Tin tức thế giới Thứ tư 24/11/2021
Võ Thái Hà tổng hợp
Quan chức Mexico: CPTPP sẽ không bẻ cong quy tắc để chấp nhận Trung Quốc
(Ảnh chụp màn hình Youtube/Bloomberg Markets and Finance)
Một quan chức thương mại cấp cao của Mexico nói với Nikkei rằng các thành viên của hiệp ước thương mại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ không bẻ cong các quy tắc để chấp nhận Trung Quốc,
Bà Luz María de la Mora, Thứ trưởng phụ trách Ngoại thương, Bộ Kinh tế Mexico, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Hai rằng: “Chúng tôi muốn bảo đảm rằng chúng tôi duy trì tiêu chuẩn, hoặc chúng tôi cải thiện tiêu chuẩn, nhưng sẽ không có ngoại lệ, không thay đổi, không đối xử đặc biệt”.
Trước đó, hồi tháng 10, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị rằng Mexico “hoan nghênh” Trung Quốc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Nhưng bà de la Mora nói rằng “các cuộc đàm phán và thực hiện CPTPP là [trách nhiệm] của Bộ Kinh tế”. Bà phát biểu: “Chưa có quyết định nào được đưa ra”, sau khi nhấn mạnh rằng Mexico sẽ xem xét đơn của Trung Quốc thông qua một quy trình đòi hỏi “rất nhiều công việc, rất nhiều sự chú ý và rất nhiều phân tích.”
Trung Quốc đã nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 9. Muốn gia nhập được tổ chức này cần phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên.
Mỹ-Đài thảo luận cách khắc chế Bắc Kinh
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (ảnh: Youtube/UDN Video).
Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa cho biết, trong vòng thứ hai của cuộc đối thoại kinh tế, Đài Loan và Mỹ đã thảo luận về tình trạng thiếu chip và cách đối phó với sự “chèn ép” kinh tế của Trung Quốc, theo Reuters.
Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán về Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư vào tháng 7 năm ngoái, và Đài Loan cho biết họ hy vọng có thể ký hiệp định với Mỹ vào một ngày không xa.
Cuộc đàm phán vòng thứ hai diễn ra một tuần sau cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp này, ông Tập cảnh báo rằng những người ủng hộ Đài Loan độc lập ở Hoa Kỳ đang “đùa với lửa”.
Phát biểu với các phóng viên tại Đài Bắc sau 5 giờ hội đàm trực tuyến với phái đoàn Hoa Kỳ, bà Vương cho biết Mỹ và Đài Loan đã thảo luận về hợp tác chuỗi cung ứng, bao gồm cả chất bán dẫn. Bà nói: “Phần bán dẫn bao gồm vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngắn hạn hiện tại. Điều quan trọng hơn nữa là sự hợp tác lâu dài trong tương lai”.
Nhà sản xuất chip Đài Loan cho biết họ đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu, và đặc biệt muốn chứng minh cho Hoa Kỳ rằng họ xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Bà Vương nói, cách đối phó với hành động “chèn ép” kinh tế của Trung Quốc cũng được thảo luận. Các quan chức Mỹ và Đài Loan đã tập trung vào Litva, quốc gia phải đối mặt với áp lực từ Bắc Kinh vì đã cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện ở thủ đô Vilnius.
Người đứng đầu Bộ kinh tế của hòn đảo nói thêm: “Tất cả chúng tôi đều tin tưởng rằng tất cả các quốc gia, tất cả các nền kinh tế, không nên chịu sự ép buộc từ bên ngoài như thế này”.
Erdogan tiếp tục giảm lãi suất để chống lạm phát
Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm vào thứ Ba, có thời điểm giảm tới 15% so với đồng đô la, mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua. Mọi sự bắt nguồn từ phát biểu của tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong đó ông gợi ý đang theo đuổi một đồng tiền yếu hơn để thúc đẩy tăng trưởng. “Một tỷ giá hối đoái cạnh tranh sẽ giúp tăng đầu tư, sản xuất và việc làm,” ông nói vào hôm thứ Hai. Kể từ tháng 9, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm lãi suất 4 điểm phần trăm, gây ra một đợt bán tháo kỷ lục.
Sheikh Mohammed bin Zayed, nhà lãnh đạo trên thực tế của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Tư này, và có thể sẽ được chào đón với vòng tay rộng mở. Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã nối lại quan hệ lại từ mùa hè, sau nhiều năm thù địch. UAE dường như đang để mắt đến các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la ở Thổ Nhĩ Kỳ. Dù vậy, chúng cũng không đủ để khắc phục thiệt hại mà ông Erdogan và các lý thuyết kinh tế khó hiểu của ông đang gây ra cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ sắp công bố chỉ số chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE)
Cục Phân tích Kinh tế Hoa Kỳ sẽ công bố chỉ số chi tiêu cho tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 10 vào thứ Tư này. PCE cốt lõi, không tính thực phẩm và năng lượng, dự kiến sẽ tăng khoảng 4% so với một năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng ba mươi năm qua, xuất phát từ tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu hàng hóa tăng cao, từ đồ nội thất đến ô tô. Các chỉ số giá cả khác cũng cho thấy điều tương tự, nhưng Cục Dự trữ Liên bang theo dõi PCE chặt chẽ nhất.
Fed đang hướng tới chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Họ đã bắt đầu giảm lượng mua trái phiếu hàng tháng, vốn được tiến hành từ đỉnh điểm đại dịch để thúc đẩy tăng trưởng. Việc cắt giảm sẽ tạo tiền đề cho họ tăng lãi suất vào khoảng giữa năm sau. Câu hỏi đặt ra là liệu lạm phát tăng có khiến Fed tăng lãi suất sớm hơn lịch trình dự kiến hay không.
Quan hệ giữa Morocco và Israel được cải thiện
Hợp tác giữa Morocco và Israel đã tăng đáng kể từ khi hai bên đồng ý bình thường hóa quan hệ vào tháng 12 năm ngoái, nhờ tổng thống Mỹ khi ấy là Donald Trump thúc đẩy. Các hãng hàng không đang có các chuyến bay giữa hai nước trong khi thương mại tăng mạnh, dĩ nhiên từ mức thấp. Nhưng quân sự là chủ đề đáng chú ý nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz sẽ thăm chính thức Morocco lần đầu vào thứ Tư. Hy vọng của ông là bán được máy bay chiến đấu không người lái và lá chắn máy bay không người lái. (Các báo cáo chưa xác nhận cũng cho thấy hai nước có thể đồng ý thiết lập một căn cứ quân sự chung ở đâu đó trên bờ Địa Trung Hải).
Morocco muốn có thêm vũ khí và hậu thuẫn ngoại giao khi quan hệ với nước láng giềng Algeria xấu đi, đặc biệt là xoay quanh khu vực tranh chấp Tây Sahara. Morocco coi dải sa mạc trên Đại Tây Dương là cầu nối với Tây Phi và do đó tuyên bố chủ quyền. Algeria nói lãnh thổ này thuộc về quân du kích Sahrawi mà nước này hậu thuẫn, và đang tìm kiếm trợ giúp từ Nga. Người ta ngày càng lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang và việc các nước đẩy mạnh can thiệp khiến xung đột leo thang.
Mỹ xuất 50 triệu thùng dầu dự trữ để hạ giá xăng
Giá xăng dầu tăng cao thúc đẩy lạm phát ở nhiều nước. Giá xăng ở California đã lên mức cao nhất từ trước tới nay. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images
Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Kỳ sẽ xuất 50 triệu thùng dầu thô từ Cục Dự trữ Dầu chiến lược quốc gia để giúp hạ nhiệt giá dầu. Lượng dầu này sẽ bắt đầu ra thị trường từ giữa đến cuối Tháng Mười Hai, hãng Reuters đưa tin hôm Thứ Ba 23 Tháng Mười Một.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho biết dầu thô từ kho dự trữ sẽ được bán cho các nhà máy lọc dầu hoặc cho vay vào lúc nguồn cung cấp dầu thế giới không đáp ứng đủ nhu cầu. Hành động mở kho dự trữ của Mỹ được thực hiện đồng thời với các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh. Tòa Bạch Ốc cho biết đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ phối hợp mở kho dầu dự trữ với một số nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Hành động của Mỹ cũng được cho là phản ứng cần thiết sau khi các nước sản xuất dầu trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu OPEC và Nga, gọi chung là OPEC+, nhiều lần từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden, yêu cầu gia tăng sản lượng dầu khai thác để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng cao khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục sau gần hai năm đại dịch.
Giá dầu thô hiện ở mức cao nhất trong bảy năm, và có nguy cơ lên tới mức $100 mỗi thùng của giai đoạn 2011-2014. Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng gấp rưỡi, hiện ở mức hơn $80 mỗi thùng. Giá xăng dầu đang đẩy tốc độ lạm phát lên cao ở hầu hết các nước, làm cho người tiêu dùng phẫn nộ và khiến tỷ lệ người Mỹ ủng hộ Tổng thống Biden giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 10 tháng cầm quyền của ông.
Kho dầu dự trữ quốc gia của Mỹ hiện tích trữ khoảng 727 triệu thùng dầu thô. Việc xuất kho dự trữ là biện pháp cuối cùng, trong tình thế bất khả kháng cần nhanh chóng ổn định thị trường xăng dầu; nhưng đây không phải là biện pháp bền vững mà chỉ có tác dụng ngắn hạn.
Theo thông báo của Tòa Bạch Ốc, Mỹ sẽ xuất ra khoảng 50 triệu thùng dầu, tương đương với mức tiêu thụ xăng dầu của người Mỹ trong 2.5 ngày. Trong số này, có 32 triệu thùng dầu được chính quyền cho vay, sau này các nhà máy phải trả lại cho kho dự trữ và 18 triệu thùng được bán lấy tiền bổ sung vào ngân sách, nếu Quốc Hội cho phép. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, Ấn Độ sẽ xuất 5 triệu thùng và Anh quốc sẽ xuất ra 1.5 triệu thùng dầu. Chi tiết về lượng dầu xuất kho của Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn chưa được công bố. Tuy nhiên, nhìn chung giới quan sát cho rằng lượng dầu xuất ra từ các kho dự trữ quốc gia vẫn quá ít, không nhiều như kỳ vọng nên khó kéo giá xăng dầu xuống.
Tổ chức OPEC+, bao gồm Arab Saudi và các đồng minh của Mỹ ở vùng Vịnh Ba Tư, cũng như Nga, đang hưởng lợi nhờ giá dầu tăng mạnh trong mấy tháng gần đây, đã từ chối gia tăng sản lượng. OPEC+ sẽ có cuộc họp quan trọng vào ngày 2 Tháng Mười Hai để bàn bạc kế hoạch phối hợp cung cấp dầu nhưng giới quan sát cho rằng cuộc họp sẽ không có sự thay đổi đáng kể nào. Một vài quan chức OPEC nói rằng, họ lo ngại dịch COVID-19 đang tái bùng phát ở châu Âu và một số nơi khác sẽ tiếp tục gây gián đoạn các hoạt động kinh tế và khiến cho mặt hàng dầu bị dư thừa như hai năm trước.
Dù vậy, hành động của Washington phối hợp với các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất thế giới đồng loạt xuất kho dầu dự trữ để ổn định thị trường đang gửi một tín hiệu cho OPEC+ rằng OPEC cần quan tâm đúng mức tới tình trạng tăng giá dầu và tác động tiêu cực của giá dầu tới tình hình kinh tế thế giới nói chung.
Việt Nam, Nhật Bản “mạnh mẽ” chống lại việc làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển trong khu vực
Trao đổi văn kiện ký kết hợp tác giữa phái đoàn bộ Quốc Phòng Việt Nam (T) và các đồng nhiệm Nhật Bản, tại bộ Quốc Phòng Nhật, Tokyo, ngày 23/11/2021. © REUTERS/Issei Kato/Pool
Tại Tokyo hôm qua, 23/11/2021,bộ trưởng Quốc Phòng của Việt Nam và Nhật Bản đã tuyên bố “mạnh chẽ chống lại” mọi mưu toan đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng các vùng biển trong khu vực, ám chỉ đến sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông
Hãng tin Kyodo, trích dẫn thông báo bộ Quốc Phòng Nhật cho biết, trong cuộc gặp tại Tokyo, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi và đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang đã thảo luận về những diễn biến gần đây tại Biển Đông và biển Hoa Đông, xác nhận là hai nước sẽ cùng nhau nỗ lực duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp ở các vùng biển này. Ông Kishi còn tuyên bố Nhật Bản cam kết bảo vệ một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương “tự do và dân chủ”, cũng như cam kết hợp tác với Hoa Kỳ và các quốc gia “có cùng tư tưởng chia sẽ những giá trị phổ quát”.
Theo lời bộ trưởng Kishi, cuộc hội đàm giữa ông với đồng nhiệm Việt Nam Phan Văn Giang đã đưa hợp tác quốc phòng giữa hai nước lên một “mức độ mới”.
Cũng nhân cuộc gặp hôm qua giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng tại Tokyo, Việt Nam và Nhật Bản đã ký hiệp định hợp tác về an ninh mạng và về quân sự. Theo hãng tin AP, tuyên bố với các phóng viên, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi cho biết hiệp định hợp tác về an ninh mạng là nhằm đối phó khẩn cấp với những hoạt động trên vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đang “thách thức trật tự quốc tế hiện có”, ám chỉ đến Trung Quốc, tuy ông không nêu tên cụ thể quốc gia nào.
Hai bộ trưởng Quốc Phòng hôm qua cũng thông báo Nhật Bản và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác về các chiến dịch duy trì hòa bình. Việt Nam hiện đang chuẩn bị tham gia lực lượng duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở một vùng đang tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan. Theo hãng tin Kyodo, bộ trưởng Kishi cho biết là quân đội Nhật sẽ gởi người đến Việt Nam để chia sẽ kinh nghiệm và kỹ năng của Nhật liên quan đến các chiến dịch duy trì hòa bình.
Cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước diễn ra một ngày trước khi thủ tướng Nhật Fumio Kishida hội đàm với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông Phạm Minh Chính là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên được ông Kishida tiếp kể từ khi ông nhậm chức thủ tướng vào tháng trước.
Mỹ khuyên công dân không nên đến châu Âu do dịch Covid-19 bùng trở lại
Bảng hiệu “AG” quy định chỉ cho những người đã được chích ngừa hoặc khỏi bệnh Covid-19 được vào chợ Noel ở thành phố Koln, Đức. Ảnh chụp ngày 22/11/2021. © REUTERS/Thilo Schmuelgen
Chính phủ Hoa Kỳ hôm qua, 22/11/2021, đã khuyến cáo công dân Mỹ không nên đến Đức và Đan Mạch vào thời điểm này, do đại dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại.
Theo AFP, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã xếp tình hình dịch tại hai nước này ở cấp độ 4, cấp độ cảnh báo cao nhất.
Áo là nước châu Âu đầu tiên phong tỏa toàn quốc kể từ hôm qua, 22/11. Việc áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế sinh hoạt, phòng ngừa dịch bệnh lây lan đã gây ra bạo loạn vào cuối tuần qua ở một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là tại Hà Lan. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tố cáo “bạo lực thuần túy” của “những kẻ ngu ngốc”.
Đức cũng tỏ ra hết sức lo lắng về sự bùng phát của Covid-19 khi tiến hành những biện pháp hạn chế mới.
Từ Berlin, Đức, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình :
“Các biện pháp hạn chế chống Covid hiện tại là không đủ. Tình hình đang rất đáng lo ngại và vượt xa tất cả những gì chúng tôi đã từng phải đối mặt kể từ khi đại dịch bắt đầu”. Đó là những lời cảnh báo của thủ tướng Angela Merkel trong cuộc họp với lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên Chúa Giáo vào sáng thứ Hai và được báo chí Đức đăng tải. Thứ Năm tuần trước, sau cuộc họp giữa thủ tướng Merkel và các đại diện vùng, một luật mới nghiêm ngặt hơn đã được thông qua liên quan đến các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn, đặc biệt là những người chưa tiêm chủng bị cấm lui tới những nơi không thiết yếu. Tuy nhiên, trong cùng ngày, bà Merkel cho rằng làm như thế vẫn chưa đủ. Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã sử dụng một cụm từ gây sốc để tóm tắt tình hình hiện tại và những lo ngại của ông trong những tuần tới.
Ông nói : “Có khả năng là vào cuối mùa đông này hầu như tất cả mọi người hoặc sẽ được tiêm phòng, hoặc sẽ được chữa khỏi, hoặc sẽ chết. Điều này rất có thể xảy ra với biến thể Delta và đó là lý do tại sao chúng tôi đang vận động mọi người đi tiêm chủng.”
Tình hình đang trở nên rất căng thẳng tại các bệnh viện, với những ca chuyển bệnh nhân đầu tiên. Lệnh phong tỏa bán phần đối với những người chưa tiêm chủng đã được thông qua ở hai bang Sachsen và Bayern. Phạm vi áp dụng các biện pháp này có sẽ được mở rộng ra hơn ? Luật bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm chủng, vấn đề mà từ xưa nay được cho là nhạy cảm, bắt đầu có hiệu lực. Ở Đức cũng đang có một cuộc tranh luận về việc bắt buộc toàn dân tiêm chủng. Theo một cuộc thăm dò dư luận, 70% dân Đức ủng hộ việc này.
TT Mỹ Biden mời Đài Loan tham gia thượng đỉnh dân chủ, Trung Quốc phản đối gay gắt
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/11/2021 đã mời khoảng 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Đài Loan, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dân chủ. Hôm nay 24/11, Trung Quốc đã gay gắt phản đối, bởi theo Bắc Kinh, Đài Loan chỉ là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
« Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ » sẽ được tiến hành trực tuyến vào ngày 09-10/12/2021 và cuộc họp trực tiếp sẽ diễn ra một năm sau đó. Theo AFP, danh sách khách mời đã được công bố hôm thứ Ba 23/11 trên trang web của bộ Ngoại Giao Mỹ. Các đối thủ chính của Mỹ, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga, không có tên trong danh sách này.
Trái lại, tổng thống Biden đã mời Đài Loan. Đối với Hoa Kỳ, hòn đảo không được công nhận là một quốc gia độc lập nhưng là một mô hình dân chủ chống lại Trung Quốc.
Ngay lập tức, Bắc Kinh đã có phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Trung Quốc Lập Kiên (Zhao Lijian) hôm nay 24/11/2021 khẳng định sự « phản đối mạnh mẽ » của Trung Quốc và nhấn mạnh « theo luật pháp quốc tế, Đài Loan không có vị thế gì khác ngoài là một phần không thể tách rời của Trung Quốc ».
Từ khi nhậm chức vào tháng 01/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã không giấu diếm ý định tiến hành một « cuộc đấu » giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên quyền, mà Trung Quốc và Nga là đại diện. Biden coi đó là tâm điểm chính sách đối ngoại của ông.
Tuy nhiên, bà Laleh Ispahani, Quỹ Xã Hội Mở (Open Society), lưu ý thay vì biến thượng đỉnh vì dân chủ lần này thành một cuộc họp chống Trung Quốc, tổng thống Biden phải tận dụng cơ hội này để tập hợp các nhà lãnh đạo và xã hội dân sự để « tấn công vào cuộc khủng hoảng do sự suy thoái nghiêm trọng của nền dân chủ ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả đối với các mô hình tương đối vững chắc như Hoa Kỳ ».
Quả thực, hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ diễn ra trong bối cảnh nền dân chủ thế giới đã hứng chịu nhiều thất bại trong những tháng gần đây ở một số nước mà Hoa Kỳ từng đặt nhiều hy vọng, chẳng hạn Miến Điện, Sudan, những nơi đã diễn ra đảo chính quân sự. Ngay chính nước Mỹ cũng lần đầu tiên bị Viện Quốc tế về Dân chủ và Hỗ trợ Bầu cử (IDEA) có trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, xếp vào danh sách « các nền dân chủ đang tụt lùi », chủ yếu liên quan đến thời tổng thống Donald Trump.
TP. New York tìm cách trao quyền bầu cử cho gần 1 triệu người không phải công dân
Ảnh: shutterstock
Các nhà lập pháp của thành phố New York đang muốn biến thành phố này trở thành đô thị lớn nhất của Hoa Kỳ, nơi cho phép những người không phải là công dân được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương.
Theo New York Times, 34 thành viên Đảng Dân chủ trong ủy ban của hội đồng thành phố New York đã phối hợp để tìm cách cấp quyền bỏ phiếu cho hơn 800.000 người không phải là công dân Mỹ nhưng có thẻ xanh, thị thực và giấy phép lao động. Dự luật mới có tên là “Thành phố của chúng ta, Lá phiếu của chúng ta” sẽ cho phép những người này bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương nếu họ đã ở thành phố New York liên tục ít nhất 30 ngày.
Nghị viên đảng Dân Chủ Ydanis Rodriguez, người đại diện cho khu phố Washington Heights nói với tờ New York Times rằng “Điều quan trọng đối với Đảng Dân chủ là nhìn vào Thành phố New York và thấy rằng, khi quyền bỏ phiếu đang bị tấn công, chúng tôi đang mở rộng sự tham gia của cử tri”.
Nếu dự luật được thông qua, khoảng 130.000 công dân của Cộng hòa Dominica và khoảng 120.000 công dân Trung Quốc sẽ nằm trong số gần một triệu người không phải là công dân Mỹ nhưng được đảm bảo quyền bầu cử tại thành phố này.
Newsmax đưa tin, tiểu bang Alabama, Colorado và Florida đã thông qua đạo luật vào năm ngoái, quy định rằng chỉ công dân Hoa Kỳ mới có quyền bỏ phiếu. Tiểu bang Arizona và Bắc Dakota cũng không cho phép những người không phải công dân bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và địa phương.
Joshua Douglas, một giáo sư đại học luật nói rằng: “Ở những nơi được gọi là bang xanh, chúng ta đang tiến tới mở rộng [quyền bầu cử], bao gồm cả việc mở rộng hoạt động bỏ phiếu của những người không phải công dân”.
Ông tiếp tục “Ở những nơi được gọi là bang đỏ, họ đang tiến tới những quy định chặt chẽ hơn về quyền bỏ phiếu, [cũng] bao gồm những người không phải là công dân. Toàn bộ thế giới về quyền bầu cử đã trở nên phân cực hơn, thậm chí nhiều hơn mức bình thường.”
Dự luật của Thành phố New York dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 9 tháng 12 bởi hội đồng thành phố. Thị trưởng mới đắc cử của thành phố, ông Eric Adams cho biết mình ủng hộ luật này.
Tuy nhiên, không phải tất cả những nhà cấp tiến của thành phố đều ủng hộ dự luật. Thị trưởng sắp mãn nhiệm Bill de Blasio cho biết, ông có “cảm xúc lẫn lộn” về dự luật. Ông Blasio nói thêm rằng, việc cho phép những người không phải công dân bỏ phiếu có thể làm giảm mong muốn trở thành công dân Mỹ hoàn toàn.
Những người ủng hộ dự luật nhấn mạnh dự luật này là hợp pháp. Họ nói thêm rằng, điều quan trọng là phải mở rộng quyền bỏ phiếu của thành phố cho những người cư trú hợp pháp trong nước, đóng thuế nhưng không có quốc tịch Mỹ.
Tags: Cộng Đồng, Liên Bang Hoa Kỳ, tin thế giới, Việt Nam