà ứng dụng yêu cầu, bao gồm cả quét nhận dạng khuôn mặt. Kết quả, tin tặc đã rút số tiền tương đương hơn 40.000 USD.

Tháng 10/2023 đại diện Group-IB tại Việt Nam đã đưa ra cảnh báo mặc dù hiện tại, GoldDigger chủ yếu tập trung vào các mục tiêu ở Việt Nam, tuy nhiên có những dấu hiệu cho thấy mối đe dọa này có thể mở rộng phạm vi ra khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tới cả các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.

Điều khiến GoldPickaxe trở thành một trojan nguy hiểm hơn chính là khả năng khai thác dữ liệu sinh trắc học bị đánh cắp. Từ dữ liệu này, tin tặc sử dụng công cụ AI để tạo ra deepfake bằng cách thay thế khuôn mặt của chúng bằng khuôn mặt của nạn nhân nhằm để truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân hoặc dữ liệu khác được bảo vệ bằng nhận dạng khuôn mặt hoạt động như 2FA. Khi nạn nhân phát hiện mọi chuyện thì có thể đã quá muộn.

Các chuyên gia của Group-IB khuyến cáo để bảo vệ iPhone, người dùng nên tránh cài ứng dụng từ nguồn không tin cậy, hạn chế tải ứng dụng qua TestFlight vì nền tảng này không được kiểm duyệt như App Store.

Hôm 7/1/2024, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết tình trạng lừa đảo trên không gian mạng 2023 tại Việt Nam đang ở mức đáng báo động và rất phức tạp.

Liên quan vấn đề này,ThS Philip Hùng Cao, Chiến lược gia và Nhà truyền bá về Zero Trust cho biết có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng trong khả năng nhận thức thông tin và sử dụng mạng.


Chery của Trung Quốc tính xuất khẩu ô tô sản xuất ở Indonesia sang Việt Nam, Philippines 

17/02/2024 

VOA Tiếng Việt 

Indonesia là nước tiêu thụ nhiều ô tô, ảnh chụp ở Jakarta tháng 10/2017 (REUTERS/Beawiharta)

Indonesia là nước tiêu thụ nhiều ô tô, ảnh chụp ở Jakarta tháng 10/2017 (REUTERS/Beawiharta) 

Hãng chế tạo ô tô quốc doanh Trung Quốc Chery cho biết hôm thứ Sáu 16/2 rằng họ có kế hoạch xuất khẩu ô tô của hãng sản xuất ở Indonesia sang Việt Nam và Philippines, Jakarta Globe đưa tin. Thông tin này cũng được đề cập trong một bản tin của Asia News Network trong cùng ngày.

Chery hợp tác với một công ty Indonesia là Handal Indonesia Motor để cùng nhau lắp ráp xe, trong đó Chery đưa các bộ phận xe đến Indonesia để lắp ráp tại cơ sở của Handal, tin của Jakarta Globe và Asia News Network cho hay. Trong số các sản phẩm có cả xe điện (EV) của Chery là Omoda E5.

Chery tuyên bố rằng mẫu xe điện này đã đáp ứng yêu cầu phải nội địa hóa ít nhất 40% để được nhận các ưu đãi, trợ cấp từ chính phủ Indonesia, theo Zheng Shuo, trợ lý phó chủ tịch của PT Chery Sales Indonesia. Các xe lắp động cơ đốt trong cũng đạt các điều kiện như vậy. Ông Shuo nói rằng việc đạt được tỷ lệ nội địa hóa hơn 40% có thể giúp xe của Chery được hưởng ưu đãi miễn thuế nhập khẩu theo hiệp định thương mại nội khối ASEAN hiện hành, Jakarta Globe tường thuật.

“Trong quý 1 hoặc quý 2 năm 2024, chúng tôi sẽ không chỉ sản xuất ở Indonesia xe tay lái nghịch mà cả xe tay lái thuận để xuất khẩu tại đây. Tỷ lệ nội địa hóa sẽ mang lại cho chúng tôi một số lợi ích từ việc được miễn thuế nhập khẩu vì chúng tôi có thỏa thuận thương mại giữa các nước ASEAN”, ông Shuo nói với các phóng viên của B-Universe bên lề Triển lãm Ô tô Quốc tế Indonesia (IIMS) tại Jakarta hôm 16/2, vẫn theo tin của Jakarta Globe.

Năm ngoái, Chery đã công bố khoản đầu tư khoảng 16 triệu đô la để sản xuất xe hơi điện ở Indonesia cùng với hãng Handal Motor Indonesia cho người tiêu dùng của nước này. Ông Shuo đề cập đến khả năng Cherry tăng đầu tư vào Indonesia vì thấy có nhu cầu rất lớn ở đất nước này. Tuy nhiên, ông từ chối cho biết khoản đầu tư bổ sung sẽ có giá trị chính xác là bao nhiêu.

Jakarta Globe trích lời ông Shuo nói rằng Chery không có kế hoạch cung cấp xe nhập khẩu nguyên chiếc cho thị trường Indonesia.

“Chúng tôi muốn hiện thực hóa cam kết của mình với chính phủ Indonesia và giúp thúc đẩy nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tăng cường nội địa hóa. Hiện tại, việc nhập khẩu thêm ô tô nguyên chiếc không phải là một phần trong chiến lược của chúng tôi”, ông Shuo nói.

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) loại bỏ thuế quan áp dụng đối với các sản phẩm được giao dịch giữa các thành viên của khối các nước Đông Nam Á. Tính đến năm 2020, ASEAN gần như không có thuế quan, với thực tế là họ loại bỏ hoàn toàn thuế quan đối với 98,6% các sản phẩm, tuân theo ATIGA. Theo hãng tin VietNamNet Global, Việt Nam sẽ tiếp tục miễn thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ ASEAN cho đến hết năm 2027 trong khuôn khổ ATIGA.


Lưu Trọng Văn – Tiếng nước tôi 

19/02/2024

Các khách sạn lớn ở Phnom Penh không ai biết tiếng Việt. Gã đi xe hơi từ Phnom Penh đến Siêm Riệp dừng lại các trạm nghỉ, nhân viên trẻ cũng “no no Việt Nam”. 

Đến Ang Ko Wat vào trung tâm dịch vụ, mặc dù ông chủ là người gốc Việt, các nhân viên đều lắc đầu “no no Việt Nam.”

Phải chấp nhận sự thật này thôi. Cuộc chiến qua 45 năm rồi, thế hệ lớn lên sau 1979 hầu như không còn quan tâm tới ai đã cứu cha mẹ, ông bà họ khỏi nạn diệt chủng nữa. Với họ, lúc này ai làm chủ nền kinh tế, thương mại, ai nhiều tiền là đối tượng họ tôn kính và hết mình phục vụ.

Những người già một thời gắn bó với Việt Nam bị dạt vào trong ngõ, làng quê.

Bây giờ Trung Quốc chiếm lĩnh kinh tế, lớp trẻ học tiếng Hoa. Bây giờ đất nước hòa nhập thế giới, lớp trẻ biết tiếng Anh.

Tiếng Việt để làm gì? 

Đi dọc dài Campuchia từ Nam lên Bắc gã hầu như không thấy chữ Việt, tiếng Việt hiện hữu. 

À, có, tại một sòng bạc ở Shihanoukville có dòng chữ: Nơi chơi công bằng. Tức là không gian lận. 

À, có, tại làng chài Biển Hồ, khi thuyền của gã vừa tới, cả chục chiếc thuyền chở lũ trẻ nheo nhóc bu lại: Chú ơi, đói quá cho tiền mua gạo! Chú ơi! Ông ơi!

Gã bật khóc. Việt kiều đấy! Thân phận người Việt đấy!

Tôi yêu tiếng nước tôi! 

Chú ơi! Đói quá! Cho tiền mua gạo, chú ơi!

“Tiếng nước tôi mấy ngàn năm vận nước nổi trôi! Nước ơi!”


Nguyễn Thông – Chuyện làng 

19/02/2024

Hết tết. 

Cả nước cũng như một cái làng. Một nửa làng lại mau mắn cặm cụi đi làm, “dĩ công vi tiên” để nuôi cả làng. Một nửa làng vẫn xúng xính quần này áo nọ đèn nhang vui cười hớn hở đi lễ hội đi chùa tới hết tháng giêng tháng hai tháng ba, “dĩ nhởi vi tiên”, gọi là để kích cầu, đậm sắc màu văn hóa dân tộc.

Người còng chăm chỉ phải gánh cho đứa thẳng lưng chơi bời, mà tỉ lệ 82 % là ví dụ rõ nhất.

Ngay từ mùng 5, người dân nửa “làng trong” đã đổ ra đường để đi làm chứ không phải đi chơi. Họ quen thế rồi, không làm việc thì không chịu được. Họ chăm làm tự giác, mà họ cũng không cấm không ghét người đi chơi. Chỉ có điều, ai chơi cũng được, đừng bắt họ nuôi.

Làng trong cũng rất ít lễ hội, có nhưng hầu như không đáng kể. Người mở đất chỉ đem theo ý chí và sức lực để làm việc chứ không lôi theo trò này trò nọ chơi bời. Sì sụp khấn vái cầu nọ cầu kia lại càng xa lạ với họ, bởi họ chỉ tin ở chính mình.

Trưởng làng trưởng thôn nhẽ ra phải thấy rõ điều ấy, nhưng ngược lại, còn cổ vũ cho thói ăn chơi ngày rộng tháng dài, và bắt đứa chăm làm đóng góp để nuôi.

Tôi là kẻ chăm làm, yêu lao động, tôi kính trọng biết ơn những người hay làm hơn hay chơi, dù là đi chơi lễ hội hoặc đi chùa được nhà nước cổ vũ. 


Người dân đổ về chùa Ba Vàng cầu bình an dịp Tết, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu nhà chùa không nhận linh vật lạ

18/02/2024

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-flock-to-ba-vang-pagoda-on-tet-occasion-02182024081148.html/@@images/image

Người dân đổ về chùa Ba Vàng, Quảng Ninh vào dịp Tết Giáp Thìn 2024 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngThanh Niên 

Hàng vạn người dân đã đổ về chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh vào ngày 17/2 để chiêm bái cầu bình an nhân dịp Tết Nguyên đán nhưng vào ngày 18/2 chính quyền tỉnh đã yêu cầu nhà chùa không tiếp nhận công đức các linh vật lạ, ngoại lai.

Chùa Ba Vàng nổi tiếng trong dân chúng Việt Nam là chùa lớn với nhiều hoạt động dành cho cả trẻ em lẫn người lớn. Nhưng điều khiến dư luận và báo chí thời gian qua chú ý nhiều hơn là hai vụ gồm cúng “oan gia trái chủ” và “xá lợi tóc Đức Phật”.

Vụ “oan gia trái chủ bị báo chí trong nước phát giác năm 2019 khi nhà chùa thu tiền của hàng ngàn người dân để làm các lễ cũng này. Số tiền được báo trong nước điều tra ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Vụ “xá lợi tóc Đức Phật” xảy ra vào tháng 12 năm ngoái khi nhà chùa trưng bày cái mà chùa gọi là một sợi tóc của Đức Phật đang cử động thu hút hàng ngàn người đến xem. Nhà chùa cho biết cọng tóc này được mượn từ một chùa ở Myanmar nơi có “xá lợi tóc Đức Phật”.

Trong cả hai vụ việc, trụ trì chùa là Đại đức Thích Trúc Thái Minh đều bị kỷ luật và phải sám hối.

Theo thông tin mới nhất từ truyền thông Nhà nước, Đoàn giám sát của Sở VH-TT Quảng Ninh đã đến kiểm tra, giám sát hoạt động tại chùa Ba Vàng trong dịp Tết và đã đề nghị chùa Ba Vàng tiếp tục thực hiện đúng quy định; không tiếp nhận công đức các linh vật lạ, ngoại lai không phù hợp tại di tích.

Báo cáo của đoàn giám sát cho biết, trong dịp Tết vừa qua, chùa Ba Vàng đã đón khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái lễ Phật.

Cũng theo báo cáo, không có hiện tượng thu, đổi tiền lẻ để hưởng chênh lệch giá tại di tích, không có hiện tượng chèo kéo khách tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, sản phẩm tại đây, người dân đưa tiền vào các hòm công đức.

Hồi giữa năm ngoái, chùa Ba Vàng gửi báo cáo thu chi trong một tháng từ ngày 19/3 đến 30/4 tới UBND TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), cho biết số tiền thu hơn bốn tỷ đồng vừa đủ số tiền chi phí. Theo báo cáo này, tổng thu công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội trong đúng một tháng của chùa là 4.164.500.000 đồng, bằng đúng tổng số chi.


Đài Loan đình chỉ hoạt động ba tháng công ty bỏ rơi gần 300 khách ở Phú Quốc

RFA
17/02/2024

Đài Loan đình chỉ hoạt động ba tháng công ty bỏ rơi gần 300 khách ở Phú Quốc

292 du khách của We Love Tour đã lên máy bay về nước an toàn. 

VnEconomy 

Tổng cục Du lịch Đài Loan đã đình chỉ hoạt động ba tháng đối với We Love Tour đồng thời công bố công ty này đang gặp khó khăn về tài chính, với khoản nợ hơn 10 triệu Đài tệ (318.730USD).

Thông tin trên được đăng tải trên tờ Focus Taiwan trong ngày 16/2. Tin nêu rõ lệnh đình chỉ ba tháng được áp dụng đối với We Love Tour là do công ty này đã vi phạm quyền lợi của khách hàng sau khi 292 du khách đặt tour từ Đài Bắc đến đảo Phú Quốc ở Việt Nam bị đối tác là Công ty Lữ hành Quốc tế Việt Nam Winner của We Love Tour thay đổi hoặc hủy bỏ dịch vụ.

Một quan chức du lịch Đài Loan cho biết, việc đình chỉ kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến khoảng 430 khách hàng mà We Love Tour đã lên kế hoạch cho các chuyến tham quan từ nay đến tháng 4.

We Love Tour cũng bị cấm đưa một nhóm khách khác đến Phú Quốc trong ngày 16/2.

Đối với cáo buộc We Love Tour vi phạm quy định quản lý, chính quyền cho biết sẽ thu thập bằng chứng và lời khai của nạn nhân từ các nhóm du lịch đã rời Đài Loan để đi Phú Quốc vào ngày 9 và 10/2 và đánh giá các cáo buộc dựa trên luật của Đài Loan.

Nếu Tổng giám đốc We Love Tour David Lin không thể giải quyết các vấn đề với công ty, Hiệp hội du lịch Đảm bảo chất lượng du lịch Đài Loan, sẽ thu hồi tư cách thành viên của công ty này. Trường hợp công ty không thể đưa ra đề xuất thỏa đáng sau ba tháng về cách cải thiện hoạt động, thời gian đình chỉ sẽ được gia hạn, một quan chức du lịch cho biết.

Cũng trong ngày 16/2, liên quan vụ việc trên, về phía Việt Nam, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết đã kiến nghị phạt hành chính 30 triệu đồng đối với Công ty Lữ hành quốc tế Việt Nam Winner vì vi phạm quy định khi kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Sở Du lịch Kiên Giang cung cấp cho báo chí, Công ty Winner có hợp đồng với công ty We Love Tour của Đài Loan để đưa khách đến Phú Quốc. Phía công ty Việt Nam đã nhận được tiền cọc là 700.000 đài tệ (khoảng 500 triệu đồng) vào ngày 18/1.

Đến ngày 24/1, Công ty Winner đã gửi 10 bảng báo giá cho 10 đoàn khách Đài Loan đến Công ty We Love Tour. Tuy nhiên, hai công ty đã không thống nhất thỏa thuận nên ngày 31/1 Công ty Winner đã đơn phương gửi thông báo dừng cung cấp dịch vụ đến Công ty We Love Tour. Tuy nhiên, Công ty We Love Tour không có phản hồi. Winner vẫn giữ tiền cọc.

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, đoàn khách Đài Loan đến Phú Quốc vào khuya ngày 9/2 nhưng không có xe đưa đón, không có hướng dẫn viên. Công ty We Love Tour đã liên hệ với Công ty Winner nhờ phục vụ đoàn khách trên, nhưng không thanh toán. Vì vậy Winner yêu cầu mỗi khách phải thanh toán bổ sung 720 đô la.

We Love Tour đồng ý sẽ thanh toán tiền lại cho khách sau nhưng chỉ có 90 khách đồng ý làm theo thoả thuận này.

Sở Du lịch Kiên Giang cho rằng việc Winner thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng vẫn giữ số tiền đặt cọc, vẫn tiến hành phục vụ đoàn khách và thu phí dịch vụ đã vi phạm quy định khi kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Vào ngày 14/2 đoàn khách này đã lên máy bay về nước trên các chuyến bay thuê chuyến của Bamboo Airways. Hãng hàng không này cho báo chí trong nước biết đoàn khách Đài Loan được đảm bảo về nước dù tiền thanh toán vé máy bay vẫn chưa được phía công ty Đài Loan thực hiện.


Thái Lan muốn lập nhóm miễn visa, Việt Nam ‘không nên do dự’

BBC News

19 tháng 2 2024

Du khách châu Âu có tới Việt Nam, nhưng chưa nhiều

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Việt Nam là điểm đến được nhiều du khách châu Âu lựa chọn, nhưng vẫn có nhiều bất cập về chất lượng dịch vụ, về thủ tục giấy tờ

Thái Lan muốn cùng Việt Nam, Campuchia, Lào và Malaysia lập nhóm miễn thị thực cho khách du lịch từ châu Âu, từ đó tìm kiếm cơ hội xin miễn visa song phương.

Trên tờ The Nation vào ngày 5/2, ông Prommin Lertsuridej, Tổng thư ký của Thủ tướng Thái Lan, cho biết kế hoạch sẽ có hai giai đoạn thương lượng. 

Giai đoạn đầu cho phép du khách EU đi lại tự do giữa năm nước ASEAN sau khi có được visa nhập cảnh của bất kỳ quốc gia thành viên nào trong nhóm năm nước này. 

Nếu các quốc gia đồng ý, giai đoạn hai sẽ được tiến hành khi Thái Lan dẫn đầu đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), nhắm tới mục tiêu miễn thị thực giữa nhóm Schengen (gồm 27 nước, chủ yếu là thành viên EU) và nhóm năm nước ASEAN kể trên. 

Trong cuộc trao đổi trực tiếp với BBC News Tiếng Việt vào ngày 12/2, khi được hỏi về tính khả thi của kế hoạch vào ngày 12/2, cựu Bộ trưởng Thể thao và Du lịch Thái Lan Weerasak Kowsurat nói: 

“Sẽ rất khó để có thể thay đổi suy nghĩ của những người hiện đã ở trong vị trí lãnh đạo. Tuy nhiên, đây sẽ là một cơ hội lớn [cho ngành du lịch] của các nước tham gia.”

Có góc nhìn tích cực hơn là ông Jeroen Schedler, Trưởng khoa Dịch vụ của đại học Rangsit ở Thái Lan. Ông đánh giá rằng kế hoạch “có khả năng cao sẽ được tiến hành”.

‘Cơ hội lớn’

Với kế hoạch được đề xuất từ phía Thái Lan, lợi ích đầu tiên ngay lập tức nhận ra được là sự dễ dàng trong việc di chuyển giữa các nước ASEAN của khách du lịch châu Âu.

“Chúng ta [năm nước ASEAN] hiện chỉ đang nhắm tới khách du lịch châu Âu từ ngoài châu lục mà quên mất những người vốn đã ở trong khu vực,” ông Weerasak nói. 

Do năm nước ASEAN có đường biên giới tiếp giáp, việc đi lại và du lịch đường bộ vô cùng thuận tiện. 

Ngoài cách bay thẳng từ châu Âu, du khách có thể di chuyển từ các quốc gia trong nhóm qua đường bộ nếu sáng kiến này được áp dụng. 

Tiến sĩ Phạm Hà, Chủ tịch tập đoàn Lux Group – công ty lữ hành Việt Nam chuyên bán tour cao cấp, cho biết theo kinh nghiệm của ông thì khách thường rất thích việc di chuyển giữa các nước bằng ô tô. 

Đối với du khách từ châu Âu, việc bay tới khu vực ASEAN tốn không ít thời gian. Các chuyến bay thẳng thường kéo dài hơn 10 tiếng và lên tới 15 – 20 tiếng khi bay chuyển tiếp. 

Vì vậy, bên cạnh giá vé máy bay, việc chọn điểm đến cũng rất quan trọng. Điều này khiến khách du lịch phải cân đo đong đếm giữa các lựa chọn. 

“Việt Nam chủ yếu đang cạnh tranh khách du lịch với các nước trong khối ASEAN, đặc biệt là với Thái Lan,” ông Phạm Hà chia sẻ trong cuộc phỏng vấn vào giữa tháng 2 với BBC.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, CEO Công ty du lịch Lửa Việt, trong cuộc trao đổi với BBC cũng có đánh giá tương tự. 

“Do thời gian không phải vô tận, mỗi lần đi cũng phải xin thủ tục nên có thể họ sẽ lựa chọn năm nay họ đi Thái Lan, năm sau họ đi Việt Nam. Hoặc họ sẽ lựa chọn nếu muốn đi Đông Nam Á thì sẽ tới nước nào,” ông nói. 

Theo ông, trong thị trường du lịch hiện tại, việc liên kết là “xu thế tất yếu.” 

Việc gia nhập nhóm miễn thị thực có thể giúp Việt Nam tránh phải cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan. Thậm chí, Thái Lan sẽ trở thành một cầu nối quan trọng giữa khách du lịch châu Âu và Việt Nam.

Hơn nữa, theo ông Phạm Hà, nếu kế hoạch được triển khai, nhóm năm nước ASEAN có tiềm năng trở thành một địa điểm lớn để cạnh tranh với các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Hình ảnh du khách nước ngoài tới thăm Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Một số doanh nhân, chuyên gia cho rằng sáng kiến của Thái Lan sẽ có tác động tích cực tới du lịch Việt Nam

Trong bài viết trên tờ The Nation, ông Prommin Lertsuridej cho biết: “Việt Nam đặc biệt tìm kiếm sự giúp đỡ từ Thái Lan cho ngành du lịch”. 

Campuchia, một trong các quốc gia có tên được đề xuất trong nhóm miễn thị thực, đã hưởng ứng một liên kết song phương “Hai quốc gia, một điểm đến” với Thái Lan khi thủ tướng hai nước gặp nhau hồi đầu tháng Hai. 

Theo thông cáo chung đưa ra khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã giao nhiệm vụ cho bộ trưởng du lịch hai nước tiếp tục thúc đẩy chiến dịch.

Những chính sách miễn thị thực được cho là một phương pháp quan trọng để thu hút khách du lịch tới các quốc gia Đông Nam Á. 

Năm ngoái, chính sách miễn trừ thị thực của Thái Lan đã có những đóng góp to lớn tới con số 28 triệu lượt khách du lịch quốc tế – vượt 3 triệu so với con số 25 triệu lượt khách theo dự tính ban đầu. 

Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, trong tháng 11/2023, lượng khách du lịch từ các nước châu Âu được miễn visa tới Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực – tăng 58,5% so với tháng 10/2023. 

Đặc biệt là du khách từ Anh (tăng 38,6%), Pháp (tăng 72,5%), Đức (tăng 36,1%), Ý (tăng 55,1%) và Nga (tăng 41,8%). 

Đây đều là các nước được hưởng chính sách miễn thị thực với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày.

Trước đó, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã đề xuất Việt Nam miễn thị thực du lịch cho tất cả các thành viên của Liên minh châu Âu. 

Việt Nam sẽ mất cơ hội?

Việc miễn thị thực cho khách du lịch châu Âu tới nhóm năm nước ASEAN mà Thái Lan đang đề xuất hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới. 

Trước đây, tại Diễn đàn Du lịch ASEAN 2016 tại Phillipines, một kế hoạch visa du lịch chung cho khu vực ASEAN cũng đã được đề xuất. Kế hoạch này, dù dự kiến sẽ được thông qua, đã thất bại vì nhiều lý do. 

Vậy nếu đề xuất của Thái Lan thất bại, liệu có khả năng một đề xuất mới với những quốc gia mới sẽ xuất hiện hay không? 

Ông Nguyễn Văn Mỹ đánh giá dù Thái Lan đã phải cân nhắc khi lựa chọn bốn nước ASEAN, một nhóm mới không có Việt Nam là “chắc chắn có thể xảy ra” nếu Việt Nam chậm trễ hoặc từ chối gia nhập. 

Ngược lại, bà Quách Thị Mỹ Hòa, Phó giám đốc công ty LPC Travel, nhận định với BBC rằng việc này sẽ không xảy ra.

“Việt Nam có vùng tài nguyên du lịch lớn. Trong cộng đồng ASEAN thì Việt Nam là một nước khá phát triển. Ngoài ra, sự ổn định về chính trị, tôn giáo, và ổn định xã hội của Việt Nam là những ưu thế lớn,” bà nói.

Malaysia cũng có nền du lịch phát triển mạnh, hấp dẫn với khách du lịch châu Âu

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Malaysia cũng có nền du lịch phát triển mạnh, hấp dẫn với khách du lịch châu Âu

Nếu miễn thực cho khối Schengen là nỗ lực mà nhóm nước thuộc ASEAN có thể tự quyết được, thì việc đàm phán để được miễn thị thực theo chiều ngược lại ít khả thi hơn.

Vấn đề di cư bất hợp pháp của lao động Việt Nam sẽ là một rào cản lớn khi Thái Lan đề xuất miễn giảm thị thực song phương với khối Schengen. 

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6/2023, có khoảng 46.000 lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. 

Về vấn đề này, bà Hòa nhận định rằng phía châu Âu, khi cân nhắc miễn visa song phương, sẽ có những lo lắng về sự dịch chuyển lao động từ các quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á. 

Trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, ông Jeroen cho rằng sự thiếu cân bằng về kinh tế và nhu cầu du lịch giữa châu Âu và nhóm năm nước ASEAN cũng sẽ là một trở ngại với việc xin miễn visa song phương.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hà, dù thế nào thì Việt Nam cũng “không nên do dự”. 

“Khách đã tới Thái Lan nhiều nhưng chưa sang Việt Nam mấy, số liệu thống kế đã cho thấy điều đó. Thái Lan lập nhóm không có Việt Nam thì rõ là mất tính cạnh tranh lớn cho du lịch Việt Nam và Việt Nam tự nhiên thành cạnh tranh với khối năm nước du lịch mạnh trong ASEAN, rất có thể là Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore,” ông nhận định. 

Chủ tịch tập đoàn Lux Group đánh giá rằng ở thời điểm hiện tại, các nước nhanh nhạy thay đổi phù hợp sẽ chiến thắng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, còn “trâu chậm sẽ uống nước đục, tụt hậu”. 

Ông Phạm Hà cho biết trước đó các doanh nghiệp du lịch đã nhiều lần đề xuất lên chính phủ miễn visa cho nhiều nước như Úc và New Zealand, nhưng dù đã “lắng nghe”, chính quyền vẫn “chưa có hành động gì.” 

Ông Nguyễn Văn Mỹ cũng có những chia sẻ tương tự về việc chính phủ không hồi đáp đề xuất của doanh nghiệp. Theo ông, phía chính quyền cần có những “giải thích công khai”, tránh việc người dân tự suy đoán. 

Chấp nhận cũng không hề dễ

Tuy có góc nhìn tích cực về tiềm năng du lịch của Việt Nam, bà Quách Thị Mỹ Hòa có những lo ngại nếu Việt Nam tham gia nhóm miễn visa cho du khách châu Âu. 

Đầu tiên là việc thất thoát khoản thu từ chi phí giấy tờ và các thủ tục liên quan. 

“Chính phủ hiện dùng một khoản không nhỏ từ phí thị thực đề đầu tư cho du lịch về các tỉnh thành phố, để phục vụ việc truyền thông và quảng cáo,” bà nói. 

Trước đó, ông Weerasak, trong cuộc phỏng vấn với BBC, cho rằng đây là “một khoản rất nhỏ” so với khoản chi tiêu của khách du lịch khi tới một quốc gia, đặc biệt là khách du lịch từ châu Âu. 

Bà Hòa cũng có những lo lắng rằng cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam không kịp đáp ứng khách du lịch khi họ tới ồ ạt, mang lại những “trải nghiệm không tốt” có thể gây ra ảnh hưởng lâu dài tới ngành du lịch Việt Nam. 

Đây cũng là những lo ngại của ông Mỹ, rằng ngành dịch vụ ở Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn đồng nhất, mạnh ai nấy làm. 

“Bây giờ có miễn thị thực, chúng ta cũng chưa thể bằng Thái Lan và Malaysia.” 

Theo ông Jeroen từ Đại học Rangsit, một rủi ro mà năm nước ASEAN phải chấp nhận là việc khách du lịch dành ít thời gian hơn ở một địa điểm, thay vào đó, họ sẽ phân bổ thời gian du lịch ở các đất nước khác nhau. 

Giải quyết vấn đề trước mắt

Tình trạng ùn tắc giao thông là vấn đề lâu nay của Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh, 

Tình trạng ùn tắc giao thông là vấn đề lâu nay của Việt Nam

Theo bà Quách Thị Mỹ Hòa, du khách châu Âu rất chú trọng đến du lịch bền vững. 

Trong khi đó, theo một bài viết trên Báo Công Thương vào tháng 4/2023, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc phát triển du lịch bền vững do thiếu tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, công tác quản lý hạn chế hay các yếu tố về an ninh, an toàn và vệ sinh. 

Hiện công ty bà Hòa đang xây dựng các bộ tiêu chuẩn xanh cho công tác kinh doanh du lịch, tuy nhiên đây là chỉ là cá nhân của doanh nghiệp, không phải do chính quyền. 

Câu hỏi là có bao nhiêu doanh nghiệp làm được như vậy?

Những vấn đề xã hội như xử lý rác thải không đúng cách, giao thông tắc nghẽn, “chặt chém” giá với khách du lịch cũng được ông Mỹ nhắc tới. 

Theo ông, Việt Nam trước tiên cần phải tự giải quyết ngay những vấn đề trong nước. 

“Bây giờ bắt tay thực hiện liền, giải quyết vấn đề rác, karaoke ồn ào, tất cả phải bán đúng giá và hợp lý. Những chuyện như vậy không tốn [nhiều] tiền, chỉ có muốn làm và quyết tâm làm hay không thôi. Quan trọng vẫn là quyết tâm của lãnh đạo và sự đồng thuận của người dân”


Comments are closed.